Nhiều vụ án mà thủ phạm là người chưa thành niên trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân. Dù ở tuổi cắp sách đến trường nhưng các em hành động có tổ chức, thủ đoạn ngày càng nguy hiểm, bất chấp. Cơ quan chức năng gần như bó tay khi các em lợi dụng chính sách nhân văn để “lách” luật. Bên cạnh các biện pháp chế tài, gia đình và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục, định hướng lối sống cho nhóm đối tượng trên.
Chuyên nghiệp, táo tợn
Sống lang thang, N.T.T. cùng 6 người bạn tụ tập, lập băng cướp kiếm tiền tiêu xài. Cả nhóm đến khu vực kênh Tàu Hủ (quận 1, TPHCM) thì trông thấy 2 người nước ngoài ngồi nói chuyện. T. phân công một bạn cảnh giới, số còn lại đi theo mình. T. cầm dao khống chế 2 nạn nhân. Một trong số đó quyết liệt chống trả nên bị Tâm đâm một nhát trúng lưng. Cả băng dùng gạch, cây gỗ hành hung đối phương. Nạn nhân bỏ chạy, một người chịu thương tật 11%. Cả băng chia nhau hơn 3 triệu đồng cướp được. Ngựa quen đường cũ, nhóm T. tiếp tục dùng dao khống chế 2 người đi đường, cướp 4 triệu đồng. Mới 13 - 16 tuổi nhưng băng cướp nhí là nỗi ám ảnh của người dân quận 1.
Tương tự, T.T.T. (quận 7, TPHCM) mới lãnh 9 tháng tù giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Vừa 16 tuổi, T. theo bạn tham gia trận quyết chiến khiến 2 người thương tích lần lượt 65%, 28%. Bản thân T. chịu thương tật 4%. Vì mâu thuẫn trên mạng xã hội, 2 nhóm xô xát, dùng dao tấn công lẫn nhau. Hay T.T.N.G. (quận 8, TPHCM) nhận bản án 2 năm 6 tháng tù giam về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” lúc 15 tuổi. Nghe lời mẹ, G. mang hàng “trắng” đi bán quanh khu vực quận 8.
Ra trước vành móng ngựa, N.C.B. và T.H.B.T. bày tỏ thái độ ăn năn, hối lỗi
Không dừng lại ở hành vi đả thương, mua bán hàng “trắng”, nhiều em sẵn sàng ra tay lấy tính mạng người khác, như thủ phạm sát hại nghệ sĩ Đ.L. (vụ án xảy ra ở quận 8, gây chấn động dư luận). N.C.B. quan hệ đồng tính với nghệ sĩ Đ.L. Muốn có tiền mua xe máy, B. bàn với bạn học là T.H.B.T. hẹn gặp nam nghệ sĩ hòng cướp tài sản. Tại nhà trọ, B. đâm nhiều nhát khiến anh L. tử vong. N.C.B. lãnh 12 năm tù về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”; T.H.B.T. lãnh 1 năm 6 tháng tù treo về tội “Cướp tài sản”. Đáng buồn hơn, cả hai mới 15 tuổi khi đứng trước vành móng ngựa. B. mồ côi, sống cùng bà cô. Gia đình T. nghèo đến nỗi cha mẹ phải đem cho con gái út mới chào đời.
Dù chưa đến tuổi trưởng thành nhưng thủ đoạn phạm tội của nhiều em ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Nếu trước kia các em chỉ dám lén lút hành động, trộm vặt thì hiện việc tự lập băng nhóm trắng trợn cướp tài sản, đánh nhau trở nên phổ biến. Các em học trên internet, phim ảnh về cách thức mở khóa, điều nghiên trước khi gây án. Điển hình ở quận 8, nhiều em sẵn sàng trộm, cướp, vào nhà dân quậy phá, xin “đểu”; thậm chí gây án mạng để kiếm tiền hút chích.
Bắt cóc bỏ đĩa
Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng, Bộ luật Hình sự quy định khá rõ ràng và đầy đủ về chính sách pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, phương thức xử lý hướng đến mục tiêu giáo dục, giúp đỡ các em sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích. Nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội tại Bộ luật Hình sự nêu rõ người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu phạm tội không nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ; có gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát giáo dục… Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết ra hình phạt thì tòa án áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng. Bên cạnh đó, Điều 2, Nghị quyết số 24/2012 về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng phân rõ độ tuổi và điều kiện áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội. Đây là chính sách nhân văn, phù hợp với các công ước quốc tế.
Theo thiếu tá Lê Hữu Phước, Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an quận 8, quy định pháp luật hiện hành đối với người phạm tội chưa đến tuổi thành niên đầy tính nhân đạo nhưng dễ bị lợi dụng. Không ít đối tượng có cơ hội sử dụng chiêu trò “lách” luật trong nhiều trường hợp phạm tội.
Đơn cử, những em có hành vi trộm tài sản bị phát hiện sẽ chịu phạt hành chính 2 lần. Lần tái phạm thứ ba mới lập hồ sơ xét áp dụng hình thức giáo dục tại phường, xã, thị trấn. Đến lần tái phạm thứ tư, cơ quan có thẩm quyền mới xem xét đưa vào trường giáo dưỡng. Nếu khoảng thời gian tái phạm quá 6 tháng thì quá trình xét hình thức chế tài sẽ tính lại từ đầu, bỏ qua hồ sơ vi phạm trước đó. Như vậy, các em chỉ cần chờ sau 6 tháng mới tiếp tục gây án sẽ dễ dàng “qua cửa” luật pháp. Chưa kể, khi công an thông báo trường hợp giáo dục tại địa phương, gia đình của các em có trách nhiệm đọc, ký tên vào hồ sơ. Nhiều gia đình không hợp tác, đẩy cơ quan công an vào thế khó. Vì vậy, nỗ lực của cơ quan chức năng như “bắt cóc bỏ đĩa”. Nhiều người dân bức xúc, đến tận trụ sở công an khiếu nại về những trường hợp người chưa thành niên phạm tội được trả ngay về địa phương, gây nhũng nhiễu hàng xóm.
“Vi phạm nhỏ mà không xử lý đến nơi sẽ dẫn đến hành vi phạm tội nghiêm trọng hơn. Hầu hết các em đã phạm tội đều “ngựa quen đường cũ”, tái diễn hành vi sai trái với quy mô, tính chất phức tạp hơn”, ông Phước cảnh báo.
|
KỲ LÂM
| ||