TPHCM nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Ngày 6-4 tại TPHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TPHCM và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Liên minh Tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA) tổ chức hội nghị “Phối hợp hành động tạo thuận lợi thương mại”.
TPHCM nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

 (SGGP)- Ngày 6-4 tại TPHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TPHCM và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Liên minh Tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA) tổ chức hội nghị “Phối hợp hành động tạo thuận lợi thương mại”.

TPHCM nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư ảnh 1

Sản xuất tại một doanh nghiệp FDI

Tại hội nghị, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc VCCI tại TPHCM, cho biết TPHCM đứng vị trí số 6 về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tụt 2 hạng so với năm 2014. Trong mục tiêu phấn đấu năm 2016, thành phố đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nằm trong tốp 5 tỉnh có năng lực cạnh tranh cao nhất nước. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ còn rất nhiều vấn đề cần phải cải thiện.

Cụ thể, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức; có một “nhạc trưởng” trong cải cách các thủ tục hành chính như một trung tâm phục vụ hành chính công; cán bộ phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào xây dựng chính phủ điện tử, có như vậy mới nâng cao được cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí đi lại và các tiêu cực phí; tăng cường tuyên truyền về tác động của các hiệp định thương mại tự do để doanh nghiệp nắm rõ. Việc tuyên truyền cần được phổ biến theo hiệp hội, từng ngành hàng. Đặc biệt, tăng cường tính liêm chính, minh bạch trong việc thực thi pháp luật. Về phía doanh nghiệp (DN) cũng phải liêm chính, nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên chuyên trách, nắm vững luật để cán bộ thực thi công vụ không thể bắt bẻ và nhũng nhiễu; không tạo điều kiện và đưa phí bôi trơn cho cán bộ nhũng nhiễu, đồng thời thông báo ngay cho các cơ quan chức năng và đường dây nóng để xử lý những cán bộ có thái độ nhũng nhiễu DN.

Ngoài ra, để hỗ trợ tốt cho các DN tận dụng được lợi thế từ hiệp định thương mại, tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các cơ quan nhà nước, DN cần đầu tư đáng kể thời gian và chuyên môn để thực hiện phân tích từng sản phẩm, quy trình sản xuất và nguyên liệu để xác định tình trạng của hàng hóa theo quy tắc cụ thể của từng hiệp định; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thương mại của các DN FDI và các nhà cung ứng trong nước, nhằm xác định các cơ hội cho DN Việt Nam trở thành nhà cung ứng của các DN FDI; xây dựng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, thực hiện khảo sát về các DN FDI để xác định cụ thể những loại nguyên liệu và hàng hóa trung gian mà các nhà sản xuất trong nước có thể cung cấp cho DN FDI; thành lập trung tâm thông tin thương mại để cung cấp thông tin cho các nhà xuất khẩu trong nước. Các trung tâm này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nghiên cứu thị trường xuất khẩu, nhằm xác định các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường nước ngoài để tư vấn hỗ trợ cho DN trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục