Định nghĩa nền kinh tế tri thức hiện có nhiều ý kiến, nhưng nói một cách dễ hiểu, kinh tế tri thức là nền kinh tế áp dụng và sử dụng thông tin một cách có ích cho mục tiêu kinh tế - xã hội. TPHCM có điều kiện để xây dựng nền kinh tế tri thức. Vậy làm thế nào để điều đó sớm trở thành hiện thực?
Trong thư viện điện tử Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM). Ảnh: Phương Vy
Tiềm năng dồi dào
Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế thế giới, TPHCM là một thành phố mở, có quan hệ hợp tác rộng rãi với thị trường thế giới, đó là thuận lợi khách quan. Thứ nữa, tiềm lực kinh tế tri thức ở TPHCM là khá lớn. Trước hết, thành phố có nguồn nhân lực quý báu: trên 8 triệu dân và 2 triệu người vãng lai, tập trung lao động công nghiệp đông đảo, tỷ lệ lao động được đào tạo và có tay nghề đạt 70% trong tổng số lao động làm việc, đội ngũ trí thức khoa học kỹ thuật cũng như văn học nghệ thuật đa dạng và đông đảo - chỉ sau thủ đô Hà Nội, lực lượng thanh niên và thiếu niên nhi đồng có trình độ học vấn khá, nhanh nhạy trong tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại và được tổ chức tốt, lực lượng nông dân ngoại thành thường xuyên tiếp cận khoa học kỹ thuật hiện đại và đời sống đã được đô thị hóa. Hệ thống viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và hợp tác với nước ngoài đáp ứng khá đa dạng nhu cầu xã hội. Lực lượng chủ lực và kỳ vọng của nền công nghiệp và kinh tế tri thức trên địa bàn thành phố bao gồm: Các khu chế xuất, khu công nghiệp, đặc biệt là Khu Công nghệ cao và Công viên phần mềm Quang Trung; ngành công nghiệp cơ khí chế tạo và điện tử tự động tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2011-2015 là 8,7%/năm và 10,9%/năm; công nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông tăng trưởng bình quân 2011-2015 là 16,5%/năm.
Lực lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin truyền thông khá đông. Thị trường công nghệ trong nước bắt đầu phát triển, có quan hệ thị trường nước ngoài. Cơ sở vật chất to lớn được tích lũy lâu dài, có một phần hiện đại như hệ thống giao thông, cảng biển, sân bay, hệ thống cấp điện, cấp nước khá thuận tiện, một số chợ truyền thống, hệ thống ngân hàng trong nước và nước ngoài, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại, một số cơ sở văn hóa, thể thao, bệnh viện có uy tín, nhiều khách sạn du lịch tốt.
Chúng ta cần xác định mục tiêu phát triển kinh tế tri thức trong dài hạn ở bốn nội dung. Thứ nhất là khai thác, phát huy tiềm lực kinh tế tri thức của thành phố, kết hợp tranh thủ những giá trị tiên tiến của hội nhập toàn cầu để hiện đại hóa nền kinh tế thành phố và hiện đại hóa đô thị, xây dựng đô thị thông minh. Thứ hai, xây dựng 4 trụ cột của nền kinh tế tri thức và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố. Thứ ba, thúc đẩy vùng kinh tế động lực phía Nam và nền sản xuất nông nghiệp Nam bộ, Nam Tây Nguyên tái cấu trúc theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh và tích cực, chủ động hội nhập ASEAN và thế giới. Thứ tư, gắn sản xuất với nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực. Phổ cập đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đại học, quan tâm đào tạo nhân tài mọi lĩnh vực hoạt động xã hội. Trên những mục tiêu vừa nêu, thành phố cần làm thử nghiệm một mô hình kinh tế tri thức với quy mô nhỏ.
Các yếu tố trụ cột
|
Trên cơ sở đó, cần những giải pháp đột phá nào để thực hiện? Theo tôi, đầu tiên là thực hiện nông nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với tái cấu trúc nông nghiệp. Tích cực vận động tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tổ chức lại hộ nông dân ngoại thành nhằm nâng trình độ sản xuất, hình thành vùng chuyên canh, chuyên môn hóa, tăng năng suất lao động và ứng dụng phổ biến khoa học công nghệ, đặc biệt ứng dụng kinh tế tri thức và kinh tế xanh để cuối cùng hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao. Thứ hai, tiến hành hiện đại hóa công nghiệp, dịch vụ theo hướng kinh tế tri thức bằng cách:
- Tin học hóa, tự động hóa và đổi mới công nghệ hệ thống các ngành công nghiệp, dịch vụ. Trước hết, chọn lựa một tập hợp ngành được xem là chủ lực hoặc có sản phẩm chủ lực để hình thành hạt nhân vững mạnh của nền kinh tế rồi mở rộng dần ra.
- Phát triển mới những ngành công nghiệp mới và công nghệ cao như: Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, phục vụ sức khỏe con người, xử lý môi trường... Công nghệ năng lượng tái tạo, cùng với phương thức sản xuất tiết kiệm vật chất có hiệu quả là thước đo sự thâm nhập của kinh tế tri thức vào sản xuất và đời sống. Công nghiệp công nghệ vật liệu, công nghệ nano phục vụ cho nhiều ngành lĩnh vực khoa học công nghệ hiện đại.
- Kinh tế xanh: Hướng đến cải thiện đời sống con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu những hiểm họa môi trường và tình trạng khan hiếm tài nguyên. Kinh tế xanh cũng là một nội dung của kinh tế tri thức, nhất là những công nghệ xanh làm cho sản xuất sử dụng tài nguyên ít hơn, hoặc thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, loại dần hiểm họa môi trường. Một nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh là hướng phát triển tiên tiến của thế giới ngày nay.
- Phát triển sản phẩm văn hóa nghệ thuật thành những ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Khai thác vốn văn hóa tinh thần quý báu của dân tộc thành lực lượng vật chất trong đời sống xã hội ngày nay, thành sản phẩm kinh tế tri thức vừa phục vụ rộng rãi đời sống văn hóa tinh thần của đông đảo quần chúng vừa nâng cao dân trí và giác ngộ truyền thống yêu nước cho nhân dân, đồng thời xuất khẩu giới thiệu đất nước, con người Việt Nam cho thế giới.
Để phát triển nền kinh tế tri thức cần triển khai đồng bộ các yếu tố trụ cột: đổi mới thể chế, đổi mới công nghệ, phát triển giáo dục và phát triển công nghệ thông tin - viễn thông như kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới. Đồng thời với tái cấu trúc và đổi mới công nghệ cho nền kinh tế, cần phát triển mới một số ngành công nghệ cao, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ vững chắc lâu dài, tạo nền tảng hướng tới phát triển hệ thống sáng tạo. Phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin - viễn thông cả phần cứng, phần mềm và dịch vụ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông. Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông với công nghệ thế hệ mới và một số trung tâm truyền thông đa phương tiện.
Kinh tế tri thức là một nền kinh tế khác với kinh tế hàng hóa hiện nay, cho nên thể chế quản lý điều hành phải thay đổi phù hợp. Trong đổi mới thể chế thì xây dựng chính phủ điện tử có ý nghĩa then chốt để phát triển kinh tế tri thức. Muốn xây dựng thành công chính phủ điện tử phải đồng thời đào tạo, đào tạo lại cán bộ công chức và cải cách thể chế điều hành quản lý nhà nước, cũng như xây dựng không gian kinh tế xã hội bao gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật cứng và mềm (môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, chính sách kinh tế, chính sách xã hội...). Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục sẽ tạo ra năng lực mới cho nền kinh tế và nền tảng vững chắc cho xã hội. Trong quá trình đổi mới đó, cần chú ý một mặt tăng cường giáo dục công nghệ thông tin - viễn thông trong trường học, mặt khác phải kiên trì phổ cập tin học cho nhân dân, hình thành mạng lưới các trung tâm tin học ở cơ sở.
Có thể nói rằng, nếu kinh tế tri thức “là nền kinh tế mà việc sản sinh ra và khai thác tri thức có vai trò nổi trội trong quá trình tạo ra của cải” thì trong thực tế kinh tế nước ta, nhất là ở TPHCM đã bắt đầu đi vào nền kinh tế tri thức. Vì vậy, cần đánh giá đầy đủ tình hình và những điều kiện để thúc đẩy thành phố triển khai hoạt động hướng đến nền kinh tế tri thức mạnh mẽ hơn nữa, một cách quy củ, tập trung và hiệu quả.
PHẠM CHÁNH TRỰC