Quyền tác giả đã dần trở nên quen thuộc trong đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Việc tôn trọng bản quyền cũng đang trở thành một nét văn minh của người làm văn hóa trong nước. Thế nhưng, áp dụng quyền tác giả như thế nào, cân đối giữa quyền tác giả và các mối quan hệ xã hội khác lại là vấn đề gây nhiều vướng mắc trong công tác xuất bản hiện nay.
Nhớ lý, quên tình
Vừa qua, Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) ra mắt bạn đọc cuốn sách Tâm hồn cao thượng (Cuore) của tác giả người Ý Edmondo De Amicis (ảnh). Đây được xem là tác phẩm thuộc dạng kinh điển trong dòng sách dạy làm người, được xuất bản lần đầu năm 1886. Tại Việt Nam, sách đã được xuất bản nhiều lần và nổi bật nhất là bản dịch của dịch giả Hà Mai Anh, nhan đề tiếng Việt Tâm hồn cao thượng (1948) và Những tâm hồn cao cả (1977) của Hoàng Thiếu Sơn. Do bối cảnh đặc thù của lịch sử, các ấn bản trước đây đều không có bản quyền. Riêng ấn bản mới nhất của First News, ngoài việc đã mua bản quyền còn tổ chức dịch mới hoàn toàn nhưng vẫn lấy lại nhan đề sách do cố dịch giả Hà Mai Anh sáng tạo. Điều đáng nói là trong sách cũng như trong buổi lễ ra mắt tác phẩm, tên dịch giả Hà Mai Anh lại không được nhắc đến. Chính điều này đã gây dư luận tiêu cực, cho rằng First News vi phạm bản quyền cũng như sự thiếu tôn trọng đối với dịch giả Hà Mai Anh.
Thừa nhận sai sót trong việc quên nhắc đến vai trò của cố dịch giả, First News đã chính thức nhận lỗi và cam kết sẽ bổ sung tên cố dịch giả Hà Mai Anh trong những ấn bản tái bản sắp tới. Về sai sót này, First News cho biết thực ra ngay sau khi mua được bản quyền tác phẩm vào năm 2015, đơn vị đã dự kiến sử dụng bản dịch của cố dịch giả Hà Mai Anh nhưng không thể liên hệ được với người thân của ông mà theo thông tin là đang sống ở nước ngoài. Chính vì vậy First Nerws đã chuyển qua dịch mới.
Đơn vị làm sách đã nhận lỗi về mặt tình nhưng về mặt luật, câu hỏi được đặt ra là việc sử dụng không xin phép một sáng tạo của cá nhân (ở đây là nhan đề sách) mà không xin phép có vi phạm luật bản quyền?
Tình và lý
Những tranh cãi xung quanh việc sử dụng nhan đề sách như trường hợp của First News vừa qua cho thấy, dù đã trải qua hơn 10 năm và có nhiều bước tiến đáng kể về ý thức nhưng bản quyền vẫn là vấn đề nóng trong xuất bản.
Thực tế, trường hợp như trên không phải hiếm, trước đây đã có lần nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa phản ánh rằng, bản dịch mới tác phẩm Godfather của 2 dịch giả Đoàn Tử Huyến và Trịnh Huy Ninh đã “cầm nhầm” nhan đề Bố già từ bản dịch của dịch giả Ngọc Thứ Lang trước đó. Và rồi hàng loạt bản dịch ngày trước mà nay nếu dịch lại, dù có thay đổi nội dung tác phẩm thì cũng không thể nào thay đổi các nhan đề đã thành kinh điển như Cuốn theo chiều gió, Bắt trẻ đồng xanh, Tội ác và trừng phạt… Cũng có trường hợp từng thử thay đổi như Theo gió cuốn đi nhưng bị bạn đọc phản ứng tiêu cực nên đành quay lại bản dịch cũ.
Thế nhưng, vấn đề bản quyền lại không thể trông vào cảm tình mà phải căn cứ theo luật. Theo luật sư Vân Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại châu Âu (Đức) và Việt Nam thì nhan đề của một tác phẩm không phải là tác phẩm, chỉ có toàn bộ bản dịch trong đó, bao gồm cả nhan đề mới được xem là tác phẩm. Và theo Luật Sở hữu trí tuệ chỉ có tác phẩm mới là đối tượng bảo hộ, luật không bảo hộ riêng từng thành phần độc lập trong một tác phẩm. Ví dụ như một tác phẩm lấy tên Nàng thì không lẽ các tác phẩm sau này đều phải tránh đặt tên Nàng?
Chính vì vậy, khi mua bản quyền, người ta thương thảo trên toàn bộ tác phẩm, các thành phần độc lập như nhan đề, đề tựa… Điều này cũng tạo thuận lợi cho dịch giả vì một khi có quyền dịch thì mặc nhiên có quyền dịch nhan đề hay các thành phần theo ý mình chứ không phải mỗi thứ mỗi xin phép tác giả.
Như vậy, việc áp dụng quyền tác giả phải dựa trên tính thống nhất của tác phẩm. Trong trường hợp kể trên nếu đơn vị làm sách lấy trọn vẹn bản dịch của cố dịch giả Hà Mai Anh thì bắt buộc phải xin phép và khi đó nếu muốn thay đổi nhan đề hay chi tiết thì phải có sự đồng ý của chủ sở hữu. Tuy nhiên, nếu chỉ lấy nhan đề thì theo luật lại không vi phạm bản quyền như khẳng định của luật: tên tác phẩm chỉ được bảo hộ cùng với tác phẩm, chứ bản thân tên tác phẩm không phải là một tác phẩm độc lập để được bảo hộ riêng.
Thế nhưng, luật là vậy còn trong thực tế làm sách bên cạnh việc kinh doanh còn được xem là một hoạt động văn hóa và người làm văn hóa cũng cần có văn hóa. Chính vì vậy, dù luật không bắt buộc nhưng thông lệ khi lấy một sáng tạo của người đi trước đều có sự xin phép cụ thể. Vì thế, sự cố vừa qua được xem là một sơ sót đáng tiếc với đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm tái bản các đầu sách kinh điển như First News.
Câu chuyện về cuốn sách Tâm hồn cao thượng vừa qua là lời nhắn nhủ đến các đơn vị làm sách, bên cạnh luật vẫn còn cần đến những yếu tố khác để tránh gây những sự cố như vừa qua, dễ gây phản cảm với bạn đọc.
Tường Vy