TPHCM chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Tuần qua, sau khi Báo Sài Gòn Giải Phóng mở chuyên mục “Thích ứng với biến đổi khí hậu”, nhiều bạn đọc đã băn khoăn hỏi: Biến đổi khí hậu là gì? Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hiện tượng này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ThS. Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường THCM.

LTS: Tuần qua, sau khi Báo Sài Gòn Giải Phóng mở chuyên mục “Thích ứng với biến đổi khí hậu”, nhiều bạn đọc đã băn khoăn hỏi: Biến đổi khí hậu là gì? Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hiện tượng này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ThS. Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường THCM.

Điểm nóng khí thải nhà kính

Khí hậu trái đất đang thay đổi, đó là hậu quả của khí thải nhà kính gia tăng do con người gây ra. Khí hậu toàn cầu nóng lên, làm thay đổi các dạng thức khí hậu: mực nước biển dâng, gia tăng cường độ các trận bão, lốc xoáy, hạn hán và lũ lụt… từ đó làm cho hệ sinh thái dễ bị tổn thương, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội và phát triển bền vững.

Đông Á đang trở thành nơi đóng góp lớn lượng khí thải nhà kính. Năm 2000 ước tính 18,7% lượng phát thải toàn cầu từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch tại vùng Đông Á. Đến năm 2025, dự kiến chỉ một mình Trung Quốc sẽ tăng lượng phát thải khoảng 118%. Chỉ tính trong giai đoạn 1999 – 2003, có sự gia tăng về cường độ và tần suất của các thảm họa (lũ lụt, hạn hán, giông bão..) 707 vụ so với giai đoạn 1994 – 1998 là 428 vụ; sự gia tăng mạnh nhất là ở các quốc gia đang phát triển: 142%, tần suất các đợt khí nóng và lạnh cũng cao hơn, các bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, côn trùng hoặc do nguồn nước cũng nhiều hơn.

Biến đổi khí hậu đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng ở quốc gia  có mật độ dân số cao, hoạt động kinh tế ở những vùng nhạy cảm  như vùng biển, ven biển, vùng đồng bằng. Ở Việt Nam, TPHCM, đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long cũng nằm trong vùng bị ảnh hưởng này.

Cần phối hợp nhịp nhàng

TPHCM có Ban chỉ đạo về biến đổi khí hậu của thành phố, gồm các sở ngành, các quận huyện, đứng đầu là Chủ tịch UBND TP. Chủ tịch  UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch hành động của thành phố trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là một kế hoạch cụ thể có tính chủ động cao, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện hoặc triển khai nhanh chóng các quy hoạch sẵn có liên quan đến quy hoạch đô thị, thực thi các chương trình giảm thiểu để có hiệu quả về mặt năng lượng, sử dụng nhiên liệu phi hóa thạch, tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, xử lý tái chế rác, cải tạo nước mặt, tăng cường mạng lưới y tế hoạt động có hiệu quả…

Mặc dù ở TPHCM lượng phát thải khí nhà kính không lớn, nhưng thành phố luôn nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế  tham gia vào việc giảm phát thải khí nhà kính, cả bằng hành động cũng như tham gia vào các hiệp định quốc tế về biến đổi khí hậu. Thành phố cũng đang cố gắng thực hiện các dự án CDM trong xử lý nước, trong ngành nông nghiệp, thực thi Nghị định thư Kyoto, tham gia thị trường Carbon quốc tế, cũng là xây dựng nền tảng góp phần giảm thiểu trong tương lai. Bên cạnh đó, TPHCM cũng đang thực hiện nhiều biện pháp ngăn ngừa giảm thiểu rủi ro thảm họa về bão lũ, chống ngập…

Về thích ứng với biến đổi khí hậu: thành phố cũng đang phối hợp với ngân hàng ADB hỗ trợ thành phố xây dựng các phương thức hoạt động để tăng cường nâng cao năng lực thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Thích ứng với biến đổi khí hậu là sự điều chỉnh trong các hệ thống tự nhiên và con người khi ứng phó với các yếu tố kích thích thực tế hay dự kiến của khí hậu, hoặc các tác động mà chúng gây ra, có ý nghĩa làm trung hòa những tác hại và khai thác các cơ hội có lợi.

Như chúng ta đã biết, TPHCM có diện tích 2.095km2, với khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Một phần của thành phố thường xuyên bị ngập do triều cường. Các biện pháp thích ứng cho các hệ thống tự nhiên đang được tiến hành và thực hiện ở đây chẳng hạn xây dựng đê bờ kè dọc sông, kể cả đê gắn với hệ thống kiểm soát lũ lụt dự kiến; quản lý phục hồi duy trì hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ; tái tạo rừng đầu nguồn cho lưu vực sông Đồng Nai, thực hiện chiến lược quản lý dòng chảy trên toàn lưu vực, phục hồi sinh thái môi trường kênh rạch, sông ngòi.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nhanh, tuy vậy dưới dự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, Sở TN-MT là đơn vị đầu mối đang nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch hành động của thành phố. Có điều, muốn kế hoạch hành động sớm được đưa vào thực hiện nhanh chóng đòi hỏi phải có các hành động phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan ban ngành và các địa phương.

Yêu cầu cần thiết là các ngành kinh tế từng bước thay đổi công nghệ, có các chính sách vận động người dân tham gia, sự phối hợp đồng bộ giữa các quy hoạch vùng, đô thị, ngành… một cách đồng bộ, sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của thành phố trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu.

NGUYỄN VĂN PHƯỚC (PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM)

Tin cùng chuyên mục