Sau nhiều năm liên tục sụt giảm sản lượng hành khách, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết, hệ thống vận tải hành khách công cộng của thành phố đã có kế hoạch cải tổ sâu rộng…
Đổi mới nhân sự và cách quản lý
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa quyết định thay lãnh đạo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM. Người mới là một cán bộ có thâm niên, có nhiều kinh nghiệm, ý tưởng trong ngành, đặc biệt trong việc tổ chức giao thông, điều phối xe đi lại. “Chúng tôi hy vọng với kinh nghiệm của mình, lãnh đạo mới của Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao”, ông Lê Hoàng Minh nói.
“Lâu nay hành khách chủ yếu của xe buýt là sinh viên và những người lao động tự do nghèo. Chúng tôi sẽ thay đổi điều này. Phải thuyết phục được cán bộ công chức, nhân viên làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội đi xe buýt”, ông Lê Hoàng Minh chia sẻ khi nói về hướng hoạt động mới của hệ thống vận tải hành khách công cộng TPHCM. “Muốn làm được điều này, ngành GTVT phải tổ chức tốt công tác đưa đón học sinh đi học. Một trong những trở ngại lớn của cán bộ công nhân viên nếu đi xe buýt là không thể đưa đón con đi học. Bắt đầu từ năm học này, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng sẽ trực tiếp xây dựng kế hoạch đưa đón học sinh với các trường học thay vì giao cho các đơn vị vận tải. Căn cứ vào kế hoạch của trung tâm và các trường học, các đơn vị vận tải sẽ đăng ký cung ứng dịch vụ đưa đón học sinh. Với cách làm này, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, hợp tác nhiều hơn của các trường học”, ông Lê Hoàng Minh nói về kế hoạch mới của ngành GTVT.
Hoạt động vận tải công cộng luôn cần được cải tổ để thu hút hành khách. Ảnh: CAO THĂNG
Chi phí đi lại sẽ là khâu đột phá tiếp theo. Hiện nay, nếu đi từ nhà đến cơ quan phải qua 3 chặng xe buýt, hành khách sẽ phải trả ba lần vé xe buýt. Lấy giá vé trung bình 6.000 đồng/vé, thì với 3 chặng đi, hành khách phải trả 18.000 đồng. Số tiền này, người sử dụng xe buýt có thể mua xăng, đi xe gắn máy 2 bánh cho cả hai lượt đi và về. Giải pháp ở đây, theo ông Lê Hoàng Minh: “Sở GTVT, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng đang nghiên cứu làm thẻ đi xe buýt thông minh. Với thẻ này, người dân có thể đi tất cả các tuyến xe buýt với giá hấp dẫn”.
Nguyên tắc cơ bản trong phát triển vận tải hành khách công cộng của TPHCM hiện nay vẫn là “kéo và đẩy”: kéo giảm dần xe cá nhân và đẩy mạnh phát triển xe công cộng. Tuy nhiên, “kéo” sẽ đi sau một bước, nghĩa là sẽ tạo mọi điều kiện thuận tiện cho người dân đi xe buýt, sau đó mới kéo giảm dần xe cá nhân. Sở GTVT hy vọng, với việc thu hút thêm đội ngũ cán bộ công nhân viên đông đảo của thành phố đi xe buýt, hoạt động xe buýt của TPHCM sẽ khởi sắc và từng bước phát triển.
Đa dạng loại hình vận tải
Không kể đến hệ thống metro và xe buýt nhanh (BRT) đang được TPHCM triển khai xây dựng (dự kiến đến năm 2020 mới đưa vào sử dụng tuyến đầu tiên), TPHCM đang triển khai xây dựng thêm hệ thống xe buýt điện và buýt thủy nhằm đa dạng hóa các loại hình vận tải. Hai tuyến buýt thủy đầu tiên đi từ trung tâm thành phố về phía quận Thủ Đức và quận 6 đã được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong tháng 8-2015, Công ty TNHH Thường Nhật - đơn vị nghiên cứu hai tuyến buýt thủy - sẽ trình Sở GTVT đề án và nếu không có gì thay đổi, đến năm 2016, hai tuyến buýt thủy sẽ được triển khai xây dựng trên thực tế. Nếu được UBND TP chấp thuận, Sở GTVT sẽ cho mở trước tuyến đường thủy từ bến Bạch Đằng đi chùa Long Hoa nằm gần ngã ba kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Bên cạnh hai tuyến buýt thủy nêu trên, TPHCM đang triển khai thêm một số tuyến buýt thủy phục vụ du lịch. Theo ông Lê Hoàng Minh, nếu chuẩn bị kịp, trong dịp lễ Quốc khánh năm nay, ngành du lịch sẽ mở tuyến buýt đi dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Cùng với buýt thủy là buýt điện. UBND TP đã giao Sở GTVT TP nghiên cứu thay thế dần các xe buýt lớn chạy trong khu vực trung tâm bằng xe buýt điện nhỏ, thân thiện với môi trường. Nhiều doanh nghiệp vận tải đã nhiệt tình đăng ký tham gia đầu tư và vận hành xe buýt điện ngay khi thành phố cho triển khai thực tế.
Cải tổ hoạt động xe buýt là trách nhiệm của ngành GTVT. Việc cải tổ này đáng lẽ phải được thực hiện từ khi hoạt động của hệ thống xe buýt có chiều hướng chững lại… Tuy nhiên, chậm vẫn hơn không. Chia sẻ với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, nhiều đơn vị kinh doanh xe buýt rất vui trước động thái này của Sở GTVT. Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Xe buýt TPHCM, nói: “Làm thẻ đi xe buýt thông minh, tách việc bán vé, kiểm soát vé khỏi đơn vị vận tải là điều mà các đơn vị vận tải rất ủng hộ. Bởi lẽ, nó không chỉ giúp các nhà xe chú tâm vào hoạt động vận tải, không phải giành khách bằng mọi giá, mà hành khách cũng được lợi vì chi phí giảm”. Thế nhưng, liệu Sở GTVT có thực hiện được cuộc cải tổ này không? Trước đây, thành phố cũng đã từng có chủ trương vận động cán bộ công nhân viên đi xe buýt nhưng… không thành công. Trả lời câu hỏi này, ông Lê Hoàng Minh cũng rất thận trọng: “Tất cả còn phụ thuộc vào con người và điều kiện để thực thi. Tuy vậy, vẫn rất mong kế hoạch cải tổ thành công để giao thông thành phố tốt hơn, người dân được đi lại an toàn hơn”.
NGUYỄN KHOA