Russia Today ngày 4-3 đưa tin, trong cuộc họp báo kéo dài 1 giờ tại tư dinh, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga không có kế hoạch mở cuộc tấn công nhằm vào nhân dân Ukraine cũng như không có ý định thôn tính Crimea. Tuyên bố này đã tái khẳng định lập trường của Mátxcơva về vấn đề Ukraine.
Ông Yanukovych không còn tương lai chính trị
Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga không cần sử dụng vũ lực ở Crimea. Về các đơn vị vũ trang đã kiểm soát chính quyền tại Crimea, Tổng thống Putin nói rằng đó chỉ là những lực lượng tự vệ địa phương không phải binh sĩ Nga. Tổng thống Putin khẳng định những gì xảy ra ở Ukraine thời gian qua là một cuộc đảo chính vi hiến và Nga sẽ không công nhận kết quả bầu cử tổng thống vào tháng 5 tới ở Ukraine nếu nó được tổ chức trong bối cảnh khủng bố hiện nay.
Theo Russia Today, ngày 4-3, phát ngôn viên Hội đồng tối cao nước Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine, Vladimir Konstantinov thông báo ba thành phố Kherson, Nikolaev, Odessa của Ukraine đang muốn sáp nhập vào nước cộng hòa này. Đặc khu hành chính Sevastopol cũng ủng hộ thành phố này là một phần của Cộng hòa tự trị Crimea. Các nhà lập pháp tại Crimea đang cân nhắc kế hoạch sẽ đổi giờ tại khu vực này sang cùng giờ với Mátxcơva. |
Tổng thống Putin khẳng định ông Yanukovych vẫn là nhà lãnh đạo hợp pháp của Ukraine vì những thủ tục phế truất trước đó của Quốc hội Ukraine không đúng theo hiến pháp. Theo ông Putin, việc chính quyền lâm thời Ukraine giải tán Tòa án hiến pháp là hành động trái với luật pháp sở tại và luật pháp châu Âu. Tổng thống Nga phủ nhận tin đồn ông Yanukovych qua đời sau một cơn đau tim và cho biết đã gặp Yanukovych hai ngày trước ở Nga. Tuy nhiên, ông Putin đã nói với Yanukovych rằng ông này không còn tương lai chính trị và Nga tiếp đón ông Yanukovych vì lý do nhân đạo.
Tổng thống Putin cảnh báo nếu lực lượng cầm quyền hiện nay ở Ukraine còn tiếp tục gây ra bất ổn ở miền Đông và Đông Nam, thì Nga sẽ có quyền sử dụng mọi phương tiện để bảo vệ người dân sinh sống nơi đây nếu như họ yêu cầu giúp đỡ. Việc sử dụng lực lượng vũ trang Nga tại Ukraine chỉ là trường hợp bất đắc dĩ. Lý giải về cơ sở pháp lý cho việc sử dụng quân đội Nga tại Ukraine, Tổng thống Putin cho rằng hành động này, nếu có, cũng hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Người đứng đầu nước Nga cho biết Nga đã sẵn sàng tổ chức Hội nghị G8 nhưng nếu các lãnh đạo phương Tây không muốn đến thì họ không cần đến. Ông cũng nói việc rút đại sứ Nga ở Washington về nước là phương sách cuối cùng và ông không hy vọng điều này xảy ra.
Nga có quyền đưa 25.000 quân đến Crimea
Theo Russia Today, chỉ vài giờ sau khi bức thư do Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych viết yêu cầu Tổng thống Putin gửi quân để bình ổn tình hình tại Ukraine được công bố, phía Nga ra lệnh rút quân sau khi kết thúc cuộc tập trận gần biên giới Ukraine. Bức thư này do Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin công bố tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ. Bộ Quốc phòng Nga cũng lên tiếng bác bỏ những thông tin cho rằng Hạm đội Biển Đen đã ra tối hậu thư cho lực lượng quân đội Ukraine tại Crimea phải đầu hàng vào sáng 4-3. Interfax dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đây là thông tin bịa đặt.
Russia Today cho biết, cuộc diễn tập quân sự mà Nga từng phủ nhận có liên quan đến diễn biến tại Ukraine đã kết thúc thành công. Bộ Quốc phòng Nga tái khẳng định cuộc diễn tập chỉ nhằm đánh giá công tác chuẩn bị chiến đấu theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin.
Tại cuộc họp, phản ứng trước những lời cáo buộc Nga sử dụng vũ trang tại Crimea, ông Vitaly Churkin cho biết Nga có quyền bố trí trên bán đảo Crimea của Ukraine tới 25.000 quân theo thỏa thuận về Hạm đội Biển Đen. Lực lượng này đang thực hiện hành động cần thiết để bảo vệ các cơ sở của mình và ngăn chặn các biểu hiện cực đoan có khả năng dẫn đến tổn thất sinh mạng của người dân...
