TP Thuận An (Bình Dương): Tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công

Là một trong những địa phương có quy mô kinh tế lớn của tỉnh Bình Dương, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của TP Thuận An có tác động lớn đến thực hiện chỉ tiêu kế hoạch của cả tỉnh. Dù có nhiều thách thức, nhưng với nỗ lực từng bước tháo gỡ các “điểm nghẽn” của lãnh đạo thành phố, năm 2022, Thuận An đã trở thành điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công, tạo đà thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
TP Thuận An (Bình Dương): Tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công

Giá trị giải ngân cao

Hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, trọng điểm, nguồn vốn lớn của tỉnh Bình Dương đều đi qua địa bàn TP Thuận An và phần lớn các dự án, tỉnh đều giao thành phố chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Đây cũng là khâu khó khăn nhất, được xem như điểm nghẽn chính trong quá trình triển khai thực hiện. Trong năm 2022, TP Thuận An đã tập trung tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong khâu giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Theo báo cáo của UBND TP Thuận An, ước kết quả giải ngân đầu tư xây dựng năm 2022 đạt hơn 1.200 tỷ đồng, đạt gần 97%. Trong đó, đáng chú ý là dự án giải phóng mặt bằng quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị đạt 100% kế hoạch, kế đó là 8 dự án có nguồn vốn tỉnh quản lý với tổng vốn hơn 735 tỷ đồng có tỷ lệ giải ngân đạt 99,59% kế hoạch.Qua đó để thành phố thêm động lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân ở các dự án trọng điểm khác, như dự án giải phóng mặt bằng trục thoát nước Bưng Biệp - Suối Cát, dự án giải phóng mặt bằng quốc lộ 13, đoạn từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong...

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, TP Thuận An đã bám sát các quy định pháp luật, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các ngành, riêng công tác dân vận đi trước một bước, thậm chí triển khai sớm cả năm trên cơ sở lắng nghe, chia sẻ ý kiến, nguyện vọng của người dân có ảnh hưởng bởi dự án. Đồng thời, khâu quy hoạch khu vực tái định cư được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, nỗ lực xây dựng nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi sinh sống trước đây, nhất là việc kết nối công ăn việc làm, ổn định đời sống của người dân; từ đó tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, chia sẻ áp lực với chính quyền thành phố trong quá trình phát triển.

Tạo đà cho năm 2023

Dù có kết quả giải ngân vốn khả quan trong năm 2022, lãnh đạo TP Thuận An cũng đánh giá khá dè dặt và chỉ ra những dự án cần đẩy mạnh giải quyết trong năm 2023, đồng thời xem kết quả của năm trước là bước tạo đà cho năm tiếp theo, trở thành áp lực cho các ngành vào cuộc đồng bộ, hiệu quả. Điển hình như các dự án giải phóng mặt bằng quốc lộ 13, đoạn từ ngã tư cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị; xây dựng hệ thống thoát nước hạ lưu đường Lê Thị Trung; cải tạo, nâng cấp đường Bùi Thị Xuân; cải tạo xây dựng bổ sung Trường THPT Trịnh Hoài Đức; xây dựng Trường Tiểu học Vĩnh Phú. Trên cơ sở này, TP Thuận An đã xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn dự kiến gần 2.230 tỷ đồng, trong đó vốn tỉnh quản lý gần 1.600 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết hơn 262 tỷ đồng, còn lại là vốn tỉnh hỗ trợ cho hàng loạt công trình hạ tầng giao thông và xây dựng trường học, lớp học trên địa bàn.

Với kế hoạch giải ngân vốn khá lớn, TP Thuận An xác định mục tiêu đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng đạt các tiêu chí đô thị loại 1, cùng đó, bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, đầu tư phát triển lĩnh vực hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Đáng chú ý, thành phố cũng bố trí vốn đảm bảo từng bước giải quyết tình trạng ngập úng, an toàn bờ bao, sông rạch trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An, hiện công tác bồi thường, giải tỏa cho các dự án trọng điểm đi qua địa bàn đang được chuẩn bị khá tốt, điển hình như tuyến Vành đai 3 TPHCM, hiện đã thực hiện cắm và nhận mốc, trong tháng 12-2022 hoàn thành kiểm kê đo đạc, hoàn thành thông báo thu hồi đất cho người dân, doanh nghiệp. Thành phố đang lập dự án để thực hiện đền bù, tái định cư cho khoảng 400 hộ giải tỏa trắng trong phạm vi dự án. Các giải pháp được đề ra là các ngành thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, quan tâm đền bù giải tỏa, rà soát đề xuất loại bỏ, dừng dự án chưa cần thiết để ưu tiên cho các công trình có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục