Chiều 12-8, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã làm việc với UBND TPHCM về chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2011, Tết Nhâm Thìn 2012 và kế hoạch phát triển mạng lưới phân phối. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, năm 2011 TPHCM đã đồng loạt triển khai 4 chương trình bình ổn giá đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm; thuốc tây; sữa bột dành cho trẻ em và người lớn tuổi; đồng phục, ba lô - cặp xách, tập vở học sinh. Trong số đó, có 2 chương trình các doanh nghiệp (DN) tham gia tự nguyện không nhận vốn hỗ trợ từ TP, tổng nguồn vốn dành cho 2 chương trình còn lại là 437,22 tỷ đồng. Hiện kế hoạch triển khai nguồn hàng của các chương trình bình ổn đang diễn ra đúng tiến độ.
Sẵn sàng phục vụ tết
Là một trong những DN chủ lực được UBND TP giao chuẩn bị và dự trữ các mặt hàng có mức tăng nóng, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong công tác bình ổn giá hiện nay là phải tạo được nguồn hàng. Do heo hơi từ đầu năm đến nay tăng giá 7 lần, tác động lớn đến CPI cả nước nên ngay từ giữa năm 2011 Vissan đã chuẩn bị dự trữ nguồn hàng. Ngoài việc phát triển nguồn heo tại các trại của công ty, Vissan đã liên kết với các trại heo, thông qua ứng vốn từ nguồn tiền bình ổn nhằm đảm bảo cung ứng đủ số lượng heo theo đơn đặt hàng của Vissan và với giá thị trường. TP chỉ giao công ty 110 tỷ đồng để tạo nguồn hàng nhưng hiện tổng tiền lưu chuyển tại các trại Vissan đầu tư đã lên đến 500 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa về khả năng dự trữ thịt heo của Vissan như thế nào, ông Văn Đức Mười cho biết, công tác chuẩn bị nguồn hàng đang gặp nhiều thuận lợi. Và nếu TP chỉ giao Vissan 3.000 tấn thịt/tháng, thì đến nay công ty đã có kế hoạch dự trữ tết lên hơn 4.000 tấn/tháng. Con số này đủ để đối phó thị trường, không để tạo ra hiệu ứng tăng giá trong dịp tết sắp tới cũng như đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến.
Theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, do doanh thu tăng bình quân tới 40%, Saigon Co.op luôn xác định tôn chỉ phục vụ “ngày nào cũng là tết” nên công tác tạo nguồn hàng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đến thời điểm này, chỉ riêng hàng bình ổn được dự trữ về kho đạt khoảng 20.000 tấn, tăng từ 3 - 5 lần so với sản lượng được giao.
Phát triển mạnh hệ thống phân phối
Một trong những chỉ đạo xuyên suốt của UBND TPHCM trong công tác bình ổn giá năm 2011 là phát triển mạnh mạng lưới phân phối, trong đó chú trọng đến các KCN-KCX, các quận huyện ngoại thành của TP nhằm đưa hàng bình ổn đến tay người tiêu dùng. Hiện Cần Giờ là huyện xa nhất của TP nhưng trong tháng 7 vừa qua, TP đã khai trương cùng một lúc 5 cửa hàng chuyên phân phối hàng bình ổn. Chủ trương của lãnh đạo TP là DN nhà nước phải tiên phong trong việc phát triển mạng lưới ở các huyện ngoại thành để dắt DN tư nhân đi theo.
Nếu năm 2008, TP mới chỉ có 248 điểm bán, cửa hàng phân phối hàng bình ổn thì đến cuối tháng 7-2011 con số này đã tăng lên đến 3.773 cửa hàng, điểm bán. Hiện TP cũng đang khuyến khích các DN tự tìm mặt bằng phát triển các điểm bán. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo 09 TP kết hợp với các quận huyện rà soát những mặt bằng dư dôi, sử dụng không hiệu quả để giao DN xây dựng siêu thị hoặc cửa hàng tùy theo diện tích phù hợp. Việc đưa hàng bình ổn vào các chợ truyền thống, các HTX, ký túc xá sinh viên, bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành, KCN – KCX đang diễn ra trên diện rộng.
Đánh giá kết quả chương trình bình ổn thị trường năm 2011, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Hồng cho rằng, sau 4 tháng triển khai trong bối cảnh rất khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng hầu hết các đơn vị đã chủ động có kế hoạch tạo nguồn hàng, thể hiện tính chuyên nghiệp cao trong điều phối, tăng lượng hàng, thực hiện bán hàng lưu động và các chương trình khuyến mãi giảm giá đã góp phần dẫn dắt giá cả, ổn định thị trường. Với tình hình này, các đơn vị có thể đảm bảo đủ hàng cung ứng nhu cầu tiêu dùng bình thường của người dân TP với mức giá cam kết thấp hơn ít nhất 10%, cũng như ứng phó có hiệu quả khi thị trường có dấu hiệu tăng nóng.
Chương trình bình ổn giá tại TPHCM, đến nay đã trở thành chương trình bình ổn của toàn quốc. Chính phủ đang giao Bộ Công thương nâng cấp thành một chương trình mới, xây dựng cơ chế chính sách trong việc dự trữ hàng hóa, đảm bảo cung cầu, không gây sốt giá. Sở dĩ, TPHCM thành công là vì chương trình đã đưa ra tiêu chí rõ ràng, minh bạch, biết lựa chọn nhóm hàng bình ổn thiết thực đời sống người dân và có sự lựa chọn DN tham gia chính xác. |
Thúy Hải