Trong khi đó, Ủy ban điều tra Nga (IC) đã ban hành lệnh bắt giữ ông Dmitry Yarosh - lãnh đạo phong trào cực hữu Right Sector tham gia biểu tình lật đổ chính quyền Tổng thống Yanukovych. IC nhấn mạnh: Lệnh bắt giữ đối với ông Yarosh được ban hành dựa trên 2 điều khoản trong Bộ luật Hình sự của Nga vì ông Yarosh yêu cầu lực lượng chống Nga để tiến hành các hành động cực đoan và khủng bố trên lãnh thổ Nga.
Tại Nga, tuy dư luận cũng đang bị chia rẽ xung quanh việc Chính phủ Nga giải quyết vấn đề Ukraine nhưng đa số đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Putin.
Trong ngày 4-3, lực lượng tự vệ canh gác biên giới của Crimea thu được một lượng lớn gồm 400kg thuốc nổ TNT, vũ khí, và vật liệu nổ từ tay những người thân chính quyền mới của Ukraine. Số vũ khí được vận chuyển bằng một xe tải. Lực lượng tự vệ ở Crimea đang điều tra nguồn gốc và mục đích sử dụng của chúng.
Cùng ngày, theo hãng tin AP, những tay súng thân Nga đã bắn hàng loạt phát đạn cảnh cáo trước 300 binh sĩ Ukraine chống đối tại một căn cứ không quân ở Crimea.
Mỹ đóng băng quan hệ quân sự với Nga
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, trong động thái nhằm tăng cường sức ép lên Mátxcơva, Lầu Năm góc ra tuyên bố chấm dứt mọi quan hệ quân sự với Nga trước những hành động mà Nga đang thực hiện tại Ukraine, đồng thời bác bỏ việc sẽ cử tàu chiến đến hỗ trợ cho Ukraine. Quốc hội Mỹ đang soạn thảo một dự luật về trừng phạt chính trị và kinh tế Nga do các hoạt động của Nga ở Ukraine. Biện pháp có thể bao gồm cấm cấp thị thực Mỹ cho các quan chức Nga, giảm giao dịch với các ngân hàng nhà nước Nga và đóng băng tài sản doanh nhân Nga tại Mỹ. Theo AP, lệnh trừng phạt sẽ thông qua trong tuần này. Trong ngày 4-3, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông John Kerry bắt đầu chuyến thăm tại Kiev. Dự kiến, ông Kerry sẽ công bố gói hỗ trợ tài chính lên đến 1 tỷ USD cho chính quyền lâm thời Ukraine. Theo Itar-Tass, Bộ Tài chính Nga cảnh báo Nga sẽ có biện pháp trả đũa nếu Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 4-3 tổ chức các cuộc họp khẩn cấp về tình hình Ukraine theo đề nghị của Ba Lan. Nga đã đồng ý gặp các đại diện của NATO vào ngày 5-3 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngày 6-3 tới, EU sẽ tổ chức cuộc họp khẩn bàn về giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Thị trường mới nổi bị ảnh hưởng
Theo Bloomberg, trái với diễn biến sụt giảm ngày 3-3, thị trường chứng khoán tại châu Âu đã có các phiên tăng điểm. Chỉ số Stoxx Europe 600 tăng 1% đạt 333,81 điểm. Chỉ số này đã rớt xuống 2,3% trong ngày 3-3. Chỉ số S&P 500 tăng 0,7% trong khi chỉ số MSCI Asia Pacific tăng 0,1%. Trong khi đó, giá dầu cũng có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ giao tháng 4 giảm 1,32USD xuống còn 103,60 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,7%, xuống mức 109,36 USD/thùng.
Theo dự báo của CNN, cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ gây tác động không nhỏ đến các thị trường mới nổi đang nhiều thách thức. Tăng trưởng tại các nền kinh tế này đã đồng loạt giảm tốc khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm gói kích thích mới. Tình hình ở Ukraine có thể khiến các nhà đầu tư đánh giá lại rủi ro tại các thị trường mới nổi khác, dẫn tới việc thoái vốn, đẩy các thị trường này vào những bất ổn mới như một vòng xoáy.
