Tại chương trình, đại diện các đơn vị thu gom, vận chuyển rác nêu thực tế khó khăn khi chuyển đổi phương thức hoạt động, khó khăn về giá, nhân sự.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Môi trường sạch và xanh Toàn Cầu, cho biết, sau khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, hợp tác xã, các đường dây thu gom rác dân lập vẫn hoạt động như trước, với các tuyến thu gom nhỏ lẻ, thời gian thu gom không thống nhất. Cùng một khu phố, cùng công ty nhưng 2 đơn vị thu gom khác nhau, giá khác nhau, phương tiện khác nhau. Về nhân sự, trước dịch công ty có 60 nhân sự, đến nay chỉ còn 45 người. Trong khi đó, công nhân thu gom rác làm việc vất vả, có thể phải làm 8-12 giờ/ngày nhưng lương chỉ từ 7-8 triệu đồng/tháng. Do vậy, ông đề xuất chính sách hỗ trợ để người lao động an tâm gắn bó với công việc.
Tại chương trình, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thực hiện chính sách chuyển đổi các đường dây thu gom rác dân lập, thành phố đã hỗ trợ vốn và lãi suất cho 68 dự án, với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến nay, từ 2.700 đường dây, nhóm rác dân lập đã tổ chức lại còn khoảng 250 pháp nhân, với hơn 20.000 lao động. Ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp, hợp tác xã và cho rằng việc cần làm ngay là hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo nghề.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, TPHCM định hướng đến năm 2025, ít nhất 80% rác thải phải được đốt phát điện và tái chế. Hiện TPHCM nhận được đề xuất của 6 dự án, với công suất xử lý khoảng 10.500 tấn. TPHCM sẽ theo hướng mua dịch vụ, nhà đầu tư cung cấp dịch vụ và công nghệ xử lý.