Triều cường càng ngày càng cao, trong khi bờ bao phòng chống triều cường kết hợp giao thông, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước tại một số địa phương ở TPHCM lại triển khai rất chậm. Do đó, nguy cơ tràn hoặc vỡ bờ bao gây ngập các khu dân cư là rất khó tránh khỏi.
Triều cao hơn bờ bao
Đợt triều cường đạt đỉnh 1,68m ngày 4-12 đã gây bể đoạn bờ bao dài khoảng 15m ở rạch Cầu Lan, thuộc khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM khiến hàng trăm hộ dân bị ngập sâu, nhiều nơi hơn 1m.
Ghi nhận của chúng tôi vào những ngày qua tại một số đoạn bờ bao ở rạch Bằng Hòn, rạch Đỉa, rạch Đá (Thủ Đức), rạch Ông Đụng, rạch Tư Nhiêu và 2 đoạn bờ bao thuộc bờ hữu sông Sài Gòn (phường An Phú Đông, quận 12) và 3 đoạn gần cầu Phú Long (phường Thạnh Lộc, quận 12)… tình trạng sạt lở tạo thành hàm ếch khoét sâu vào bên trong rất dễ xảy ra nguy cơ vỡ bờ. Bởi lẽ, hiện nay hệ thống bờ bao ở những khu vực này chủ yếu được gia cố bằng đất bùn nên không đảm bảo an toàn.
Chưa hết, một số đoạn bờ bao dù được gia cố bằng bê tông nhưng quá mỏng và thiếu kiểm tra, gia cố thường xuyên nên dọc hệ thống chân bờ bao bị hẫng, khó có thể chống chọi nổi với lực đẩy của nước khi triều cường lớn. Đơn cử như đoạn bờ bao khu vực bể trên, cũng như bờ bao rạch Đỉa (khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước) và bờ bao rạch Võ (khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), hệ thống tường chắn bờ bao chỉ có độ dày khoảng 10cm, trong khi phần chân bờ bao đang bị xói mòn chưa được gia cố.
Vấn đề khiến nhiều người dân lo ngại hơn cả là những đoạn bờ bao này gia cố cách đây 3 - 4 năm đang trong tình trạng xuống cấp, trong khi đó triều cường ngày càng dâng cao, nếu không bị bể thì nước cũng tràn bờ. Tại quận Thủ Đức năm nào cũng bị bể bờ bao, địa phương đã đóng cừ, đắp đất nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do quá trình gia cố thiếu tính toán về mặt kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Tành, một người dân sống lâu năm ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cho biết: “Tuyến bờ bao này đã được làm tương đối kiên cố mới chịu nổi từ năm 2008 đến nay. Sở dĩ đoạn bị bể là do áp lực nước quá lớn từ bên ngoài, bên trong là một khoảng trống của cái ao xuất hiện các lỗ mọt và khi triều lên nước sẽ theo các lỗ này tràn vào gây vỡ bờ”. Bên cạnh đó, theo một số người dân, việc địa phương thiếu sự quản lý đối với các loại ghe thuyền ra vào dọc tuyến bờ bao chở cát, hàng hóa cũng là yếu tố dễ làm cho bờ bao bị vỡ khi nước lớn.
Gần 180 công trình gia cố đê bao
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, phần lớn trong số 182 công trình gia cố đê bao từ năm 2009 đến nay cơ bản đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, các công trình trên chỉ mang tính cấp bách tạm thời một vài năm vì chủ yếu là các công trình đắp và gia cố bờ bao. Để các đê bao bền vững cần phải khẩn trương đẩy nhanh 34 dự án công trình đóng cừ vách nhựa uPVC. Trong khi đó, thời gian để lập hồ sơ và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật lại kéo dài làm cho tiến độ triển khai dự án bị chậm. Ngoài ra, các hạng mục công trình có gói thầu xây lắp lớn hơn 5 tỷ đồng theo quy định còn phải chờ đấu thầu thi công. Nhiều chuyên gia thủy lợi cho rằng, để không xảy ra tình trạng tràn vỡ bờ bao khi triều cường dâng cao, thành phố cần đầu tư xây dựng hệ thống bờ bao bằng bê tông tường chắn vững chắc với phần chân rộng chứ không nên làm theo kiểu chữa cháy như lâu nay. Có như vậy, may ra hệ thống bờ bao mới chống chọi nổi với nước triều.
Công ty TNHH Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi (Sở NN-PTNT) khẳng định: Đến quý 1-2014, cơ bản khống chế được tình trạng ngập và vỡ bờ bao trên địa bàn quận Thủ Đức nếu hoàn thành được 5 cống ngăn triều rạch Thủ Đức, ông Dầu, Đúc Nhỏ, Gò Dưa, rạch Đá. Hiện nay, đã cơ bản hoàn thành được 3 cống, 2 cống còn lại cũng trong giai đoạn hoàn thiện. Tuy nhiên, để 5 cống này phát huy hiệu quả ngăn triều cần phải có 50 - 70 tỷ đồng để hoàn thiện đồng bộ hệ thống của cống.
Ngày 6-12, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cùng lãnh đạo các sở ngành liên quan kiểm tra hệ thống đê bao và việc gia cố khắc phục đoạn đê bao bị vỡ thuộc khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Sau khi kiểm tra và thăm hỏi bà con trong vùng bị ngập, Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu UBND quận Thủ Đức, nhất là phường Hiệp Bình Chánh khẩn trương khắc phục giúp đỡ bà con sớm ổn định cuộc sống. Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng yêu cầu Sở NN-PTNT đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đê bao ven sông Sài Gòn và các cống kiểm soát triều để giải quyết cơ bản tình trạng ngập do triều cường cho các khu vực quận 12, Thủ Đức và huyện Hóc Môn. UBND quận 12, Thủ Đức chỉ đạo tập trung thi công, nâng cấp, nạo vét hệ thống kênh mương, cống rãnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập úng xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra bờ bao, các vị trí có nguy cơ sạt lở để giải quyết ngay, không để xảy ra thiệt hại. |
QUỐC HÙNG
>> Người TPHCM mệt lả vì triều cường