TPHCM kiến nghị chính sách tăng hiệu quả đầu tư giáo dục

TPHCM sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng 86 dự án trường học theo hình thức hợp tác công - tư. Mỗi dự án có vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng.

Sở GD-ĐT TP HCM vừa có báo cáo gửi UBND TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35NQ-CP (ngày 4-6-2019) của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Chưa huy động tổng thể nguồn lực phát triển giáo dục - đào tạo

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, ngân sách dành cho giáo dục được xem xét ưu tiên tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố.

Tính đến năm học 2022-2023, thành phố có 2.716 cơ sở giáo dục đào tạo, trong đó 1.467 đơn vị công lập và 1.249 đơn vị ngoài công lập; 35 trường có vốn đầu tư nước ngoài (gồm 19 trường phổ thông nhiều cấp học, 2 trường tiểu học và 14 trường mầm non).

Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình) được xây mới và đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình) được xây mới và đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, các trường phổ thông có yếu tố nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường học tập tốt cho con, em người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến Việt Nam công tác hoặc làm việc, góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và sự phát triển của thành phố.

Qua thống kê, số doanh nghiệp tham gia lĩnh vực giáo dục đào tạo ngoài công lập năm 2023 là 173 doanh nghiệp.

Ngoài ra, đối với việc phát triển xã hội hóa giáo dục mầm non ở địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp, toàn thành phố có 4 trường mầm non ngoài công lập và 24 trường mầm non ở vị trí liền kề và bên trong khuôn viên các khu chế xuất, khu công nghiệp đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, phục vụ giữ trẻ là con công nhân đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và cả trẻ của các hộ dân địa phương.

Các cơ sở này cơ bản đáp ứng được nhu cầu gửi con cho con em công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đánh giá công tác huy động nguồn lực của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo, Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, với định hướng khuyến khích xã hội hóa giáo dục và nỗ lực thực hiện của các địa phương, hệ thống giáo dục từ mầm non đến THPT, GDTX, giáo dục nghề nghiệp và đại học ngoài công lập hiện đạt những kết quả nhất định, góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi ra lớp, phổ cập giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, nhận thức về xã hội hóa ở một bộ phận cán bộ, nhân dân còn chưa đầy đủ, tốc độ xã hội hóa còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa huy động được tổng thể các nguồn lực để phát triển giáo dục và đào tạo.

Hiện nay, nhu cầu học tập của người dân thành phố rất lớn, đòi hỏi nhiều loại hình đa dạng nhưng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng còn hạn chế.

Cùng với đó, chế độ chính sách chưa đồng bộ, thiếu và chậm hướng dẫn cụ thể, cơ chế hoạt động của các trường công lập chưa cho phép phát huy hết khả năng tích cực và sáng tạo của cơ sở và giáo viên.

Trong đó, cơ chế tự chủ nhà trường về tài chính, học phí, tuyển dụng... chưa tạo được động lực lớn để phát triển. Các cơ sở ngoài công lập tuy tăng nhanh về số lượng, nhưng nhìn chung quy mô còn nhỏ bé, cơ sở vật chất còn hạn chế, phát triển không đồng đều. Thủ tục đầu tư còn phức tạp, bất cập, gây khó khăn cho quá trình vận động đầu tư, giới thiệu dự án và đàm phán cụ thể…

Hiện nay, tâm lý người dân vẫn trông chờ vào sự chăm lo của nhà nước, chưa tin tưởng chất lượng của hệ thống trường ngoài công lập.

Học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) trong một tiết học

Học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) trong một tiết học

Kiến nghị chính sách tăng hiệu quả đầu tư giáo dục

Tới đây, TPHCM sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng 86 dự án trường học theo hình thức hợp tác công - tư. Mỗi dự án có vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa trong giáo dục và đào tạo, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch sử dụng đất vào mục đích làm cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT bổ sung hướng dẫn thủ tục giải quyết các trường hợp chuyển địa điểm, chủ trường, chủ nhóm lớp theo nhu cầu thực tế phát sinh trong quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; đồng thời xem xét điều chỉnh quy định tiêu chuẩn về cơ sở vật chất trường học đối với các khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế.

Tin cùng chuyên mục