Tôn trọng để hòa hợp

Phát biểu với đoàn phóng viên tháp tùng Giáo hoàng Francis đến Philippines ngày 15-1, Giáo hoàng đã nhấn mạnh đến giới hạn của tự do ngôn luận và khẳng định không thể đùa cợt với tôn giáo. Tuyên bố của Giáo hoàng Francis đưa ra trong bối cảnh châu Âu nâng cao mức cảnh báo khủng bố và tiến hành truy quét các phần tử cực đoan.
Tôn trọng để hòa hợp

Phát biểu với đoàn phóng viên tháp tùng Giáo hoàng Francis đến Philippines ngày 15-1, Giáo hoàng đã nhấn mạnh đến giới hạn của tự do ngôn luận và khẳng định không thể đùa cợt với tôn giáo. Tuyên bố của Giáo hoàng Francis đưa ra trong bối cảnh châu Âu nâng cao mức cảnh báo khủng bố và tiến hành truy quét các phần tử cực đoan.

Đừng đùa cợt với tôn giáo

Theo Giáo hoàng Francis, quyền tự do ngôn luận cần được bảo vệ nhưng nó không được phép đi quá giới hạn, đặc biệt là khi “đụng chạm” đến vấn đề tôn giáo của người khác.

Việc tạp chí Charlie Hebdo (Pháp) tiếp tục cho đăng bức biếm họa về nhà tiên tri Muhammad đã tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ nhiều cộng đồng người Hồi giáo trên thế giới. Gần 300 người Hồi giáo ở TP Lahore, Pakistan, đã xuống đường biểu tình phản đối việc đăng hình biếm họa của Charlie Hebdo. Họ thể hiện sự giận dữ của mình qua các khẩu hiệu cầm trên tay: “Vẽ biếm họa nhà tiên tri Muhammad tồi tệ như hành động khủng bố”. Tại thành phố Karachi, ít nhất 3 người bị thương khi người biểu tình xô xát với lực lượng cảnh sát bên ngoài Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP này.

Trước đó, sau khi thông qua nghị quyết lên án bức biếm họa của Charlie Hebdo, các nhà lập pháp tại Pakistan đã tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội để thể hiện sự phản đối với hành vi được xem là báng bổ nhà tiên tri Muhammad.

Người biểu tình tại Lahore, Pakistan phản đối Tạp chí Charlie Hebdo.

Trong khi đó, ngày 16-1, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố Malaysia sẽ không cho phép hành động khiêu khích tôn giáo hoặc đe dọa, xúc phạm bất cứ tôn giáo nào diễn ra, thậm chí dưới danh nghĩa tự do ngôn luận. Ông Najib khẳng định tự do có giới hạn của nó và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các chủng tộc, tôn giáo khác nhau là một nguyên tắc cơ bản cần phải thực hiện để đảm bảo duy trì hòa hợp dân tộc.

Truy quét phần tử cực đoan

Ngày 16-1, hơn 200 cảnh sát Đức đã tham gia chiến dịch vây bắt các đối tượng tình nghi là Hồi giáo cực đoan tại thủ đô Berlin và các vùng lân cận. Trong 2 đối tượng đã bị bắt giữ có Ismet D, 41 tuổi, gốc Thổ Nhĩ Kỳ bị tình nghi cầm đầu một nhóm Hồi giáo cực đoan gồm những đối tượng người Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đến từ Chechnya và Dagestan. Hai đối tượng bị bắt vì tình nghi đang tuyển mộ các tay súng, mua sắm thiết bị và tài trợ cho cái gọi là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.

Cảnh sát Pháp đã bắt giữ và thẩm vấn 12 đối tượng tại một số vùng ngoại ô Paris, vốn bị tình nghi có liên quan tới các thủ phạm gây ra các vụ tấn công ở Paris hồi tuần trước. Những đối tượng này bị nghi ngờ hỗ trợ hậu cần cho những kẻ khủng bố nói trên, đặc biệt là cung cấp các loại vũ khí và xe cộ.

Trong khi đó, tại Áo, các lực lượng thực thi pháp luật nước này đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Cảnh sát cũng sẽ tăng cường hiện diện tại các nhà ga, trung tâm mua sắm và khu vực nhạy cảm hoặc tập trung đông người.

Trước đó, Áo cũng đã công bố các biện pháp an ninh chống khủng bố nhằm nâng cao năng lực ứng phó trước các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra, với việc cung cấp thêm xe bọc thép hạng nặng, áo giáp chống đạn và trực thăng. Bỉ cũng đã nâng mức độ cảnh báo lên mức cao thứ hai sau khi tiến hành vụ bố ráp tiêu diệt hai kẻ tình nghi là phần tử Hồi giáo cực đoan tại Verviers.

Các quốc gia châu Âu tăng cường thắt chặt an ninh sau khi có nhiều nguồn tin cảnh báo vụ tấn công tại Paris chỉ là điểm khởi đầu. Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã thu được một cuộc điện thoại liên quan đến một thủ lĩnh của IS, theo đó, sau khi tấn công vào trái tim châu Âu là Paris, thành phố kế tiếp trong danh sách khủng bố có thể là Rome (Italia). Tình báo Đức cũng nhiều lần cảnh báo các cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó có sân bay, và các điểm tham quan tập trung đông người ở châu Âu sẽ là mục tiêu của IS.

Đỗ Cao (tổng hợp)

>> Bỉ phá âm mưu tấn công kiểu “Charlie Hebdo”

Tin cùng chuyên mục