Tờ Guardian đăng tải một tài liệu mật chụp được tại Văn phòng Thủ tướng Anh cho thấy London đang soạn thảo một kế hoạch nhằm đảm bảo rằng mọi kế hoạch nào của Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Nga do vấn đề Ukraine cũng sẽ không được ảnh hưởng tới lợi ích của Anh. Nội dung tài liệu mật nói trên có một số chi tiết về những việc Anh nên làm lúc này như: không ủng hộ các biện pháp trừng phạt thương mại hay đóng cửa trung tâm tài chính London với người Nga, hối thúc Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đóng vai trò dẫn dắt trong việc kêu gọi tạo dựng một diễn đàn có sự tham gia của Nga về vấn đề Ukraine. |
THANH HẰNG (tổng hợp)
Truyền thông phương Tây gây hiểu lầm
Theo một bài viết vừa được đăng tải trên Đài Tiếng nói nước Nga (VoR), tình hình ở Ukraine trầm trọng hơn không chỉ do mâu thuẫn nội bộ mà còn xuất phát từ những thông tin xuyên tạc, bóp méo của truyền thông phương Tây. William Dunkerley, một nhà phân tích về truyền thông tại New Britain, bang Connecticut (Mỹ), cho rằng cách mà truyền thông phương Tây đưa tin dẫn đến sự hiểu lầm trong cộng đồng thế giới. Xin được trích dẫn bài phỏng vấn của VoR.
* VoR: Nhận định của ông về những thông tin đang được truyền thông phương Tây đưa tin về Ukraine thời gian qua?
* Tôi đã đọc rất nhiều bài báo và thấy rằng rất nhiều thông tin có thể gây ra sự hiểu lầm cho độc giả không những ở Mỹ mà còn cả tại Nga và Ukraine.
* Hiểu lầm đó là gì? Độc giả Mỹ nên hiểu thế nào?
* Nhiều người Mỹ có thành kiến về Nga. Họ luôn coi Tổng thống Nga Vladimir Putin là một kẻ độc tài, cáo buộc ông Putin ấp ủ kế hoạch xây dựng lại Liên Xô. Người Mỹ luôn có xu hướng tin vào những gì họ nghe về thành kiến này. Vì vậy, các sự kiện hiện nay đang được truyền thông phương Tây diễn giải theo những gì người Mỹ luôn nghĩ về Nga và Tổng thống Putin.
* Hiện các phương tiện truyền thông Mỹ đang vẽ lên một bức tranh đen tối tại Crimea. Tình hình dù đang căng thẳng, nhưng ông thấy có thực sự phải lo lắng?
* Đúng là căng thẳng hiện đang leo thang và rất khó dự đoán những gì sẽ xảy ra. Nhưng thành thật mà nói, tôi không bất ngờ với những gì xảy ra ở Crimea. Tại Ukraine, có 2 lực lượng. Một thân phương Tây, một thân Nga và gắn bó với nhau chỉ vì quyền lợi của mỗi phía như hệ thống đường dẫn khí đốt tại Ukraine đến châu Âu. Nhưng yếu tố gắn kết đó không áp dụng tại Crimea. Người dân Nga ở Crimea cảm thấy bị đe dọa bởi các hành động của những người đã và đang kiểm soát tại Kiev. Họ nhận thức rõ về tình hình tại các quốc gia vùng Baltic sau khi Liên Xô tan rã mà ở đó người Nga bị tước quyền công dân và bị đối xử như người nước ngoài cho dù nhiều người trong số họ được sinh ra ở các quốc gia đó, thậm chí một số còn là thế hệ thứ hai. Khi Quốc hội mới tại Kiev vừa qua đã bỏ phiếu thông qua loại bỏ tiếng Nga ra khỏi vị trí ngôn ngữ chính thức tại Ukraine thì người dân Nga tại Crimea hiểu rằng họ không hề có chỗ đứng tại Ukraine.
* Tình hình tại Crimea sẽ diễn biến ra sao?
* Đưa ra một dự đoán hợp lý vào thời điểm này quả thực rất khó. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng tình hình tại Crimea hiện nay không có gì bất ngờ bởi trong cuộc xung đột tại Ukraine thì điểm nóng rắc rối chỉ có thể là Crimea và căng thẳng tại điểm nóng này có thể sẽ đi theo nhiều hướng khác nhau.
* Theo ông, Nga và Mỹ có thể làm gì để giải quyết tình hình tại Ukraine?
* Rất khó gỡ rối trong trường hợp này bởi hiện Nga và Mỹ có rất nhiều quan niệm sai lầm về nhau.
* Báo chí vừa qua đăng tải thông tin Tổng thống Obama có thể không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Sochi vào tháng 6 tới. Ông đánh giá sao về động thái này?
* Động thái của Tổng thống Obama không thể giúp ích gì cho tình hình hiện tại ở Ukraine. Đối với tôi, việc làm này chỉ là để thực hiện một mục đích chính trị của ông Obama đối với dư luận Mỹ.
ĐỖ CAO (lược trích)
| |
- Thông tin liên quan:
- Căng thẳng tại Ukraine: Phương Tây kêu gọi Nga đối thoại
- Căng thẳng tại Ukraine: Mỹ dọa trục xuất Nga khỏi nhóm G8
- HĐBA LHQ họp khẩn về khủng hoảng tại Ukraine