Ngày 15-1, tại số 97A Phó Đức Chính, quận 1 - TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nam Định phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã khai mạc triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”.
Với tổng số khoảng 60 hiện vật từ thời Lý, Trần, hậu Lê đến thời Nguyễn được tạo tác bằng các chất liệu đá, gốm, sành, gỗ, đồng... và một số tư liệu, tài liệu khoa học gồm hình ảnh, bản vẽ đạc họa, tường giải trên cơ sở nghiên cứu hiện vật, hình tượng sư tử và nghê lần đầu tiên ra mắt công chúng trong và ngoài nước tại TPHCM trong một triển lãm chuyên đề có hệ thống.
Đông đảo khách tham quan tượng sư tử trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.
Tuyên truyền để nâng cao hiểu biết
Nền mỹ thuật Việt Nam có cội nguồn từ rất sớm, được nuôi dưỡng, kế thừa và phát triển liên tục gắn liền chiều dài hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Kho tàng nghệ thuật cổ truyền quý giá đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng học hỏi, hấp thụ những tinh hoa nhân loại trên cơ sở nền văn hóa bản địa để hình thành nên một di sản nghệ thuật tạo hình Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc. Có thể nói, xu thế toàn cầu hóa hiện nay mang lại cho chúng ta nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức trong việc bảo tồn di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc và các giá trị thẩm mỹ truyền thống. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sự xuất hiện của những tượng sư tử đá ngoại lai tại một số điểm di tích hoặc trong không gian văn hóa người Việt đã trở thành một trong những vấn đề tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông. Từ góc nhìn văn hóa truyền thống mang tính biểu tượng, chúng ta thấy không gian tín ngưỡng cổ truyền đã định hình qua nhiều thế kỷ đang bị lai căng, pha tạp và biến dạng.
Nhà điêu khắc Phan Văn Tiến, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhìn nhận: “Hiện nay, trong quá trình hội nhập văn hóa, chúng ta đang phải đối mặt với những nguy cơ về sự mai một các giá trị truyền thống và sự lệch lạc trong nhận thức thẩm mỹ của một bộ phận xã hội. Nguyên nhân của nó chính là khoảng trống trong sự giáo dục di sản nghệ thuật và đặc biệt là thiếu cơ hội để công chúng được khám phá và tìm hiểu một cách căn bản về nét đẹp tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của một số hình tượng linh vật được khắc họa trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”.
Thế nên, thông qua triển lãm sẽ là một hoạt động thiết thực, giới thiệu và quảng bá những giá trị độc đáo của kho tàng di sản nghệ thuật dân tộc và đem di sản đến cộng đồng, đóng góp vào nỗ lực chung của toàn xã hội trong việc nâng cao nhận thức thẩm mỹ của công chúng hướng đến mục đích không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Tôn vinh di sản văn hóa dân tộc
Trao đổi với báo chí tại triển lãm, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên cho biết: “Tất cả các hiện vật phục vụ trong trưng bày chuyên đề này được sưu tầm công phu từ các đình, chùa, miếu mạo, chủ yếu là trong các khu di tích và thực hiện một cách có hệ thống. Tiếp nối sự thành công từ 2 lần trưng bày tại thủ đô Hà Nội và TP Đà Nẵng, ban tổ chức mong muốn định hướng thẩm mỹ công chúng trên cơ sở sưu tập hiện vật bảo tàng để giáo dục toàn diện về trí - đức - thể - mỹ. Từ đó giúp công chúng nâng cao sự hiểu biết về di sản mỹ thuật truyền thống, đây sẽ là nền tảng để cộng đồng thêm nhận thức, biết trân trọng và tự hào với kho tàng di sản và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam”.
Nhà điêu khắc Phan Văn Tiến cho rằng, sư tử và nghê cùng những hình tượng linh vật sớm xuất hiện, tồn tại và trở nên gần gũi trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa của dân tộc. Từ hình thức tạo tác, trang trí trên hình tượng linh vật sư tử và nghê tới những công năng sử dụng cùng nhiều biến thể đa dạng, sinh động, chứa đựng những giá trị tinh thần, giá trị nhân văn, thẩm mỹ, biến đổi trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc luôn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, đồng thời cũng tạo cảm hứng sáng tạo nghệ thuật hiện đại. Triển lãm diễn ra trong bối cảnh một số đơn vị, công sở, nhà riêng, thậm chí cả những khu di tích đang chịu sự xâm lấn mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai - lại càng mang ý nghĩa thiết thực, giúp công chúng nhận diện, hiểu biết sâu sắc hơn, đồng thời tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống. Trưng bày mở cửa đến hết ngày 12-2.
Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, bày tỏ: “Chúng ta sẵn sàng mở rộng cánh cửa hội nhập, nhưng không có nghĩa cái gì cũng tiếp nhận hết mà phải chọn lọc những giá trị văn hóa phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Cuộc trưng bày như một liều thuốc kháng sinh chống lại những văn hóa ngoại lai”. Sau triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, chuyên đề này sẽ đến với đông đảo công chúng tại TP Cần Thơ.
MINH AN