TPHCM đủ khả năng khống chế dịch bệnh lây lan và bùng phát

Trước diễn biến của các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang ngày càng phức tạp, thực hiện chủ trương của Bộ Y tế và UBND TPHCM, sáng nay, 3-12, báo SGGP tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: “Dịch bệnh Ebola, dịch hạch: Phòng ngừa và điều trị”.
TPHCM đủ khả năng khống chế dịch bệnh lây lan và bùng phát

(SGGPO).- Trước diễn biến của các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang ngày càng phức tạp, thực hiện chủ trương của Bộ Y tế và UBND TPHCM, sáng nay, 3-12, báo SGGP tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: “Dịch bệnh Ebola, dịch hạch: Phòng ngừa và điều trị”.

Tham dự buổi giao lưu gồm có bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM; bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM. Sau đây là nội dung của buổi giao lưu:

Quang cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Mai Hải

tuannguyen@gmail.com: Được biết những người nghi ngờ mắc Ebola được cách ly 21 ngày tại cộng đồng nhưng có chắc khi về cộng đồng họ được kiểm soát chặt chẽ hay không, ai kiểm soát họ tại nhà và như thế nào?

ThS-Bs Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Theo quy định, các trường hợp nghi ngờ mắc Ebola được cách ly theo dõi tại cơ sở y tế. Trường hợp theo dõi tại cộng đồng 21 ngày là những trường hợp hành khách trở về từ vùng có dịch hoặc những trường hợp tiếp xúc. Đối với trường hợp hành khách về từ vùng có dịch là những người có yếu tố dịch tể chứ không phải là trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Tuy nhiên, dù được theo dõi tại nhà, các trường hợp này vẫn được nhân viên y tế địa phương tiếp cận hàng ngày để ghi nhận sớm các triệu chứng của bệnh nếu có để kịp thời thực hiện các biện pháp can thiệp.

toannguyen@yahoo.com -  toannguyen@yahoo.comNgoài chuột ra có con vật gì có thể truyền bệnh dịch hạch nữa hay không? Liệu chồn, sóc, khỉ có lây bệnh dịch hạch không vì em thấy mấy dân nhậu giờ thích nhậu thịt chồn quá.

BSCKI Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới: Nguồn bệnh lây truyền bệnh dịch hạch chủ yếu từ loài động vật gặm nhấm (khoảng 7.200 loài), tuy nhiên loài chính yếu nhất vẫn là loài chuột (chuột cống, chuột đồng,...).

Trung gian truyền bệnh là loài bọ chét (thường gặp), ngoài ra có thể do rận, chí...

Đường lây truyền chủ yếu là qua đường máu, do bọ chét hút máu chuột bệnh rồi cắn sang người. Ngoài ra, bệnh dịch hạch có thề lây qua đường hô hấp do hít phải những giọt bắn từ người bệnh dịch hạch thể phổi.

Còn đường lây truyền qua da, niêm mạc, hay là đường tiêu hóa thì hiếm gặp.

Nếu chúng ta ăn phải những sản phẩm bị ô nhiễm vi khuẩn dịch hạch, nhưng được nấu chín kỹ thì vẫn không bị nhiễm bệnh.

Ngọc Oanh - oanhngoc@yahoo.com: Dịch hạch lây từ chuột mà tôi thấy bây giờ chuột cống nhiều quá, nhất là ở gần mấy nhà hàng, quán ăn, bãi rác công cộng… Cơ quan chức năng liệu có biện pháp nào diệt bớt chuột hay không? Thậm chí chuột bây giờ còn chui qua ống thoát nước vào tận nhà dân.

