Phía sau những nghi án tiêu cực tại đội tuyển U-23

Tôi xấu hổ vì sự vô cảm của mình

Nếu phải viết tiếp những bài viết của mình về U-23, chắc rằng tôi vẫn sẽ tiếp tục nói về những gì mình đã chứng kiến ở Bacolod về đội tuyển U-23 Việt Nam. Chắc chắn tôi lại tìm kiếm những thói hư tật xấu của các cầu thủ mà viết ra những lời lẽ đanh thép, nặng nề để giúp độc giả hiểu hơn về một đội bóng mà họ đặt trọn trái tim, hy vọng cho một chiếc huy chương vàng mơ ước.

Nhưng, tôi không muốn viết tiếp về điều đó. Để làm gì? Khi sự việc đã qua rồi, khi sự khinh nhờn đang hằng ngày đổ lên chiếc huy chương bạc đúng chỉ tiêu mà đội tuyển đã đem về. Những con người mà tôi và nhiều người khác đang tìm cách trút sự tức giận rồi sẽ chẳng còn trong đội tuyển. Họ tốt hay xấu, âu cũng là thành quả của bản thân họ. Mọi chuyện rồi cũng có lúc qua đi.

Tôi xấu hổ vì sự vô cảm của mình ảnh 1

Cổ động viên Việt Nam luôn sát cánh cùng đội tuyển tại SEA Games 23. Ảnh: Hoàng Hùng

Hơn nữa, tôi tin mình tiếp tục viết thì sự xấu hổ sẽ còn tăng lên. Tôi xấu hổ khi đã có lúc mình hầu như vô cảm trước các thói xấu của những người mình xem là em út. Tôi xấu hổ vì chỉ khuyên họ qua loa theo giọng điệu kẻ cả chứ chưa thật sự chân thành. Tôi xấu hổ vì mỗi lần tiếp xúc với họ, tôi chỉ tìm cách tìm kiếm chất liệu cho một bài viết nhiều hơn những lời thăm hỏi.

Tôi xấu hổ vì đã quá ít sự tức giận đối với thái độ ngạo mạn và ngang ngược đôi khi xất láo của họ. Tại sao không một lần tôi thể hiện sự tức giận của mình, mắng thẳng vào họ với tư cách của một người nhiều tuổi hơn, sẵn sàng chấp nhận sự căm ghét của họ cũng đồng nghĩa chất liệu những bài viết sẽ không còn nhiều khi họ không còn muốn tiếp xúc với tôi.

Tôi xấu hổ vì không kể cho các cầu thủ tại Bacolod nghe về những chiếc huy chương vàng mà tôi đã chứng kiến ở Manila. Những chiếc HCV có máu và nước mắt của các VĐV điền kinh giành được. Biết đâu, lúc đó các cầu thủ sẽ suy nghĩ lại. Tại sao tôi không nói với họ tôi đã muốn bật khóc khi thấy Đỗ Thị Bông tăng tốc đến kiệt sức trong những mét cuối cùng để giành chiếc huy chương vàng.

Tôi không kể với họ vì tôi- cũng như nhiều người – cứ cho rằng các cầu thủ chúng ta xứng đáng có được sự chờ mong cao hơn, tiền thưởng cao hơn và mối quan tâm yêu mến cao hơn. Tôi, và cũng như nhiều người, cứ tự an ủi mình như vậy.

Tôi xấu hổ vì điều đó. Tôi xấu hổ vì sự vô cảm của mình trước các sự việc mà mình chứng kiến và tin rằng rất xấu xa.

Tôi xấu hổ về sự vô cảm của mình và thật sự càng xấu hổ hơn khi thấy người khác... cũng vô cảm. Tôi không hiểu vì sao, các lãnh đạo LĐBĐVN vốn đạo mạo và đầy kinh nghiệm lại phê phán đội tuyển Việt Nam nhiều đến thế sau thất bại. Những lời phát biểu chỉ trích hành vi bán độ (đang được điều tra, chưa có kết luận) nghe hùng hồn…khủng khiếp. Chao ôi, sao lúc xảy ra sự việc, họ lại không nói dõng dạc và đanh thép đến thế.

Bây giờ, họ mới nói cho người ta nghe về sự bất kính của các cầu thủ. Tôi tự hỏi tại sao họ có quyền lực đến thế, đầy rẫy kinh nghiệm đối nhân xử thế như vậy mà lúc cầu thủ bất kính, họ không trừng phạt. Họ, chứ không phải tôi, mới đủ tư cách trừng phạt các cầu thủ. Họ, chứ không phải tôi, có quyền thể hiện trách nhiệm giáo dục cầu thủ. Họ, chứ không phải tôi, có trách nhiệm loại bỏ những cầu thủ nào kém đạo đức ra khỏi đội tuyển bất cứ lúc nào bởi, người không có đạo đức, không biết lễ nghĩa thì không đủ tư cách khoác áo đội tuyển Việt Nam.

Tôi không tin các vị lãnh đạo VFF chúng ta vô cảm. Ông Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng đùng đùng bỏ về Việt Nam trước trận chung kết. Ông Phó Chủ tịch Lê Thế Thọ tức giận sau trận bán kết. Các ông Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ và Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn bây giờ nói rằng họ tức giận hành động các cầu thủ ghê gớm, nhưng …bây giờ mới nói được.

Họ đâu có vô cảm. Nhưng tại sao họ không dũng cảm thể hiện quyền và trách nhiệm của mình ngay ở thời điểm bắt đầu sự việc tồi tệ mà chính họ cũng biết kết cục đi đến đâu.Họ đâu có phải “chịu đựng” những hành vi chướng mắt để còn tác nghiệp như phóng viên chúng tôi. Họ đến Bacolod, theo sát bước chân đội tuyển là để giữ gìn những phẩm chất quý báu cho bóng đá Việt Nam. Họ đến để động viên, để kích thích và để bảo đảm rằng lòng tin của hàng triệu người hâm mộ quê nhà là đúng đắn. Đội tuyển có thể thua nhưng không thể đánh mất màu cờ, sắc áo, không thể xem thường chiếc áo quốc gia mà họ mặc trên mình.

Tôi đã xấu hổ và chẳng cảm thấy bớt đi phần nào cái mặc cảm đó dù hình như cũng có những người còn vô cảm hơn cả tôi. Càng đọc những phát biểu của lãnh đạo VFF nói về những tiêu cực tôi cảm thấy mình xấu hổ hơn. Gía như tôi một lần vượt qua sự vô cảm của mình để nói với các cầu thủ có lẽ tôi đỡ cắn rứt hơn. 

Việt Tâm

Tin cùng chuyên mục