Sáng 3-10, tại trụ sở Hội Nhà báo TPHCM, Hội Bảo tồn di sản Nôm đã trao tặng giải thưởng Balaban “Vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Hán - Nôm” năm 2013 cho GS-TS Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học.
Công nghệ hóa thư tịch
Được thành lập từ năm 1999, Hội Bảo tồn di sản Nôm đã có những đóng góp khá cụ thể với nhiều công trình nghiên cứu để bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Hán - Nôm trong đời sống hiện đại. Đứng trước thực tế di sản viết chữ Nôm và chữ Hán - Nôm có lịch sử cả ngàn năm nhưng đang có nguy cơ mai một, hội đã đầu tư nghiên cứu và tạo được công cụ cơ sở cho việc bảo tồn số thức chữ viết cổ ở Việt Nam.
Cụ thể là số thức hóa, tạo công cụ tra cứu chữ Nôm trên internet và từ điển chữ Nôm trực tuyến, giúp thuận lợi trong việc khảo cứu, nhận diện thư mục, bảo quản và trao đổi trên internet về chữ viết cổ… Trong lĩnh vực in ấn, nếu như trước đây chữ Nôm chỉ có thể in bằng ván khắc gỗ thì các chuyên gia của hội lần đầu tiên đã tạo ra font chữ Nôm VNPF để xuất bản cuốn thơ của Hồ Xuân Hương.
Ngoài ra, hội cũng thực hiện được nhiều công trình có ý nghĩa như: Xuất bản từ điển hiện đại đầu tiên về chữ Nôm: Giúp đọc Nôm và Hán - Việt; cùng với Viện Nghiên cứu Hán - Nôm xuất bản cuốn sách Kho chữ Hán - Nôm mã hóa; sưu tầm những phiên bản chữ Nôm về Truyện Kiều, cũng như phiên bản 1697 của Đại Việt sử ký toàn thư; trao học bổng chữ Nôm cho các học giả và sinh viên Việt Nam; hợp tác với Thư viện Quốc gia Việt Nam tạo ra thư viện số đầu tiên ở Việt Nam cho tuyển tập văn bản trong chữ Hán - Nôm (khoảng 4.000 đầu sách); tổ chức các hội nghị quốc tế về chữ Nôm…
Hiện nay, hội đề xuất một chương trình số hóa toàn diện thư tịch Hán - Nôm, chữ Phạn khắc, chạm trổ cửa và hoành phi tại chùa Thắng Nghiêm, một trong những ngôi chùa cổ nhất và quan trọng nhất Việt Nam được sáng lập dưới triều nhà Lý cách đây 1.000 năm. Chương trình này tạo ra một kho lưu trữ trên mạng về ngôi chùa - một mô hình bảo quản di sản văn hóa với nhiều di chỉ tôn giáo khác.
Một công trình cũng đang được hội triển khai là sưu tầm thư tịch Nôm trong thư viện tư nhân từ việc số hóa. Đây là một giải pháp bảo tồn mới, giúp chủ nhân không bị mất quyền sở hữu, đồng thời vẫn có những đóng góp với cộng đồng.
Bên cạnh đó, hội cũng đang nỗ lực hợp tác với Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM trong lĩnh vực số hóa các văn bản Nôm. Hỗ trợ kỹ thuật và thiết bị máy tính để nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu của sinh viên tại Thư viện Quốc gia; tài trợ in từ điển Nôm mới của học giả, GS Nguyễn Quang Hồng; hợp tác với Hội Kiều học để đưa lên internet 18 phiên bản đầu của Truyện Kiều…
Chung tình một túi thơ...
Là một giải thưởng thường niên của Hội Bảo tồn di sản Nôm, nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của các cá nhân, tập thể trong công cuộc bảo tồn và truyền bá di sản văn hóa chữ Nôm, giải thưởng John Balaban mang tên của một nhà thơ, một giáo sư người Mỹ đồng thời là người sáng lập và là Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản Nôm. Ông đã dành nhiều tâm huyết trong việc bảo tồn chữ viết cổ và được công nhận như một dịch giả, một nhà biên tập nổi tiếng đã giới thiệu thơ của Hồ Xuân Hương, ca dao Việt Nam và một số tác phẩm văn chương đương đại Việt Nam với nền văn học nước ngoài.
Những năm trước, giải thưởng này đã được trao cho các nhà nghiên cứu, học giả Việt Nam tâm huyết với văn hóa truyền thống như Nguyễn Quảng Tuân, Đào Thái Tôn, Vũ Khiêu… Năm nay, giải thưởng này được trao cho GS-TS Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Tổng biên tập Tạp chí Hồn Việt. GS-TS Mai Quốc Liên là hội viên chuyên ngành lý luận phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. GS Mai Quốc Liên cũng là người hết lòng đam mê, tâm huyết với sự nghiệp văn hóa cổ của dân tộc.
Với sở học uyên thâm của người trí thức mới, kết hợp tri thức liên ngành hiện đại, tích lũy từ nhà trường và nhiều năm nghiên cứu giảng dạy, giáo sư đã dành tâm huyết và trí lực của mình, cùng các đồng nghiệp, tìm hiểu, khám phá những giá trị chuyên sâu về văn hóa, cả quá khứ và hiện đại, với những công trình nghiên cứu đồ sộ, với chất lượng khoa học cao, về sự nghiệp và trước tác của những nhà văn hóa lớn của dân tộc như Nguyễn Trãi toàn tập (3 tập - 2.000 trang), in lần thứ hai, Quốc âm thi tập (chữ Nôm) đang sửa và in lần thứ ba; Ngô Thì Nhậm - tác phẩm (1746 - 1802), 5 tập - 2.500 trang, trong đó GS Mai Quốc Liên dịch hàng trăm bài thơ, phú, biểu; cùng với cụ Nguyễn Quảng Tuân thực hiện cuốn Nguyễn Du toàn tập (1.000 trang), GS Mai Quốc Liên dịch thơ chữ Hán và viết bài nghiên cứu thơ chữ Hán; Cao Bá Quát toàn tập (2 tập - 2.000 trang), GS Mai Quốc Liên viết bài nghiên cứu chung, dịch thơ, phiên âm Nôm.
Ngoài ra, ông còn chủ biên một số công trình như Hoàng Việt thi tuyển, Văn bản các bài tựa, bạt của các nhà văn cổ điển, các công trình nghiên cứu về Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Năm 2012, GS-TS Mai Quốc Liên được trao tặng 2 Giải thưởng nhà nước về khoa học - công nghệ với cụm công trình Ngô Thì Nhậm; Giải thưởng Lý luận - phê bình văn học (giải A) của Hội đồng Lý luận phê bình Trung ương với cuốn Phê bình và tiểu luận văn học.
Giải thưởng Balaban ngoài ý nghĩa khích lệ tinh thần các nhà nghiên cứu còn có một món quà thú vị, đậm nét văn hóa truyền thống: chiếc ly gốm được dát bạc với dòng thơ của Hồ Xuân Hương: “Chuông ai đứt nối bên kia tá. Ương dở chung tình một túi thơ…”.
HÀ THU