Tổng biên tập, chuyện người trong cuộc

Đến nay, nước ta có trên 800 cơ quan báo chí, có nghĩa là ít nhất có chừng ấy tổng biên tập (TBT). Mỗi TBT có phương pháp tác nghiệp riêng để quản lý và phát triển cơ quan báo chí, tờ báo mà mình được giao làm người đứng đầu. 
Tổng biên tập, chuyện người trong cuộc

Vậy TBT các cơ quan báo chí là ai? Họ đã tác nghiệp như thế nào? Tổng biên tập, chuyện người trong cuộc là một dự án được Ban giám đốc Nhà xuất bản Trẻ khởi thảo từ đầu năm 2017, trình làng vào dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mang Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2021).

Với gần 400 trang, tập sách như là bàn tròn, diễn đàn của 40 nhà báo về nghề báo nói chung và nghề TBT nói riêng. Điều dễ nhận thấy, ai cũng bày tỏ, đó là “ghế nóng”, là “chảo lửa,” là công việc làm xiếc, leo dây... Nhưng bù lại, đó là vinh dự, ước mơ của nhiều người dấn thân vào nghiệp cầm bút.
Áp lực với công việc khi ngồi “ghế nóng” là chủ đề mà hầu như cựu TBT nào cũng đề cập.

Nhà báo Trần Thế Tuyển, nguyên TBT Báo SGGP, kể lại chuyện “trăm dâu đổ đầu... TBT” với nhiều kỉ niệm buồn vui. Thậm chí có lần còn bị cấp trên phê bình vì tác nghiệp chưa khéo của phóng viên. Cũng nói về áp lực “ghế nóng”, cố nhà báo Hữu Thọ, nguyên TBT Báo Nhân Dân, kể rằng, báo chí “đánh tiêu cực” phải chịu rất nhiều áp lực. Việc bị chất vấn, phải giải trình là chuyện thường gặp ...

Áp lực, thách thức đã rõ, nhưng ai cũng thấy trách nhiệm chính trị của TBT. Nhà báo Hà Đăng, nguyên TBT Báo Nhân Dân, nguyên TBT Tạp chí Cộng sản, chia sẻ: “TBT là người lãnh đạo chính trị của tờ báo, vừa là kiến trúc sư trưởng của mọi kế hoạch đưa đến thành công của cơ quan báo chí”. Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên TBT Báo Hà Nội Mới, khẳng định: TBT phải có bản lĩnh, dũng khí, trí tuệ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và là chỗ dựa tin cậy cho đồng nghiệp. 

Cần có kế hoạch, lộ trình đào tạo TBT là đề xuất của nhà báo Trần Thế Tuyển, cũng là ý kiến của nhiều cựu TBT và những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy báo chí. Nhà báo Trần Thế Tuyển xác định, TBT là nhà quản lý báo chí, là một nghề đặc biệt. Theo ông, TBT, người chịu trách nhiệm chính, người đứng đầu cơ quan báo chí - quản lý và chỉ đạo một nghề đặc biệt nên cần phải giỏi nghề. Vì thế, các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí, các học viện, nhà trường nên sớm có kế hoạch, xây dựng giáo trình, quy hoạch đào tạo cán bộ quản lý cơ quan báo chí, đặc biệt chức danh TBT, giám đốc, tổng giám đốc các cơ quan báo chí.

Đồng quan điểm ấy, các nhà báo Phan Quang (nguyên Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam), Tạ Ngọc Tấn (nguyên TBT Tạp chí Cộng sản), Lưu Quang Định (TBT Báo Nông thôn Ngày nay)... trên cơ sở thực tiễn đã đưa ra những biện pháp và kinh nghiệm để bồi dưỡng, đào tạo những người làm quản lý trong các cơ quan báo chí. 

Tổng biên tập, chuyện người trong cuộc có thể coi như một cẩm nang quý hiếm cho nhà báo, phóng viên, những người làm báo.

Tin cùng chuyên mục