Theo thống kê từ các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TPHCM, tính đến hết quý 1-2014, tổng nợ xấu trên địa bàn là 46.403 tỷ đồng, chiếm 4,85% tổng dư nợ. So với cuối năm 2013, nợ xấu tăng 1.705 tỷ đồng. Trước sức ép về việc nợ xấu sẽ tăng khi áp dụng Thông tư 02/2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD từ ngày 1-6-2014, PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM xung quanh vấn đề này.
Không phải tất cả nợ được cơ cấu là nợ xấu
- Phóng viên: Xin ông cho biết nguyên nhân phát sinh nợ xấu trong thời gian qua và tiến độ xử lý nợ xấu trên địa bàn TP hiện nay?
>> Ông NGUYỄN HOÀNG MINH: Nguyên nhân phát sinh nợ xấu thời gian qua là do khó khăn chung của nền kinh tế dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị thua lỗ, không trả được nợ vay ngân hàng. Đến cuối tháng 3-2014, trong 46.403 tỷ đồng nợ xấu trên địa bàn TP, hiện đã xử lý được 3.534 tỷ đồng. Trong đó, thu nợ xấu bằng tiền là 910 tỷ đồng; sử dụng quỹ dự phòng rủi ro 501 tỷ đồng; bán tài sản đảm bảo để thu nợ là 141 tỷ đồng; bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là 487 tỷ đồng; xử lý qua các kênh khác như chuyển nợ sang công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của TCTD (AMC), chuyển thành vốn góp, cơ cấu lại nợ theo QĐ 780 của NHNN là 1.490 tỷ đồng. Như vậy, việc xử lý này vẫn đảm bảo tiến độ xử lý nợ xấu trên địa bàn TP.
- Như vậy, trong tổng số nợ xấu đã được xử lý, nếu không được cơ cấu lại nợ theo QĐ 780 thì số nợ xấu cao hơn rất nhiều? Có ý kiến cho rằng, số nợ được cơ cấu lại thì bản chất nó vẫn là nợ xấu khi hết thời hạn được cơ cấu. Ông nhận xét gì về vấn đề này?
Hiện tổng số nợ đã được cơ cấu lại theo QĐ 780 trên địa bàn TPHCM lũy kế đến nay khoảng 200.000 tỷ đồng. Nếu không thực hiện cơ cấu lại nợ theo QĐ 780 thì nợ xấu trên địa bàn tương đương khoảng 9% trên tổng dư nợ.
Liên quan đến cơ cấu nợ, theo tôi, không phải tất cả số nợ được cơ cấu đều sẽ là nợ xấu trong tương lai sau khi hết thời hạn được cơ cấu. Việc cơ cấu theo QĐ 780 được các TCTD thực hiện rất chặt chẽ dưới sự giám sát của NHNN và chỉ thực hiện cơ cấu lại nợ một lần đối với những DN có khả năng trả nợ. Việc này không chỉ giúp các TCTD giảm nợ xấu mà cũng góp phần hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, không phải chịu lãi phạt quá hạn và được tiếp tục vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Thực tế, nhiều DN được cơ cấu nợ đã vượt qua khó khăn và trả được nợ cho ngân hàng. Hơn nữa, số nợ mà các DN được cơ cấu thời gian trả nợ chủ yếu nằm ở nhóm 1 và nhóm 2 (nhóm nợ tốt và nợ quá hạn nhưng cũng có thể trở thành nợ xấu khi không trả nợ đúng hạn và tùy đánh giá của TCTD - PV) nên không hẳn sau khi hết thời hạn cơ cấu sẽ hoàn toàn là nợ xấu.
- Thông tư 02 đã được Thống đốc NHNN quyết định áp dụng từ tháng 6-2014, liệu nợ xấu có tiếp tục tăng lên hay không?
