Sau chuyến thăm 2 nước châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc, vào ngày 6-6, Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ có chuyến công du Nhật Bản. Theo hãng tin AFP, chuyến công du này cho thấy chính sách ngoại giao của Tổng thống Hollande đã chuyển trục sang châu Á, một châu lục đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Muốn thoát suy thoái
Đây cũng là chuyến công du sang Nhật đầu tiên của một người đứng đầu nước Pháp kể từ chuyến thăm của Tổng thống Pháp Jacques Chirac vào năm 1996. Ông Hollande sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Abe. Ngoài mục đích ký kết hợp tác điện hạt nhân và bán các hợp đồng máy bay Airbus, chuyến công du Nhật Bản của Tổng thống Hollande được cho là nhằm học hỏi kinh nghiệm từ chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe (các chuyên gia gọi là Abenomics). Chính sách này trong thời gian gần đây đã thúc đẩy kinh tế Nhật tăng trưởng, giúp lấy lại đà hồi phục nhanh sau thảm họa hạt nhân sóng thần từ năm 2011. Giới phân tích cho rằng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới nhờ các dự án công trình công cộng quy mô lớn và gia tăng nhu cầu ở nước ngoài. Tăng trưởng liên tục có thể cũng giúp chính quyền Abe tăng thuế tiêu dùng từ năm 2014.
Chính sách Abenomics đang thu hút sự quan tâm của các nước châu Âu, khu vực đang nhận thấy chính sách thắt lưng buộc bụng không đem lại hiệu quả cao. Việc tiếp cận Abenomics có thể sẽ gợi mở phương hướng mới trong việc đưa châu Âu thoát khỏi suy thoái. Kinh tế Nhật được IMF dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 1,6% trong năm nay. Điều này trái ngược hẳn so với nền kinh tế suy thoái của Pháp và một số nước châu Âu. Pháp đã rơi vào đợt suy thoái thứ 2 trong vòng 4 năm qua khi chỉ số kinh tế sụt giảm còn 0,2% trong quý đầu tiên của năm nay. Kinh tế Pháp sụt giảm khiến chính phủ của ông Hollande chịu nhiều sự chỉ trích từ người dân vì các chính sách kém hiệu quả. Hậu quả là ông Hollande trở thành tổng thống không được lòng dân nhất trong lịch sử nước Pháp sau một năm cầm quyền.
Thách thức không nhỏ
Xác định châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chiến lược nên chủ trương của ông Hollande là tăng cường quan hệ kinh tế với các nền kinh tế hàng đầu tại các quốc gia này. Riêng về tranh chấp biên giới, lãnh hải tại khu vực trên, Pháp luôn tỏ thái độ trung lập. Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại vào tháng 3 năm nay sau khi Công ty DCNS bán thiết bị hạ cánh trực thăng cho Trung Quốc giữa lúc 2 bên đang có căng thẳng. Nhật Bản cũng muốn Pháp đứng về phía mình trong tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Pháp đã từ chối thể hiện quan điểm. Dư luận cho rằng đây có thể là những trở ngại trong việc thúc đẩy quan hệ song phương với các nước châu Á.
Bên cạnh đó, nước Pháp cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ. Theo báo Le Figaro, trong chiến lược tiến gần đến các nước châu Á, Pháp không thiếu chủ bài, nhưng Paris phải đối mặt với các đối thủ trong Liên minh châu Âu (EU) mà nặng ký nhất là Đức. Hiện nay, dấu ấn chiến lược của Pháp tại châu Á còn rất mờ nhạt. Với tư cách là thành viên Thường trực của HĐBA LHQ, Pháp có một lợi điểm hơn Đức, nhưng sự hiện diện kinh tế và cộng đồng doanh nhân Pháp tại châu Á còn kém so với Đức. Đối với một số quốc gia châu Á muốn tránh đối mặt với Washington, việc lựa chọn Pháp chính là sự đa dạng hóa đối tác làm ăn. Đây còn là cầu nối với cả EU. Paris từng bỏ qua tham vọng của “chuyển trục chiến lược” do phải cắt giảm ngân sách, thắt lưng buộc bụng. Nhưng Pháp đã nhận thấy có thể tận dụng châu Á, nơi có chi tiêu quốc phòng ngày càng cao, để làm nơi buôn bán các phương tiện quân sự như gần đây.
THANH HẰNG (tổng hợp)