Sau khi tái đắc cử, Tổng thống Obama đã rơi lệ cảm ơn nhóm vận động tranh cử của mình. Hành động của ông được lý giải là do không ngờ tới sự khốc liệt trong trận chiến đầy cam go trước đối thủ Mitt Romney. Trận chiến này đã qua nhưng vẫn còn những trận chiến khác đang chờ đợi ông Obama trong nhiệm kỳ thứ 2, để duy trì sự phát triển của cường quốc hàng đầu thế giới.
Nội bộ nhiều mâu thuẫn
Hãng Reuters đưa tin, trong bài diễn văn đầu tiên trước báo giới kể từ khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống Barack Obama đã hối thúc các nghị sĩ của đảng Cộng hòa tại Hạ viện nhanh chóng gạt bỏ những mâu thuẫn đảng phái cũng như thu hẹp bất đồng để giải quyết các vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với nước Mỹ. Ông nhấn mạnh đa số người dân Mỹ đều tin rằng, những người có thu nhập trên 250.000 USD/năm nên trả thêm thuế để cùng san sẻ gánh nặng thâm hụt ngân sách.
Tuy nhiên Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa John Boehner, ngay lập tức tuyên bố rằng phe Cộng hòa sẽ không chấp nhận mọi đề xuất, trong đó bao gồm việc tăng thuế đối với những người giàu có.
Mặc dù nhận được sự ủng hộ của cử tri về chính sách tăng thuế nhằm vào người giàu nhưng ông Obama đang làm phật lòng giới tài chính phố Wall. Giới đầu tư đã tỏ rõ thái độ với Tổng thống Mỹ trong những phiên giao dịch chứng khoán chỉ một ngày sau khi ông tái đắc cử. Các chỉ số chứng khoán quan trọng như S&P, Nasdaq, Dow Jones đều giảm 0,9% - 1,4%. Họ lo ngại việc ông Obama tiếp tục cầm quyền sẽ gây ra vực thẳm ngân sách, tình trạng xảy ra khi việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá 600 tỷ USD có hiệu lực từ đầu năm sau, có thể khiến đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ bị chệch hướng. Đây là những động thái được cho sẽ gây không ít khó khăn cho kế hoạch giám sát tài chính và đưa nước Mỹ trở lại đà phục hồi mạnh mẽ của ông Obama trong thời gian tới.
Hãng Reuters cho rằng, để nền kinh tế Mỹ tăng trưởng, phố Wall không còn cách nào khác là phải hợp tác và xây dựng mối quan hệ tốt hơn với những nhà quản lý tài chính mà ông Obama chỉ định.
Việc thành lập nội các mới cũng đang là vấn đề khó khăn cho Tổng thống Obama. Ngay từ những ngày đầu tái đắc cử, ông đã phải chứng kiến những sự ra đi không mong muốn. Ngày 10-11, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus đã đệ đơn từ chức với lý do liên quan tới một vụ tình ái.
Theo hãng tin AP, ông Petraeus đã được nhắm vào vị trí một bộ trưởng trong nội các mới của Tổng thống Obama. Ông Petraeus là quan chức cấp cao thứ 2 tuyên bố ra đi sau Ngoại trưởng Hillary Clinton. Sự ra đi của 2 nhân vật quan trọng ở lĩnh vực đối ngoại và tình báo được xem là một tổn thất không hề nhỏ trong chính quyền Obama.
Châu Á vẫn là mục tiêu hàng đầu
Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Obama đến 3 quốc gia Đông Nam Á: Myanmar, Thái Lan, Campuchia đã thể hiện rõ chính sách tiếp tục kiến tạo sự ảnh hưởng sâu rộng của Mỹ tại khu vực châu Á. Chính sách này được cho là sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong nhiệm kỳ mới của ông Obama, bởi đây là khu vực đang phát triển mạnh, tạo động lực cho kinh tế thế giới tăng trưởng.
Chính sách hướng về châu Á của ông Obama bước đầu được xem đã có hiệu quả nhưng vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay là quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và 2 quốc gia Trung Quốc, Nga vẫn còn nhiều bất đồng. Báo chí Mỹ đã đặt nhiều câu hỏi liệu quan hệ này sẽ chuyển hướng như thế nào trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ.
Ngay sau khi ông Obama tái đắc cử, Tân Hoa xã đã có bài bình luận với nội dung khẳng định không có tổng thống Mỹ nào có thể tránh quan hệ với Trung Quốc trong 4 năm tới, khi kim ngạch thương mại song phương lên tới 500 tỷ USD trong năm nay. Trong thực tế, quan hệ Mỹ - Trung cần nhau về mọi mặt, từ kinh tế - thương mại tới chính trị. Nhưng bên cạnh đó, Mỹ và Trung Quốc cũng có những bất đồng vì cả hai cùng mong muốn thiết lập sự ảnh hưởng của mình trên thế giới.
Ngoài Trung Quốc, Nga cũng là một quốc gia có tiếng nói quan trọng trên bản đồ địa chính trị thế giới. Hai nước thường xuyên có những bất đồng liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa và chính sách can thiệp của Mỹ vào các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi.
Sau khi ông Obama tái đắc cử, Nga vẫn không tỏ thái độ lạc quan về quan hệ hai bên. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố rằng quan hệ Nga - Mỹ vẫn không ở giai đoạn tốt nhất.
Thanh Hằng (tổng hợp)