
Theo UBND tỉnh, dự án nhà máy điện địa nhiệt Hội Vân do Công ty CP Điện địa nhiệt LIOA đề xuất, có công suất dự kiến 15MW, vốn đầu tư hơn 850 tỷ đồng, quy mô 4ha. Dự án dự kiến vận hành trong giai đoạn 2027–2028, hiện đang được đưa vào danh mục các khu đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Dự án này được lồng ghép với khu nghỉ dưỡng LiOAGP Hội Vân, từng được đề xuất khảo sát từ tháng 5-2023. Đây là một trong những nỗ lực của tỉnh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là các mô hình phát điện sạch, ổn định.

Cùng với đó, Bình Định cũng đề xuất đưa vào Quy hoạch điện VIII các dự án khác như nhà máy điện sinh khối công suất 50MW. Hiện Công ty CP Erex (Nhật Bản) bày tỏ quan tâm đầu tư dự án này với tổng vốn khoảng 2.400 tỷ đồng.
Nhiều quốc gia đang ưu tiên khai thác điện địa nhiệt
Nhà máy điện địa nhiệt cho phép khai thác nguồn nhiệt từ lòng đất bằng các giếng khoan sâu vào các tầng đá nóng hoặc nước nóng. Hơi nước hoặc nước nóng trong lòng đất sẽ được dẫn tới các turbine, làm quay turbine và tạo ra điện tuần hoàn...
Theo Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP), Việt Nam rất có tiềm năng về năng lượng địa nhiệt, phân bố hầu hết trên khắp lãnh thổ của cả nước. Khai thác năng lượng điện địa nhiệt là một năng lượng sạch, không đốt bất cứ một loại nhiên liệu nào nên phát thải rất ít.

Ngoài ra, một nhà máy điện địa nhiệt chiếm diện tích rất nhỏ, khai thác nguồn địa nhiệt gần như bất tận trong lòng đất. Một ưu điểm khác, nhà máy điện địa nhiệt hoạt động bền vững, ổn định không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu như điện gió, điện mặt trời hay sóng biển.
Tuy nhiên, có một hạn chế là kinh phí, kỹ thuật đầu tư một nhà máy năng lượng này đòi hỏi rất cao, nên thế giới chỉ có một số quốc gia đang khai thác nguồn điện địa nhiệt như: Mỹ, Đức, Iceland…