TPHCM: Kè xây không kịp lở

Sống trong “thấp thỏm”
TPHCM: Kè xây không kịp lở

Theo số liệu của Khu Đường sông (thuộc Sở GTVT TPHCM), hiện trên địa bàn thành phố có 50 điểm bờ sông có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão. Trong khi đó, số lượng công trình, dự án chống sạt lở bờ sông được triển khai xây dựng lại hết sức hạn chế. Như vậy, nguy cơ nhiều vườn tược, nhà dân… bị cuốn xuống sông là điều khó tránh khỏi khi TP bước vào mùa mưa.

Sạt lở bờ sông tại bán đảo Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh. Ảnh: Kim Ngân

Sạt lở bờ sông tại bán đảo Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh. Ảnh: Kim Ngân

Sống trong “thấp thỏm”

Những ngày giữa tháng 6, tại khu vực cầu Hiệp Phước về phía hạ lưu thuộc ấp 1 xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè dù đã có hệ thống bờ kè bảo vệ bờ sông nhưng đang bị xói lở. Còn phía thượng lưu, dọc hai bên bờ sông tình trạng hàm ếch khoét sâu vào bờ rất nguy hiểm.

Tương tự, tại khu vực cầu Mương Chuối thuộc ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, hệ thống bờ sông cũng bị xói mòn và xuất hiện hàm ếch khoét sâu vào bên trong. Tại đây, một số nhà dân sống gần bờ, tường và nền nhà xuất hiện tình trạng rạn nứt, lún sụt có thể bị “trôi” xuống sông bất cứ lúc nào.

Điều đáng nói, những khu vực này thường xuyên có tàu, thuyền loại lớn lưu thông nên tạo sóng lớn đánh dạt gây hư hại bờ sông. Bên cạnh đó, dọc hai bên bờ sông hiện tồn tại các điểm tập kết vật liệu xây dựng tạo gia tải nặng kết hợp với việc tàu, ghe ra vào neo đậu bốc dỡ hàng hóa vật liệu dễ làm sạt lở.

Chủ căn nhà số 399, đường Nguyễn Bình, ấp 1 xã Nhơn Đức huyện Nhà Bè, lo lắng: “Tình trạng bờ sông bị xói mòn xảy ra nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn không thấy cơ quan chức năng xây dựng bờ kè bảo vệ khiến bờ sông ngày càng bị xâm thực, tường và nền nhà rạn nứt, lún sụt nên chỉ cần một tác động nhỏ là có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Do đó, cứ đến mùa mưa bão chúng tôi “ăn không ngon, ngủ không yên” lo nhà bị cuốn trôi xuống sông”.

Dù nguy cơ sạt lở bờ sông ở những khu vực tập trung đông dân cư trên địa bàn TP rất cao, nhưng hiện nay số lượng công trình, dự án chống sạt lở được triển khai xây dựng trên địa bàn TP lại hết sức hạn chế, một số dự án triển khai lại chậm tiến độ do thiếu vốn và vướng mặt bằng.

Chẳng hạn như dự án chống sạt lở khu vực kênh Thanh Đa. Vì vậy, để đối phó với tình trạng sạt lở, người dân ở những khu vực nói trên đành phải dùng các phương pháp thủ công như nạo vét các tuyến kênh mương, gia cố bờ sông bằng cách đóng cừ dừa, cừ tràm…

Nghiên cứu công nghệ mới xử lý sạt lở

Trước tình trạng trên, đầu tháng 6 vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành quyết định về quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn TP.

Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành có trách nhiệm phối hợp khảo sát các khu vực có nguy cơ sạt lở và phân loại mức độ để xử lý theo thứ tự ưu tiên. Tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh biết và chủ động phòng tránh. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án kè bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, biển. Nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

Tăng cường quản lý, kiểm tra việc cấp phép xây dựng các bến, bãi tập kết, kinh doanh vật liệu; yêu cầu các chủ bến, bãi cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn bờ sông, kênh, rạch, biển, tránh gây sạt lở do việc lưu thông và neo đậu của các phương tiện vận chuyển vật liệu. Xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát lòng sông trên địa bàn TP trái phép, không phép, nhất là các điểm nóng trên tuyến sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Kiểm tra các trường hợp xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển.

Lập quy hoạch di dời, sắp xếp các khu dân cư, công trình kiến trúc, kho tàng ra ngoài các khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, bờ biển theo quy định. Triển khai thực hiện đề án trồng cây chống xói lở bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển.

Quốc Hùng - Đình Lý

Tin cùng chuyên mục