Chưa khi nào mà tình hình an ninh trật tự ở khu vực giáp ranh quận Thủ Đức TPHCM với tỉnh Bình Dương lại phức tạp như hiện nay.
Khu vực giáp ranh TPHCM và tỉnh Bình Dương hiện có hơn 50.000 sinh viên tại làng đại học Thủ Đức, hàng trăm ngàn công nhân các khu công nghiệp Sóng Thần, Đồng An, Bình Chiểu, Bình Đường, Việt Nam - Singapore, khu chế xuất Linh Trung 1 và 2... lưu trú, học tập và làm việc. Ăn theo các hoạt động này, nhiều năm qua, hàng ngàn khu trọ lụp xụp, nhà nghỉ, quán sá, chợ tự phát, cơ sở dịch vụ nhạy cảm... thi nhau vây kín khu vực.
Bên cạnh việc đáp ứng một phần các nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, giải trí cho sinh viên, công nhân, người lao động, những hoạt động ăn theo nói trên đã và đang gây ra cho xã hội không ít những hậu quả và hệ lụy khôn lường. Ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan đô thị là những hậu quả đã rõ. Hiện nay, đáng ngại nhất là các hoạt động ăn theo đang trở thành nơi ẩn náu, là “đất sống” của những đối tượng, băng nhóm tội phạm từ các địa phương khác đổ về.
Hiện trường vụ nổ súng làm 2 người thương vong (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức).
Chưa lúc nào, an ninh trật tự ở khu vực giáp ranh quận Thủ Đức với thị xã Dĩ An, Thuận An (tỉnh Bình Dương) lại báo động như lúc này. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, năm 2014, số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn quận Thủ Đức tăng 31,45% so với cùng kỳ năm 2013. Nổi cộm như vụ Nguyễn Thanh Tý vào nhà nghỉ giết người, cướp tài sản tại phường Hiệp Bình Chánh; hay vụ Phạm Văn Đầy, giết người tình đồng tính, cướp tại phường Linh Đông và gần đây nhất là vụ nổ súng ở phường Bình Chiểu làm 2 người thương vong.
Các con số, vụ việc trên cho thấy an ninh trật tự ở khu vực giáp ranh TPHCM với 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đang phức tạp, tính chất nghiêm trọng tăng lên trong từng vụ việc. Đáng nói hơn, vấn đề này đã được các địa phương, ngành chức năng liên quan đề cập, bàn giải pháp từ nhiều năm qua nhưng kết quả đến nay chẳng những như mong muốn, lại còn phức tạp hơn.
Giải pháp ngăn chặn cần thực hiện ngay lúc này không phải là những lời hô hào suông, những ý kiến có cánh tại các cuộc họp, mà phải là những hành động cụ thể. Không vĩ mô, to tát, chỉ cần các địa phương dám nhìn thẳng vào thực tế, bóc ra những “điểm đen” trên địa bàn, xử lý kiên quyết, triệt để những vi phạm, dù là nhỏ nhất. Các đối tượng, băng nhóm tội phạm thường sống bám vào các tiệm hớt tóc, massage trá hình; những quán nhậu, nhà hàng, bar hoạt động thâu đêm, trái pháp luật; những chủ cho vay nặng lãi để bảo kê, đòi nợ thuê...
Lẽ đương nhiên, tội phạm sẽ không còn khi những quán xá, các hoạt động vi phạm bị triệt tiêu.
PHẠM MINH