Ảnh: Tường Lâm

ThS-Bs Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Dịch hạch do trực khuẩn Yesinia pestis gây bệnh, lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn. Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch đa số ghi nhận phát triển vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Để kiểm soát bệnh dịch hạch và các bệnh lây truyền qua chuột, ngành y tế có kế hoạch tổ chức giám sát mật độ chuột và chỉ số bọ chét trên chuột. Hàng năm vẫn tổ chức các chiến dịch diệt chuột trọng điểm. Cũng tương tự các năm trước, năm 2014 Trung tâm y tế dự phòng TPHCM đã xây dựng kế hoạch sẽ tổ chức diệt chuột tại các điểm nguy cơ trên toàn thành phố vào cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 - 2015, là thời điểm sinh sản của chuột. Bên cạnh việc tổ chức diệt chuột theo kế hoạch của ngành y tế, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cũng cần nêu cao ý thức trong việc giữ vệ sinh trong nhà, xung quanh nhà, không để bừa bãi các thức ăn thừa làm nguồn thức ăn cho chuột sống và phát triển. Đồng thời thực hiện các biện pháp diệt chuột truyền thống nhằm góp phần giảm mật độ chuột , giảm nguy cơ lây truyền các bệnh từ chuột.

beba@yahoo.comCó phải bệnh dịch hạch là cơ thể nổi hạch khắp người hay không, nổi những chỗ nào và có điều trị được không?

BSCKI. Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa Nhiễm D- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: Bệnh dịch hạch có nhiều thể lâm sàng khác nhau, như: thể hạch, thể phổi, thể nhiễm trùng huyết...

Thể bệnh thông thường là thể hạch, biểu hiện lâm sàng của 1 ca dịch hạch thể hạch trải qua thời kỳ ủ bệnh tù 2 - 5 ngày. sau đó bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khởi phát với sốt cao đột ngột kèm ớn lạnh hoặc lạnh run, nhức đầu, ói mữa, đừ mệt sau đó sẽ nổi hạch, đặc điểm: vị trí hạch thường gặp là hạch vùng bẹn, kế tiếp là hạch nách, hạch cổ, dưới hàm. hạch sưng to, rất đau, nóng. nếu nhiều hạch thì có thể kết dính thành 1 khối. diễn tiến trong vòng 1 tuần hạch có thể hóa mũ và vỡ dò ra ngoài, hoặc có thể xơ cứng đóng kén, hoặc có thể tự teo nhỏ lại.

Điều trị bệnh dịch hạch hiện nay, may mắn là chúng ta có nhiều loại kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn dịch hạch; có thể dùng 1 trong các loại kháng sinh sau đây: streptomycin, tetracilline, chloramphenicol, ceftriaxone, quinolone. tuy nhiên, nên điều trị sớm tránh những biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong.

hoang thai minh - Tân Bình, TPHCM: Nghe nói con bọ chét ký sinh trên chuột mới gây bệnh dịch hạch. Vậy hình thể con bọ chét làm sao, nó lây qua người thế nào?

ThS Bs Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Bọ chét ký sinh trên chuột là trung gian truyền bệnh chủ yếu, đặc biệt là Xenopsylla cheopis. Bọ chét hút máu chuột có mang vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. Khi bọ chét rời khỏi chuột sang người và cắn người sẽ xảy ra sự lan truyền vi khuẩn và có thể gây bệnh.

phamtananh@gmail.com: Ở quê em (Đồng Tháp) hiện nay đang mùa nước nổi nên chuột đồng cũng nhiều. Còn em biết ở các tỉnh khác như Tây Ninh, Kiên Giang còn có cả chuột ở Campuchia nhập sang. Người dân mấy vùng này ăn thịt chuột cũng nhiều nên liệu có bị mắc dịch hạch không?

ThS Bs Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Bệnh dịch hạch không lây truyền qua ăn thịt chuột. Tuy nhiên nếu chuột có mang vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, người làm thịt chuột có thể bị lây nhiễm qua vết thương trên da trong qua trình tiếp xúc, làm thịt chuột.

Trần Minh Em - Gò Vấp, TPHCM: Một số bệnh nhân mắc Ebola nhưng được chữa khỏi, trong đó có một y tá gốc Việt Nam. Vậy liệu cơ địa của người Việt Nam ta có thể khỏi bệnh nếu mắc Ebola?

 BSCKI. Nguyễn Thanh Trường - Trưởng khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: Bệnh Ebola, là 1 bệnh dịch nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao trên 60%. Bệnh dịch đang lan rộng ở các nước Tây Phi, bất kể đối tượng nào cũng có nguy cơ nhiễm bệnh nếu chưa có miễn nhiễm (đã có kháng thể bạo vệ). Việc điều trị hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng, người Việt Nam, hay bất kỳ cơ địa nào cũng có kết cục như nhau khi bị nhiễm Ebola. Tuy nhiên có khoảng 40% ca bệnh điều trị khỏi, số người Việt Nam mình ở nước ngoài bị nhiễm còn rất ít, chưa thể nói được tiên lượng có khác so với người nước ngoài hay không.

BSCKI Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Ảnh: Mai Hải

Huy Linh - quận Cầu Giấy, Hà Nội: Bác sĩ có thể cho biết cách để phòng ngừa bệnh dịch hạch, chúng ta cần phải làm những gì và có thể sử dụng các loại vaccine hay thuốc gì hay không?

BSCKI. Nguyễn Thanh Trường - Trưởng khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: Theo khuyến cáo của cục Y tế dự phòng, việc phòng ngừa bệnh dịch hạch được thực hiện như sau:

- Bảo đảm ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín nấu sôi

- Vệ sinh môi trường, xung quanh nơi cư ngụ phải sạch sẽ,

- Nơi nào có chuột chết nhiều bất thường, cần báo ngay với trung tâm y tế dự phòng để được xử lý.

- Nếu sống trong vùng có dịch, Khi có biểu hiện sốt cao, nghi ngờ bi bệnh, thì hãy đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nếu có yếu tố nguy cơ, bị bọ chét đốt, thì có thể sử dụng thuốc phòng ngừa: Tetracilin, hay Quinolone uống trong vòng 5 ngày.

Việc chủng bằng vaccine hiện nay: có vaccine sống giảm độc lực tiêm dưới da, tuy nhiên hiệu quả chủng ngừa không cao, và chỉ định chủng ngừa bằng vaccine chỉ áp dụng cho những người đi đến vùng có dịch bệnh đang xảy ra.

leminhquang@yahoo.com: Tôi thấy mấy cơ quan chức năng nói kiểm soát người nhập cảnh từ các nước có dịch Ebola bằng cách đo thân nhiệt là chính. Nhưng vừa rồi vẫn có người lọt lưới kiểm dịch do dùng thuốc hạ sốt. Chứng tỏ công tác kiểm dịch vẫn còn chỗ hở?

ThS.Bs Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Giám sát người nhập cảnh tại các cửa khẩu như sân bay, bến cảng, cửa khẩu đường bộ là một biện pháp bắt buộc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi nhập cảnh. Là một trong nhiều biện pháp giám sát phát hiện bệnh. Các máy đo thân nhiệt từ xa nhằm phát hiện các trường hợp gia tăng thân nhiệt do đó các trường hợp có sốt trước đó, đã uống thuốc hạ sốt và thân nhiệt họ đã trở về bình thường khi đi ngang máy đo thì không thể phát hiện được (vì thực tế ngay tại thời điểm đó thân nhiệt của họ là bình thường).

Do đó, bên cạnh việc đo thân nhiệt bằng máy để phát hiện sốt, đối với các trường hợp hành khách về từ vùng có dịch cần khai báo đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của ngành y tế và tăng cường ý thức cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe (ví dụ khai báo có sốt trước đó...) để giúp cho công tác phòng bệnh được hiệu quả.

Bên cạnh việc giám sát tại các cửa khẩu, ngành y tế còn triển khai công tác giám sát tại các bệnh viện và cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp mới mắc nhằm triển khai các biện pháp can thiệp kịp thời.

nguyenthu187@yahoo: Tôi được biết chuột là động vật gây lây truyền bệnh dịch hạch sang người. Trong khi đó ở khu tập thể tôi sống có khá nhiều chuột. Nếu không may bị chuột cắn, tôi có nguy cơ bị nhiễm bệnh dịch hạch không? Tôi phải làm gì để phòng chống?

ThS.Bs Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Về lý thuyết thì bị chuột cắn vẫn có thể mắc bệnh dịch hạch nhưng nguy cơ không cao. Tuy nhiên có thể mắc các bệnh khác lây truyền từ chuột. Do đó, trong các khu tập thể, khu công cộng người dân cần ý thức trong việc diệt chuột và không "cung cấp" nguồn thức ăn cho chuột.

Diễn tập phòng, chống Ebola - Mẫu máu và bệnh phẩm được chuyển đến phòng sinh học phân tử để bất hoạt virus.Ảnh: Khánh Nguyễn

Lê Xuân Thủy - Kim Sơn, Ninh Bình: Xin bác sĩ cho biết những dấu hiệu điển hình của người khi mắc bệnh dịch hạch và nếu chẳng may bị mắc thì phải tới bệnh viện nào để chữa trị?

BSCKI. Nguyễn Thanh Trường - Trưởng khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: Trường hợp viêm hạch thể hạch:

Sau thời gian ủ bệnh 2 - 5 ngày, có thể rất ngắn từ vài giờ, bệnh bắt đầu khởi phát với các triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân: sốt cao, kèm lạnh run, nhức đầu, nôn mửa, đau nhức toàn thân, đừ mệt.

Sau đó, bắt đầu nổi hạch: vị trí thường gặp là hạch bẹn, nách, cổ, dưới hàm... hạch sưng to, sờ nóng, rất đau. Nếu nhiều hạch bị viêm kế cận sẽ kết dính lại với nhau tạo thành 1 khối lớn.

Đối với dịch hạch thể phổi, thì còn có biểu hiện của viêm phổi như,  ho đàm nhiều, đau ngực, khó thở, X quang phổi là tổn thương phế nang dạng viêm phổi đốm hoặc viêm phổi thùy.

Còn nếu là thể bệnh nhiễm trùng huyết, thì có thể diễn tiến nặng dẫn đến tình trạng sốc:  bứt rứt, mạch nhanh, huyết áp tụt, tay chân lạnh.

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có sự quay trở lại của dịch bệnh này kể từ sau hơn 20 năm vắng bóng. Tuy nhiên, nếu có dịch xuất hiện trở lại, và chẳng may bị nhiễm bệnh, thì chúng ta nên đến bệnh viện sớm để được cách ly chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh biến chứng. Chúng ta có thể đến các cơ sở y tế địa phương gần nhất.

Phạm Công Bắc - chung cư CT 3-3, Mễ Trì, Hà Nội: Tôi nhớ ở nước ta những năm 1970-1980, có rất nhiều người bị dịch hạch. Trong khi đó, gần đây Bộ Y tế có đưa ra cảnh báo về bệnh dịch hạch xuất hiện ở một số nước trên thế giới làm nhiều người mắc và tử vong. Vậy điều này có ảnh hưởng gì tới nước ta không và liệu bệnh dịch hạch có lây lan và bùng phát ở Việt Nam?

ThS.Bs Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Ở Việt Nam đã gần 20 năm không xuất hiện bệnh dịch hạch. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới vẫn còn một số nước có bệnh dịch hạch và gây tử vong. Do đó, vẫn có nguy cơ bệnh xuất hiện tại Việt Nam.

Các ngành chức năng tổ chức giám sát chặc chẽ các phương tiện xuyên biên giới như máy bay, tàu thủy, phương tiện vận chuyển đường bộ... để kiểm soát hàng hóa, động vật nhập khẩu vào Việt Nam và kiểm soát chuột có thể di chuyển xuyên biên giới trên các phương tiện này.

Để ngăn ngừa bệnh người dân cần hợp tác với ngành y tế trong việc thực hiện các khuyến cáo trong phòng ngừa bệnh dịch hạch trong đó quan trọng là thực hiện diệt chuột tại nơi sinh sống (có thể tham khảo thêm tại website của Cụ Y tế Dự phòng vncdc.gov.vn).

Xuân Hòa - 38 tuổi - Đô Lương, Nghệ An: Hiện nay, Việt Nam đã có thuốc, hay phương pháp điều trị nào trong trường hợp bị loại virus Ebola nguy hiểm này xâm nhập và lây lan vào nước ta?

BSCKI. Nguyễn Thanh Trường - Trưởng khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: Hiện nay, trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào dành cho bệnh dịch nguy hiểm này cả. Việc điều trị chủ yếu là cách ly, điều trị triệu chứng, can thiệp xử trí kịp thời các biến chứng xảy ra.

Tuy nhiên, hiện có rất nhiều các nghiên cứu, thử nghiệm về thuốc điều trị, cũng như vaccine chủng ngừa đang tiến hành. Hy vọng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có phương pháp điều trị tốt nhất, đẩy lùi dịch bệnh này.

Diễn tập phòng, chống Ebola - Chăm sóc đặc biệt tại phòng cách ly. Ảnh: Khánh Nguyễn

lethanhthuy@gmail: Cuối năm nay, chồng tôi đang làm việc ở châu Phi sẽ về nước. Vậy để biết được anh ấy có bị nhiễm Ebola hay không, tôi cần phải làm gì và có phải “cách ly” với anh ấy trong một thời gian?

ThS.Bs Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Trường hợp chồng chị sống ở các nước Châu Phi không có dịch Ebola thì không cần cách ly theo dõi. Nếu chồng chị về từ nước đang có dịch Ebola thì cần được giám sát 21 ngày theo hướng dẫn của y tế địa phương. Nếu chồng chị có tiếp xúc gần hoặc trực tiếp với người mắc bệnh Ebola thì cần khai báo đầy đủ với ngành y tế để được hướng dẫn cách ly, theo dõi cụ thể.

ThS Bs Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Hà Minh Trí - quận 2, TPHCM: Xin hỏi bác sĩ, các triệu chứng của bệnh dịch hạch và bệnh Ebola như thế nào? Và phân biệt triệu chứng giữa hai bệnh ra làm sao? Xin bác sĩ chỉ giúp.

BSCKI. Nguyễn Thanh Trường - Trưởng khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: Để chẩn đoán 1 bệnh truyền nhiễm, chúng ta dựa vào: dịch tể, triệu chứng lâm sàng, và xét nghiệm.

Với 1 số trường hợp dịch hạch, hay Ebola điển hình, trong giai đoạn toàn phát, thì chúng ta dễ dàng phân biệt được đâu là dịch hạch (hạch sưng to, nóng rất đau), và đâu là bệnh Ebola (xuất huyết nổi bật). Tuy nhiên trong giai đoạn khởi phát từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 của bệnh, thì triệu trứng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân của cả 2 bệnh này khá giống nhau (sốt cao, kèm lạnh run, đau nhức toàn thân, nhức đầu, ói mữa,đừ mệt...), nên khó phân biệt giữa bệnh dịch hạch và bệnh nhiễm Ebola.

Khi đó, yếu tố dịch tể rất quan trọng giúp chúng ta nghĩ đến bệnh. Ví dụ như: 1 người đến từ vùng dịch đang có bệnh ebola, có biệu hiện sốt cao, thì rất có khả năng người đó bị nhiễm bệnh Ebola, và dĩ nhiên, để chẩn đoán xác định bệnh, thì chúng ta phải xét ngiệm tìm nguyên nhân.

Tốt nhất, nếu có biểu hiện bệnh trong giai đoạn sớm, kết hợp với yếu tố dịch tể thì nên đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị.

Vũ Minh Sơn - Cán bộ Môi trường: Tôi được biết tại một số nước ở châu Phi đang có rất nhiều người mắc và chết do dịch bệnh Ebola. Trong khi đó, tôi sắp phải đi công tác dài ngày ở khu vực này nên tôi rất lo. Xin các chuyên gia cho tôi lời khuyên để phòng tránh không bị lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này?

ThS.Bs Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Hiện nay, theo các chuyên gia, bệnh Ebola không lay truyền qua đường không khí. Do đó, chúng ta vẫn có thể thực hiện các giao tiếp xã hội thông thường. Nếu Anh/Chị đến các nước Châu Phi, cần biết rõ thông tin về tình hình dịch Ebola tại nước đó và khu vực đó.

Trong trường hợp không cần thiết, không nên tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh Ebola. Trong trường hợp phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh Ebola, cần có sự tư vấn và hướng dẫn cụ thể, chi tiết của nhân viên y tế địa phương.

Ngoài ra, Anh/Chị cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân hàng ngày, tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, chúng ta đều biết bệnh Ebola có thể lây truyền qua đường tình dục và Virus Ebola có thể tồn tại vài tuần trong cơ thể người bệnh sau thời gian khỏi bệnh. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề an toàn trong quan hệ tình dục.

Ảnh: Tường Lâm

Mỹ Hạnh - Quận 7, TPHCM: Xin bác sĩ cho biết, bệnh dịch hạch có bị lây từ người sang người như bệnh Ebola không ạ?

BSCKI. Nguyễn Thanh Trường - Trưởng khoa Nhiễm D- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: Đường lây của bệnh dịch hạch, có 4 đường lây truyền sau:

- Đường máu: qua vết đốt của bọ chét (phổ biến nhất).

- Đường tiêu hóa: qua ăm uống phải thức ăn bị ô nhiễm (hiếm gặp).

- Đường da, niêm mạc: do da bị tổn thương, tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh (hiếm gặp).

- Đường hô hấp: do hít phải những giọt bắn, tiết ra từ người bệnh dịch hạch thể phổi qua ho, hắt hơi, khạt nhổ.

Như vậy, bệnh có thể lây từ người sang người nếu chúng ta tiếp xúc trực tiếp với người bệnh dịch hạch thể phổi mà không có phòng hộ cá nhân (đeo khẩu trang).

Bùi Vũ Thành - thanhtnm@gmail.com - Tam kỳ, Quảng Nam:  Xin bác sĩ cho biết, trong trường hợp, nếu bị bệnh dịch hạch thì cách điều trị tại nhà như thế nào? Xin cảm ơn bác sĩ.

BSCKI. Nguyễn Thanh Trường - Trưởng khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: Bệnh dịch hạch, được xem là 1 bệnh dịch nguy hiểm, có khả năng lây từ người sang người nếu là dịch hạch thể phổi, nên tốt nhất, khi có biểu hiện nghi ngờ bệnh thì hãy đến bệnh viện ngay để được cách ly điều trị.

Minh Đăng - Thủ Đức, TPHCM: Theo thông tin từ cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch hạch Bộ Y tế chiều 2-12, thì suốt 12 năm qua Việt Nam không xuất hiện ca bệnh dịch hạch nào (Ca dịch hạch đầu tiên năm 1898 được ghi nhận ở Việt Nam là từ tàu Hồng Công xâm nhập vào). Trong khoảng thời gian 12 năm ấy, liệu các bác sĩ Việt Nam có còn nhớ, hay có cập nhật những kiến thức về phòng, chống, chữa trị cũng như những triệu chứng của bệnh này để lỡ khi Việt Nam có dịch bệnh thì đối phó được không? Và xin hỏi TPHCM có chuẩn bị gì để đối phó với dịch bệnh lỡ khi xuât hiện? Xin cảm ơn ông.

ThS.Bs Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở y tế TPHCM đang triển khai các biện pháp để phòng ngừa bệnh dịch hạch. Trong đó, có tổ chức tập huấn về công tác giám sát, chẩn đoán và điều trị các trường hợp mắc bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm trường hợp mới mắc để điều trị kịp thời và tổ chức can biện pháp can thiệp phòng chống lây lan.

