Lúc 12 giờ ngày 18-12 (giờ Mátxcơva), Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức họp báo trực tuyến quy mô lớn với sự tham gia của hơn 1.200 nhà báo quốc tế. Tình hình nền kinh tế Nga và sự đối đầu giữa Mátxcơva và phương Tây là những chủ đề chính được các nhà báo quan tâm.
Chúng tôi xin trích lược những nội dung chính được xoáy sâu của cuộc họp báo thường niên lần thứ 10 do Tổng thống Nga tổ chức.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Kinh tế Nga sẽ phục hồi chậm nhất trong 2 năm
Đúng như nhận định trước đó của giới quan sát, sức khỏe của nền kinh tế Nga là vấn đề được đề cập đầu tiên. Các nhà báo đã xoáy sâu nhiều nhất vào tình hình kinh tế trong nước, sự rớt giá của đồng rouble và các biện pháp của lãnh đạo nước Nga. Trả lời câu hỏi liệu Nga có cần phải tái cấu trúc kinh tế không, Tổng thống Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây là một nhân tố quan trọng gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt chiếm 25% - 30% các nhân tố đứng sau cuộc khủng hoảng ở Nga. Ông Putin cho rằng đồng rouble giảm giá là do các nhân tố bên ngoài như giá dầu mỏ và khí đốt giảm mạnh. Tuy nhiên, giá dầu thấp sẽ khuyến khích Nga đa dạng hóa nền kinh tế và giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí.
Theo ông Putin, kinh tế Nga chưa rơi vào khủng hoảng và ông hoàn toàn lạc quan về tình hình kinh tế trong nước. Dẫn số liệu thống kê cho biết tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 10 tháng đầu năm nay đạt 0,6% - 0,7%. Ngân sách liên bang năm nay thặng dư 1,9% GDP bất chấp tình hình kinh tế khó khăn. Sản xuất công nghiệp trong 10 tháng tăng 1,7%; lương thực năm nay được mùa kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Ông Putin khẳng định bất chấp việc các thị trường tài chính đang bị hỗn loạn, song tổng thu của Nga sẽ cao hơn mức chi tiêu. Chính phủ Nga không có kế hoạch ra lệnh cho các nhà xuất khẩu nội địa bán thu nhập bằng ngoại tệ để hỗ trợ đồng rouble vừa bị mất giá thảm hại hồi đầu tuần này. Nga có đủ dự trữ ngoại tệ để giữ ổn định nền kinh tế, song ông Putin yêu cầu Ngân hàng Trung ương nên đi trước nửa bước, đồng thời khuyến cáo không nên “đốt” nguồn dự trữ ngoại tệ, hiện ở mức 419 tỷ USD, một cách tùy tiện.
Theo ông Putin, tình trạng khủng hoảng hiện nay có thể kéo dài nhiều nhất là 2 năm, song nền kinh tế nước này có thể phục hồi nhanh hơn nếu các yếu tố bên ngoài biến đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Nga sẽ còn cứng rắn hơn
Đề cập tới đối ngoại, ông Putin nêu rõ quan điểm cứng rắn của Nga trong khủng hoảng phải đưa ra dấu hiệu rõ ràng rằng cần xây dựng một không gian an ninh chung, chứ không phải dựng lên một bức tường ngăn cách. Trả lời câu hỏi về cuộc “Chiến tranh lạnh” mới cũng như khả năng Nga thay đổi quan điểm để nhận được sự ủng hộ của phương Tây, Tổng thống Putin tái khẳng định Mỹ đã đơn phương rút khỏi hiệp ước phòng thủ tên lửa và tạo ra hiểm họa cho Nga. Tổng thống Putin cho biết năm tới, Nga sẽ tăng ngân sách quốc phòng, song ngân sách quốc phòng Nga còn kém Mỹ nhiều lần. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Mátxcơva muốn thiết lập quan hệ bình đẳng với phương Tây trên cơ sở tôn trọng các lợi ích quốc gia của nhau. Nga cứng rắn và sẽ còn cứng rắn hơn trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình, song không “tấn công” ai. Nga có quyền lựa chọn các phương pháp đảm bảo an ninh cho riêng mình giống như các nước khác.
Liên quan đến Ukraine, Tổng thống Putin cũng cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay nên được giải quyết càng sớm càng tốt thông qua các biện pháp chính trị và khẳng định Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine nhằm khôi phục đoàn kết chính trị tại nước láng giềng này.
Thúc đẩy ngoại giao năng lượng
Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng thông tấn Tass về vấn đề ngoại giao năng lượng, ông Putin cho biết các dự án khí đốt với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã được hoạch định từ lâu, nay Nga chỉ thực hiện chúng. Ông Putin khẳng định, với châu Âu hiện và trong tương lai gần chưa thể có nguồn cung khí đốt nào rẻ và tin cậy như Nga.
Đề cập đến mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin khẳng định “nếu không có sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ thì một số vấn đề trong khu vực sẽ không thể giải quyết được”. Đối với Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin khẳng định Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Nga và cả hai nước đã có những bước đi nhằm đa dạng hóa và làm sâu sắc mối quan hệ thương mại giữa hai bên. Đối với Iran, Tổng thống Nga cho biết có thể ông sẽ đến Iran để thảo luận về vấn đề hạt nhân của nước này và nhấn mạnh, hai bên đã tiến đến rất gần việc giải quyết được vấn đề này. Nga - Iran đã ký một hợp đồng mới và đã hoàn tất việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cho Iran.
Cuộc họp báo diễn ra hơn 3 giờ với nhiều câu hỏi thú vị. Theo giới quan sát, điểm chung có thể nhận thấy ở nguyên thủ quốc gia Nga là sự bình tĩnh, tự tin trước mọi thách thức, sắc sảo trong câu trả lời.
HẠNH CHI (tổng hợp)