Tôi cho rằng khi áp dụng Thông tư 02, nợ xấu có thể sẽ tăng vì thông tư này quy định việc phân loại nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, khi áp dụng Thông tư 02, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung Thông tư 02 cho phép các TCTD tiếp tục gia hạn việc cơ cấu lại nợ cho các DN cho đến ngày 1-4-2015. Việc này cũng sẽ giúp hạn chế nợ xấu gia tăng. Tôi cho rằng, con số nợ xấu bao nhiêu không quan trọng, vấn đề là làm sao để tăng sức cầu của nền kinh tế và giảm tồn kho. Nếu sức cầu tăng, giải phóng được hàng tồn kho, DN sẽ có điều kiện trả nợ ngân hàng, có cơ sở vay vốn trở lại để sản xuất kinh doanh, lúc đó nợ xấu sẽ giảm. Theo tôi, đây mới là chìa khóa để giải quyết vấn đề nợ xấu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh xử lý nợ xấu qua kênh VAMC
- Ông có thể cho biết giải pháp xử lý nợ xấu trên địa bàn TPHCM hiện nay và thời gian sắp tới như thế nào?
Hiện các TCTD đang tiếp tục cơ cấu lại nợ, tiếp tục hỗ trợ vốn tín dụng cho khách hàng vay phục hồi sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu qua VAMC đồng thời tăng chất lượng tín dụng và đang hoàn thiện một số cơ chế, chính sách để tiếp tục giải quyết cũng như hạn chế nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, giải pháp chủ yếu hiện nay vẫn sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để giải quyết nợ xấu, phối hợp với khách hàng để thu nợ bằng tiền từ các khoản nợ xấu và đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho VAMC vì việc giải quyết nợ xấu liên quan đến tài sản bảo đảm, bất động sản theo quy trình hiện nay phải mất từ 2 - 3 năm.
- Ông nhận định gì về việc có ý kiến cho rằng, việc các ngân hàng bán nợ cho VAMC chỉ là cách chuyển nợ xấu cho công ty này nhằm “làm đẹp” con số nợ xấu trên sổ sách?
Tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 7-2013 nhưng đến cuối tháng 12-2013, VAMC đã mua được tổng số nợ xấu của các TCTD 39.307 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% - 50% nợ xấu của các TCTD. Riêng tại TPHCM, từ đầu năm đến nay, các TCTD đã bán cho VAMC được 5.000 tỷ đồng nợ xấu, lũy kế đến nay, VAMC đã mua nợ xấu của các TCTD tại TP tổng cộng khoảng 13.000 tỷ đồng. Con số này đã góp phần rất tích cực cho các TCTD xử lý nợ xấu nhằm tạo thanh khoản cho hoạt động của mình, giúp các ngân hàng giải quyết được “cục máu đông” tín dụng. Quá trình này cũng sẽ hỗ trợ rất lớn đối với các TCTD nhằm lành mạnh hóa tài chính, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện khơi thông vốn trong toàn bộ nền kinh tế. Năm 2014, dự kiến VAMC sẽ mua khoảng 100.000 tỷ - 150.000 tỷ đồng nợ xấu từ các TCTD trên toàn hệ thống.
- Kế hoạch giải quyết nợ xấu trên địa bàn TPHCM từ nay đến cuối năm như thế nào?
Mặc dù nợ xấu là quá trình đòi hỏi phải có thời gian và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ cơ chế chính sách liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm nợ vay, thủ tục thi hành án đến môi trường kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, so với những năm trước đây, đã xuất hiện các yếu tố thuận lợi hơn trong quá trình xử lý. Cụ thể như hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã từng bước củng cố và hoạt động ổn định, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất gắn liền với quá trình tái cơ cấu. Đến nay, 11/14 ngân hàng TMCP có trụ sở chính tại TPHCM đã được Thống đốc NHNN phê duyệt phương án cơ cấu lại giai đoạn 2013 - 2015. Lộ trình tái cơ cấu ngân hàng trên địa bàn đã được các TCTD triển khai rất tích cực. Các TCTD cũng đã có các giải pháp và hành động cụ thể, chủ động hơn đối với quá trình xử lý nợ xấu. Hoạt động mua bán nợ của VAMC đã và đang phát huy hiệu quả sẽ góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu… Với những giải pháp cùng với các điều kiện thuận lợi như đã nêu, NHNN sẽ phấn đấu để đẩy lùi nợ xấu trên địa bàn TPHCM xuống còn trên dưới 3% vào cuối năm nay.
HẠNH NHUNG thực hiện