Bên cạnh đó là tổ chức diệt chuột trên toàn thành phố vào cuối năm như kế hoạch đã xây dựng. Với cơ sở vật chất, con người và trang thiết bị chuyên môn hiện tại, TPHCM đủ khả năng để khống chế, không cho dịch lây lan rộng và bùng phát nếu xuất hiện tại thành phố.

Trần Minh - Định Quán, Đồng Nai: Rất nhiều nhân viên Y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm Ebola đã bị nhiễm bệnh. Vậy xin BS Nguyễn Thanh Trường cho biết tại sao lại có tình trạng này. Trong trường hợp Ebola xuất hiện ở Việt Nam, chúng ta có biện pháp gì để bảo vệ y, bác sĩ để không bị lây nhiễm khi chăm sóc người bệnh?

BSCKI. Nguyễn Thanh Trường - Trưởng khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: Đường lây truyền của bệnh Ebola, do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ cơ thể bệnh nhân bị bệnh (máu, phân, đàm, ...). Nếu chúng ta làm tốt việc phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc với bệnh nhân, thì chúng ta có thể phòng tránh được bệnh. Còn nếu như chúng ta chủ quan, không bảo đảm việc an toàn phòng hộ dù chỉ ở 1 khâu nhỏ nhất trong quy trình chống nhiễm khuẩn, thì chúng ta có thể bị lây nhiễm bệnh.

Vì vậy, để bảo vệ chúng ta khỏi bị lây nhiễm bệnh trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chống nhiễm khuẩn, phòng hộ cá nhân là tối cần thiết.

Nguyễn Toàn Thắng - nguyentoanthang@yahoo.vn: Trước đây việc phòng chống bệnh dịch hạch được sử dụng vaccine. Tuy nhiên bây giờ tôi được biết chúng ta không sử dụng vaccine phòng ngừa dịch hạch nữa. BS Nguyễn Trí Dũng có thể cho biết vì sao chúng ta lại không sử dụng vaccine ngừa dịch hạch nữa. Nếu không dùng vacccine ngừa dịch hạch, chúng ta sẽ phòng chống căn bệnh nguy hiểm này bằng cách nào?

ThS.Bs Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Trước đây, việc sử dụng vaccine ngừa bệnh dịch hạch chủ yếu dành cho người đi vào vùng dịch. Hiện nay, Bộ y tế chưa có chỉ đạo sử dụng vaccine đại trà trong cộng đồng để phòng ngừa dịch hạch.

Qua giám sát không thấy dịch lưu hành trên chuột và bọ chét. Tuy nhiên, để chủ động phòng ngừa bệnh dịch hạch, Bộ Y tế đã có khuyến cáo cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch hạch trong đó nhấn mạnh đến việc tổ chức diệt chuột, diệt nơi chuột sinh sống, không để thức ăn để "nuôi" chuột, giám sát các cửa khẩu, giám sát phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tổ chức huấn luyện điều trị bệnh... (xem thêm tại website Cục Y tế Dự phòng www.cdcvn.gov.vn)

maingoclan - ngoclan@yahoo.com - Hà Nội: Ngoài việc diệt chuột bằng bẫy, keo dính, có cách nào khác diệt chuột hiệu quả hơn mà không dùng thuốc diệt chuột hay không? Khu nhà tôi chuột quá chừng mà chưa thấy địa phương xử lý gì cả. Xin bác sĩ hướng dẫn.

ThS.Bs Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Hiện nay, tại các siêu thị có bán các loại hóa chất (được cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) dưới dạng viên kẹo để diệt chuột.

Ảnh: Mai Hải

Buổi giao lưu kết thúc lúc 11 giờ cùng ngày. Cảm ơn độc giả đã tham gia buổi giao lưu.

SGGPO

Tin cùng chuyên mục