TPHCM: Dành 90 tỷ đồng chăm lo tết cho người nghèo

Ngày 13-1, đoàn công tác TPHCM do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè về công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em; việc xây dựng, phát triển, quản lý trường mầm non cũng như công tác chuẩn bị chăm lo tết trên địa bàn 2 huyện này.
TPHCM: Dành 90 tỷ đồng chăm lo tết cho người nghèo

Ngày 13-1, đoàn công tác TPHCM do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè về công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em; việc xây dựng, phát triển, quản lý trường mầm non cũng như công tác chuẩn bị chăm lo tết trên địa bàn 2 huyện này.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Bình Chánh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Bình Chánh. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Bọc lót” lo tết cho công nhân

Huyện Bình Chánh và Nhà Bè là 2 trong số những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất TPHCM nên công tác chăm lo cho người nghèo đón tết được đoàn đặc biệt quan tâm.

Tại huyện Bình Chánh, Phó Bí thư Huyện ủy Thái Hồng Mai cho biết huyện dự kiến tặng hơn 36.400 phần quà với tổng số tiền hơn 22,345 tỷ đồng (trong đó nguồn vận động là hơn 1,08 tỷ đồng) cho người dân nghèo, gia đình chính sách. Trong đó, gần 12.000 phần quà dành cho người nghèo và cận nghèo; gần 6.500 phần quà cho gia đình chính sách, công nhân lao động không có điều kiện về quê ăn tết. Ngoài ra, huyện cũng sẽ phối hợp tổ chức 185 đợt bán hàng lưu động tại 16 xã, thị trấn.

Còn tại huyện Nhà Bè, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Tấn Quý cho biết tổng số hộ nghèo toàn huyện (theo tiêu chí mới với mức thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm) là 2.831 hộ. Với những trường hợp này, huyện sẽ chăm lo mỗi hộ một phần quà trị giá 700.000 đồng và vận động mạnh thường quân chăm lo thêm mỗi hộ một phần quà trị giá 500.000 đồng. Bên cạnh đó, huyện sẽ chăm lo tết cho 200 cán bộ công chức, công nhân khó khăn không có điều kiện về quê. Hiện nay, ngoài các chợ, cửa hàng, siêu thị, huyện còn phối hợp tổ chức 11 chuyến xe bán hàng lưu động tại 7 xã, thị trấn; dự kiến tổ chức 4 phiên chợ tết phục vụ công nhân và người dân trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, cả hai huyện đều phản ánh nhiều về tình hình khó khăn trong công tác chăm lo cho người nghèo do nguồn vận động từ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh. Trước tình hình thực tế hiện nay và “giải tỏa” bớt lo lắng cho 2 huyện, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho biết TP đã thống nhất sẽ đưa toàn bộ những hộ nghèo theo tiêu chí mới vào diện chăm lo tết để không một người nghèo nào không có tết.

Nếu tính theo chuẩn cũ, TPHCM chỉ còn khoảng 5.600 hộ nghèo nhưng theo tiêu chuẩn mới, TPHCM sẽ có đến 130.000 hộ nghèo cần chăm lo. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết thêm, để tập trung chăm lo cho 130.000 hộ nghèo đón Tết Nguyên đán, TPHCM dự kiến sẽ dành khoảng 90 tỷ đồng để chăm lo. Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp không còn khả năng chăm lo cho công nhân, TPHCM sẽ “bọc lót” để chăm lo tết cho công nhân với mức hỗ trợ bằng mức của công đoàn chăm lo (từ 500.000 đồng/phần trở lên).

Nhiều cơ sở phải đóng cửa vì thiếu giáo viên, bảo mẫu

Về công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Thái Hồng Mai cho biết trên địa bàn huyện có 39 trường mầm non, trong đó có 20 trường công lập, 19 trường ngoài công lập và 101 nhóm, lớp ngoài công lập. Đặc biệt, trên địa bàn có 52 cơ sở, trường mầm non hoạt động không phép với 99 lớp, có tổng số là 2.056 học sinh. Đa số chủ cơ sở là người ở tỉnh đến tạm trú thuê nhà để giữ trẻ và phần lớn trẻ ở những cơ sở này là con của những lao động ngoài tỉnh. Tổng số tiền học phí và tiền ăn ở những cơ sở này khoảng 700.000 - 800.000 đồng/tháng/trẻ. Trong năm 2014-2015, huyện dự kiến sẽ xây dựng thêm 9 trường mầm non, tập trung ở các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu gửi con của công nhân lao động cao.

Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Lê Văn Hòa cũng cho biết thêm, mặc dù hiện nay các xã đều có trường công lập nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, vì vậy các trường ngoài công lập đảm đương trên 50% số lượng học sinh phải đến trường. Theo ông Lê Văn Hòa, thời gian qua, trên địa bàn huyện đã có 17 cơ sở ngoài công lập phải đóng cửa vì thiếu giáo viên, bảo mẫu và không đủ điều kiện an toàn vệ sinh. Từ thực tế, huyện Bình Chánh kiến nghị TP bố trí vốn đối với 13 trường mầm non đã có danh mục đầu tư.

Tại huyện Nhà Bè, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Trần Tấn Quý cho biết hiện toàn huyện có 8 trường mầm non công lập (mỗi xã có 1 trường, riêng thị trấn Nhà Bè có 2 trường); có 32 cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Đánh giá của Huyện ủy Nhà Bè qua khảo sát cho thấy, số lượng trẻ ở tuổi nhà trẻ ở các cơ sở giáo dục tư thục gần gấp 3 lần so với các cháu được gửi ở trường công lập; số lượng trẻ ở tuổi mẫu giáo gửi ở các cơ sở tư thục chiếm hơn 50% trẻ học ở trường công lập.

Tuy nhiên, huyện đã phát hiện 18 điểm giữ trẻ không phép, chủ yếu là người thân, người nhà, người trông trẻ thuê (ít nhất là 1 trẻ, nhiều nhất là 7 trẻ), hầu hết các điểm giữ trẻ này đều không đảm bảo các điều kiện giữ trẻ theo quy định. “Trong năm 2014 - 2015, dự kiến đây cũng là khu vực sẽ “bùng nổ” dân số, do vậy huyện dự kiến sẽ phải bổ sung 20 trường mầm non với 298 lớp để đáp ứng nhu cầu giữ trẻ trên địa bàn…”, ông Trần Tấn Quý cho biết.

Ưu tiên dùng vốn kích cầu cho dự án trường mầm non

Trước nhu cầu giữ trẻ và thiếu trường mầm non tại huyện Bình Chánh và Nhà Bè, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho rằng, gốc của vấn đề trường mầm non hiện nay là cô nuôi dạy trẻ, đạo đức giáo viên, Thành ủy đã có chỉ đạo chung về việc này. Hai huyện cũng đều đã có trung tâm bồi dưỡng chính trị, phòng giáo dục, các huyện cần mở các lớp nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, bảo mẫu ở các trường mầm non kể cả trong và ngoài công lập.

Riêng đối với vấn đề gửi trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, theo Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, lãnh đạo các huyện cần đưa nội dung này thành yêu cầu để từ đó dồn sức thực hiện. Việc đảm bảo cơ sở vật chất ở các trường, điểm, nhóm giữ trẻ cũng là nội dung quan trọng. Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải yêu cầu đối với các nhóm trẻ không đủ điều kiện vật chất, 2 huyện cần giải quyết vốn tín chấp, hỗ trợ cho các chủ cơ sở khi có ý kiến xác nhận của xã nhằm xây dựng các nhóm trẻ đảm bảo tiêu chuẩn.

Riêng với danh mục 13 dự án trường mầm non đang thiếu vốn của huyện Bình Chánh, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chỉ đạo TP giải quyết từ nguồn vốn kích cầu và đề nghị huyện Bình Chánh cần triển khai khẩn trương các thủ tục cho các dự án này. Tuy nhiên, huyện cần xem xét đồng thời cả 2 phương án khi thực hiện 13 dự án, không chấp nhận việc thiếu vốn, không nên chỉ dựa vào vốn kích cầu mà trong khi chờ đợi vốn, huyện có thể dùng các nguồn khác xử lý trước và xây dựng theo hình thức “cuốn chiếu”, để làm đến đâu xong đến đó, không để dây dưa kéo dài các dự án bức thiết. Phương án này cũng được Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đặc biệt lưu ý, chỉ đạo đối với tập thể lãnh đạo huyện Nhà Bè.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục