TP HCM: Triều cường ngày càng cao, đê bao ngày càng yếu

TP HCM: Triều cường ngày càng cao, đê bao ngày càng yếu

* Hôm nay hồ Dầu Tiếng xả lũ 100m3/giây

Mới bước vào đợt triều cao đầu tiên, nhưng việc ngập nhiều khu vực nội thành, cùng với tình trạng vỡ bờ bao ở các huyện ngoại thành và quận ven đã cảnh báo TPHCM sẽ chịu đựng một mùa triều cường những tháng cuối năm lắm phức tạp, không êm ả…

Triều cường + mưa tại chỗ = vỡ bờ bao

Sáng 3-9, anh Lý Thanh Vương, nhân viên quản lý kho đơn vị đang thi công tại cống 12 thuộc dự án bờ hữu sông Sài Gòn, địa bàn quận 12 cho biết, vào khoảng 5-6 giờ sáng 31-8, trời mưa lớn cộng với thủy triều sông Sài Gòn lên cao làm vỡ bờ bao. Anh em công nhân ngủ dậy thấy nước ngập trắng đồng, liền huy động anh em cùng với người dân địa phương gia cố đến 11 giờ trưa 1-9 mới xong. Vì đê bao khu vực này chưa được sửa chữa lớn, bờ bao vừa yếu lại vừa nhỏ nên rất dễ bị vỡ mỗi khi trời mưa lớn kết hợp triều cường lên cao.

TP HCM: Triều cường ngày càng cao, đê bao ngày càng yếu ảnh 1

Trưa 2-9, đường Phan Huy Ích P15, Q.Tân Bình vẫn còn ngập. Nguyên nhân chính do triều cường gây vỡ đê bao. Ảnh: HỒ VIỆT

Trước đây, khu vực này người dân và chính quyền địa phương hàng năm đều gia cố, nhưng khi công trình bờ hữu sông Sài Gòn khởi công xây dựng cống số 12, bờ bao gần khu vực cống hình như bị “bỏ quên” nên nhiều đoạn bờ bao ở phường Thạnh Lộc, vốn đã thấp nay lại yếu hơn khi gặp những đợt triều cao. Theo ghi nhận của chúng tôi, bờ bao tại khu vực ấp 2 xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn phần lớn đều không đảm bảo khi mực triều lên cao, mặt dù địa phương đã gia cố.

Ông Thành, người dân ấp 2, cho biết, năm nào cũng vậy, triều cường kết hợp mưa là vỡ bờ bao. Hiện tại, ông đang dùng bao đất đắp quanh nhà, phòng hờ khi bờ bao có vỡ, nhà cũng đỡ bị ngập. Tương tự, tại quận Thủ Đức, các phường Trường Thọ, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh cũng có bờ bao nằm trong tình trạng như trên. Thậm chí, ở rạch Đĩa, nhiều đoạn đã xuống cấp nhưng chưa được gia cố.

Chiều 3-9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) TPHCM cho biết, tiến độ triển khai các công trình phòng, chống lụt bão tại địa phương rất chậm, thậm chí các công trình đã được ghi vốn từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa thi công nâng cấp, gia cố như quận 12, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn... Vì vậy các tuyến bờ bao vừa thấp và yếu, không đảm bảo an toàn khi có mưa lớn kết hợp với triều cường. Các tuyến bờ bao nằm trong các dự án (bờ hữu ven sông Sài Gòn, dự án Sơ Rơ – Rỗng Tùng) thi công quá chậm và chưa có biện pháp bảo vệ an toàn cho các bờ bao đã được nhân dân giao đất nhưng chưa triển khai hoặc các dự án của các tổ chức, cá nhân đã được UBND TPHCM bàn giao đất, nhưng không chịu gia cố, nâng cấp, nền đã thấp, lại yếu nên dễ bị vỡ bờ khi có triều cường. Các quận, huyện thực hiện chưa nghiêm túc và đầy đủ các yêu cầu về thực hiện giải pháp đảm bảo an toàn và khẩn trương triển khai các công trình phòng chống lụt bão.

Theo Ban chỉ huy PCLB TPHCM, đợt triều cao những tháng cuối năm vừa qua không chỉ xuất hiện sớm hơn mà còn cao hơn. Đỉnh triều đợt này đã lên đến 1,35m tại Trạm Phú An (quận 1, TPHCM), hàng năm từ rằm tháng 8 mới xuất hiện đợt triều cao.

Các hồ chứa phối hợp xả lũ chưa tốt

Mực nước thượng lưu hồ Dầu Tiếng (sông Sài Gòn) sáng 3-9 là 22,68m (mực nước theo thiết kế là 24,4m). Công ty Quản lý khai thác Dầu Tiếng dự kiến sẽ xả tràn hôm nay (4-9), với lưu lượng 200m3/giây. Do triều cường đợt này đã giảm dần, nhưng diễn biến chưa ổn định, nên sau khi Ban chỉ huy PCLB TPHCM trao đổi, lãnh đạo quản lý hồ Dầu Tiếng đồng ý giảm xuống còn 100m3/giây, sau đó tăng dần lên 200m3/giây. Tuy nhiên, không phải việc phối hợp này giữa TP và với các hồ thủy điện trên sông Đồng Nai lúc nào cũng suôn sẻ. Đợt triều vừa qua, sự phối hợp tích, xả nước của hai nhà máy Thủy điện Trị An và Thác Mơ chưa tương xứng với khả năng. Việc tích, xả nước tại 2 hồ thủy điện (có dung tích chứa lớn là Trị An và Thác Mơ) qua số liệu thống kê cho thấy, cả 2 hồ này chưa tích nước đến mực nước dâng bình thường vào cuối thời kỳ có triều cường để giảm xả tràn xuống hạ lưu, đặc biệt là hồ Trị An.

Có sự chênh lệch cao vài chục xentimét (bình thường con số này không lớn) giữa mực triều đo được trên sông Đồng Nai và Sài Gòn so với sông Vàm Cỏ. Do vậy, tình trạng triều cao, gây ngập nội thành và vỡ bờ bao ngoại thành vừa qua, không chỉ do kết hợp với mưa tại chỗ mà còn do tác động việc xả lũ qua tràn của 2 hồ thủy điện nói trên.

Ban Chỉ huy PCLB TPHCM đề nghị, hai Công ty Thủy điện Trị An và Thác Mơ cần có sự phối hợp tích cực hơn trong việc xả tràn khi các đợt triều cường xuất hiện từ nay đến cuối năm. Trước mỗi đợt triều cường 5 ngày, cần điều tiết để đưa mực nước thượng lưu hồ chứa về cao trình 61,0m (đối với Trị An) và 217,0m (đối với Thác Mơ) để tạo dung tích chứa lưu lượng nước thừa (ngoài phát điện); tích đến cao trình mực nước dâng bình thường vào cuối kỳ triều cường đối với cả 2 nhà máy thủy điện. 

CÔNG PHIÊN-QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục