TP Hồ Chí Minh: Rà soát các tiêu chí về chợ an toàn thực phẩm

Ngày 24-1, Sở Công thương TPHCM đã đi thực tế và làm việc với ban quản lý (BQL) 2 chợ là Bến Thành và chợ đầu mối Hóc Môn để rà soát, đánh giá các tiêu chí theo Đề án xây dựng mô hình an toàn thực phẩm (ATTP), tiến tới công bố chợ an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TPHCM vào đầu quý 2-2018. 
Theo ông Lê Quang Thiện, Trưởng BQL chợ Bến Thành, ngay sau khi các sở ngành thống nhất chọn chợ Bến Thành là 1 trong 2 chợ triển khai thí điểm đề án, BQL đã tổ chức nhiều buổi làm việc với tiểu thương để phổ biến, tuyên truyền về đề án, đồng thời làm công tác tư tưởng để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Đối với ngành hàng thịt heo - ngành hàng được chọn để triển khai thử nghiệm đã cơ bản đáp ứng một số tiêu chí của đề án như sàn đã lót bằng gạch men, có móc treo thịt… Tuy nhiên, còn một số vấn đề vướng mắc trong việc đầu tư ở một số hạng mục như cấp thoát nước và điện.
Theo ông Thiện, ngành hàng thịt heo hiện có 36 hộ kinh doanh tại 41 sạp, trong đó có 36 sạp thuộc Công ty Vissan và 5 sạp do chợ quản lý nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án đầu tư, sửa chữa. Mặt khác, một số tiểu thương vẫn chưa có đầy đủ giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy khám sức khỏe định kỳ, giấy tập huấn kiến thức về ATTP. Hiện BQL cũng đang kiểm soát đầu vào của nguồn thịt mà thương nhân lấy vào để bán đến tay người tiêu dùng. 
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, cho rằng, chợ đã thực hiện trên 90% các tiêu chí đối với ngành thịt heo. Cụ thể, 100% thương nhân khu thịt đã có chứng nhận đủ kiến thức ATTP, 100% hộ kinh doanh được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP, 100% thương nhân chính khám sức khỏe định kỳ đúng quy định, cơ sở vật chất quầy sạp vững chắc, bảo đảm phù hợp với tính chất, quy chuẩn về kinh doanh ngành hàng thực phẩm.
Thịt heo tươi khi nhập chợ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, có vòng niêm phong, vòng thông tin truy xuất nguồn gốc. Về đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kể từ khi UBND TP phê duyệt đề án, chợ đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để làm lại hệ thống cấp thoát nước, chỉnh trang toàn bộ quầy kệ, thay gạch ốp tường bằng inox, đồng thời đầu tư hơn 2 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp dàn máy lạnh.
Đội quản lý an toàn thực phẩm tại chợ kiểm tra, sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn quy định của Ban Quản lý An toàn thực phẩm mới cho vào nhà lồng chợ. Tất cả xe chở thịt, cơ sở vật chất, nhà vựa hàng thịt luôn được làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng hàng ngày theo quy định của ngành thú y. Thương nhân phải lưu trữ chứng từ, hóa đơn, giấy thông tin nguồn gốc và kiểm dịch thú y. Nhờ vậy, kết quả kiểm tra vi sinh tại chợ cải thiện qua từng năm, từ đạt 79% năm 2015 lên 86% năm 2016 và 99% năm 2017.
Vấn đề khiến ông Tiển băn khoăn, đó là việc xác nhận thịt an toàn chưa thực hiện được, cũng như chưa có tiêu chí cụ thể. Hiện 100% thịt heo nhập chợ đã truy xuất được nguồn gốc theo đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo nhưng để xác nhận an toàn phải có thông tin thêm về quá trình nuôi. 
Đánh giá sơ bộ về kết quả rà soát, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công thương, cho rằng, còn một số tiêu chí phải làm rõ nhưng điều quan trọng là cả chợ Bến Thành và Hóc Môn đều đã triển khai nhiều bước để thực hiện.
Đặc biệt, các thương nhân đã chuẩn bị sẵn tâm thế để đồng hành cùng BQL và các sở, ngành để triển khai thực hiện, nên đây sẽ là vấn đề cốt lõi để TPHCM thực hiện thành công mô hình chợ thí điểm về ATTP, sau đó sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng đến các ngành hàng khác, cũng như các chợ loại 1 trên địa bàn TPHCM. 

Tin cùng chuyên mục