TPHCM: Dự trữ 3.464 tỷ đồng hàng hóa để bình ổn thị trường

Chiều 24-8, tại cuộc họp về chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2011 và công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nhâm Thìn 2012, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng khẳng định, sau 4 tháng triển khai, chương trình đã khẳng định được vai trò định hướng, dẫn dắt giá cả, ổn định thị trường với lượng hàng hóa dồi dào, phong phú, đảm bảo khả năng can thiệp để cân đối cung cầu.
TPHCM: Dự trữ 3.464 tỷ đồng hàng hóa để bình ổn thị trường

(SGGP). – Chiều 24-8, tại cuộc họp về chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2011 và công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nhâm Thìn 2012, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng khẳng định, sau 4 tháng triển khai, chương trình đã khẳng định được vai trò định hướng, dẫn dắt giá cả, ổn định thị trường với lượng hàng hóa dồi dào, phong phú, đảm bảo khả năng can thiệp để cân đối cung cầu.

Người tiêu dùng ở TPHCM chọn mua thực phẩm giảm giá tại siêu thị. Ảnh: T. HẢI
Người tiêu dùng ở TPHCM chọn mua thực phẩm giảm giá tại siêu thị. Ảnh: T. HẢI

Ghi nhận tại các chợ đầu mối, các siêu thị cho thấy, đến ngày 24-8, giá bán nhiều mặt hàng đang trong xu hướng ổn định dần. Đại diện các hệ thống siêu thị của TP như Co.opMart, BigC, Lotte Mart, MaxiMark… cho biết, tình trạng các đơn hàng yêu cầu tăng giá bán không còn phổ biến như trước.

Cùng với việc tổ chức tháng 9 - tháng khuyến mãi, góp phần kéo giảm giá cả trong những tháng cuối năm, TPHCM sẽ tiếp tục điều chỉnh linh hoạt giá bán các mặt hàng trong chương trình bình ổn để đủ sức dẫn dắt giá cả thị trường. Đến nay các doanh nghiệp tham gia chương trình đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường trước, trong và sau tết với tổng nguồn vốn là 3.464 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ.

Công việc cụ thể của các sở, ngành cũng như các DN phải thường xuyên rà soát, nắm bắt nhu cầu thị trường, tiếp tục tăng lượng hàng dự trữ hơn nữa để phục vụ thị trường từ nay đến tết. Thành lập các tổ kiểm tra công tác thực hiện bình ổn thị trường, tổ chức phân công nhiệm vụ, phân chia địa bàn và nội dung kiểm tra trong việc tạo nguồn hàng, đưa hàng hóa ra thị trường. Từ nay đến cuối năm, TP tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển thêm các điểm bán hàng tại các KCN-KCX, các huyện vùng xa nhằm đưa hàng bình ổn đến tận tay người tiêu dùng. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo sớm để lãnh đạo TP giải quyết kịp thời. Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng, bình ổn giá đã trở thành một trong những công cụ điều tiết giá hữu hiệu của TP.

Rau củ quả, một trong hơn 500 mặt hàng được giảm giá tại siêu thị BigC An Lạc từ ngày 24-8. Ảnh: THÚY HẢI
Rau củ quả, một trong hơn 500 mặt hàng được giảm giá tại siêu thị BigC An Lạc từ ngày 24-8. Ảnh: THÚY HẢI

Theo Cục Thống kê TPHCM, trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn TPHCM tiếp tục tăng 0,68% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm tới 0,39% so với mức tăng của tháng 7. Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Như vậy, so với mức tăng của TP Hà Nội trong tháng 8, 1,06% và cả nước 0,93%, TPHCM đã trở thành điểm sáng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định an sinh xã hội.

TH. HẢI 

Tin cùng chuyên mục