Đúng 9 giờ hôm qua (3-2), đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đã chính thức thông xe. Theo ông Nguyễn Huy Thao, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, cho đến khoảng 11 giờ trưa, trên toàn tuyến cao tốc chỉ xảy ra 2 sự cố nhỏ.
Một chiếc xe du lịch 4 chỗ ngồi bị bể lốp giữa đường và 1 chiếc xe du lịch 4 chỗ khác dừng lại giữa đường để… tham quan. Nhận được tin báo, xe cứu hộ đến ngay, đưa chiếc xe bị hư đi sửa và yêu cầu các vị khách tham quan lên xe, tiếp tục hành trình. “Bất cứ sự cố nào, khi được báo, đảm bảo tối đa 20 phút sẽ có xe cứu hộ đến xử lý”, ông Nguyễn Huy Thao khẳng định.
Tuần tra ở gần nút giao thông Thân Cửu Nghĩa tỉnh Tiền Giang, đại úy Nguyễn Văn Tuấn, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, một số người dân đi xe gắn máy hoặc đi xe đạp định đi vào đường cao tốc, nhưng khi được nhắc nhở đều vui vẻ lui ra. Mặc dù đa số người dân rất ủng hộ dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương nhưng cũng có người “tâm tư” vì phải đi khá xa mới có cầu vượt hoặc hầm chui để băng qua đường cao tốc. Hầu hết người dân hai bên đường chỉ có xe gắn máy. Nên phải nhiều năm nữa họ mới có khả năng mua xe hơi để được chạy trên con đường, mà họ đã hy sinh một phần lợi ích khi phải di dời, giao đất để làm đường cao tốc.
Nhiều năm nay, từ TPHCM đi Tiền Giang nói riêng và các tỉnh miền Tây Nam bộ nói chung chỉ có quốc lộ 1A, với lưu lượng khoảng 50.000 xe lưu thông/ngày, thường xuyên bị quá tải, nhất là vào những ngày giáp tết. Cảm giác mệt mỏi sẽ không còn nữa vì hiện nay nếu lưu thông trên đường cao tốc thì TPHCM chỉ cách ngã 3 Trung Lương có 1 giờ, thay vì gần 3 giờ như trước.
Tất nhiên, câu chuyện về giao thông ở các tỉnh miền Tây chưa thể dừng ở đây. Thế nhưng trước mắt, việc thông xe đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cũng sẽ góp phần đáng kể trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1A, tạo đà cho các tỉnh ĐBSCL phát triển và gần gũi hơn với TPHCM.
NGUYỄN KHOA