Cầu nối liên vùng
Trước thềm năm mới 2024, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khánh thành, nối liền cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa 2 đô thị lớn nhất phía Nam là TPHCM và Cần Thơ.
Cần Thơ cũng là điểm nút kết nối 2 cao tốc mới của đồng bằng đang thi công là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, kéo miền Tây gần với TPHCM hơn. Câu hát “Cà Mau xa lắm” sẽ là hoài niệm. Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và vùng ven biển phía Tây với U Minh Thượng của bán đảo Cà Mau sẽ gần nhau hơn, với tuyến cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và các tuyến N1, N2.
Giao thông là mạch máu nền kinh tế, tạo ra không gian thông suốt để thực thi liên kết vùng. Các tuyến cao tốc, đại lộ đồng bằng đã, đang và sẽ hoàn thành chính là trục xương sống của vùng. Bức tranh giao thông miền Tây đang sáng lên không chỉ có đường cao tốc, mà còn là hệ thống trục dọc, đường ngang, đường vành đai ven biển phía Đông, phía Tây, nhiều cầu vượt sông lớn nối những bờ sông xanh.
Một trong những ấn tượng đổi thay trên đất Chín Rồng nửa thế kỷ qua, là hình ảnh những chiếc cầu lớn sừng sững vượt sông như những “chiếc đũa vàng” nối mạch Cửu Long Giang. Cầu Cần Thơ, Mỹ Thuận, rồi Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu, sắp tới là Rạch Miễu 2, cầu Cao Lãnh, Hàm Luông, Đầm Cùng, Năm Căn và những cây cầu mới Châu Đốc, Đại Ngãi… đang vượt sông. Cùng với hệ thống đường thủy, hàng hải và hàng không với 2 sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đang nối lại các đường bay trong năm mới và 2 sân bay nội địa là Rạch Giá và Cà Mau.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang sáng lên với 4 hành lang phát triển vùng: Hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An; hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu; hành lang kinh tế ven biển từ Long An, Cà Mau đến Kiên Giang, và hành lang biên giới từ Long An đến Kiên Giang. Các hành lang này kết nối với 4 khu vực phát triển động lực với TP Cần Thơ trung tâm vùng; Tứ giác động lực Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long; các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với hệ thống các đô thị loại I có vai trò trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành của vùng, tiểu vùng và phát triển Phú Quốc gắn kết với hệ thống đô thị ven biển, đô thị đảo để trở thành một cực phát triển kinh tế biển quan trọng trong không gian biển quốc gia.
Một “cầu nối liên vùng” mới đang khởi động với đề xuất gần 10 tỷ USD làm đường sắt TPHCM - Cần Thơ, dài 174km đi qua 6 địa phương: TPHCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Theo đó, nhà đầu tư đề xuất phát triển đồng bộ 12 khu đô thị ga dọc tuyến theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).
TPHCM và ĐBSCL vốn gắn bó máu thịt từ trong lịch sử hình thành và phát triển, luôn có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước. Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TPHCM, xác định TP chủ động thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu trong liên kết phát triển, nhằm thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL và các khu vực. Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cũng đang mở ra kỳ vọng cho đầu tàu kinh tế cả nước. Cần Thơ cũng đang triển khai thí điểm 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội.
Đi tìm nguồn lực mới
Kỳ vọng trước một không gian phát triển mới, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những thách thức về tiềm năng, lợi thế của TPHCM và ĐBSCL chưa được khai thác hiệu quả nhất. Trong thời gian dài vùng ĐBSCL phát triển phân tán, chủ yếu khai thác tài nguyên thiên nhiên; vẫn là vùng trũng về cơ sở hạ tầng, lại bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các thách thức từ tài nguyên nước sông Mê Kông. Việc huy động, bố trí, sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển chưa hiệu quả.
Thời gian qua, hợp tác TPHCM – ĐBSCL đã đạt được những kết quả tích cực, có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, các thỏa thuận liên kết còn chung chung, dàn trải, nặng hình thức, nhiều cam kết, hứa hẹn, chưa có cơ chế vận hành thường xuyên và phối hợp thực chất. Các liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực hay phát triển công nghiệp hỗ trợ; chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành.
Thời gian tới, liên vùng và liên kết giữa TPHCM với ĐBSCL cần ưu tiên cho mục tiêu phát triển chung, phát huy lợi thế so sánh của nhau. 3 vấn đề cốt lõi cần được ưu tiên là tạo ra không gian phát triển mới, tổ chức huy động nguồn lực mới và phát huy nguồn lực con người. Cần hoàn thiện thể chế liên kết vùng bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi. Bởi lẽ sự năng động của TPHCM trong quá khứ và hiện tại, việc khai thác nguồn lực đầu tư là mô hình tốt cho các địa phương khác. Kỳ vọng với mô hình phát triển mới của TPHCM thông qua NQ98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, “Con tàu 98” TPHCM sẽ là động lực tăng tốc cho thời kỳ mới.