Mặc dù phải chống chọi với tình hình suy giảm kinh tế kéo dài, nhưng cả 4 ngành công nghiệp trọng yếu tarên địa bàn TPHCM vẫn tăng dần tỷ trọng, đồng thời nâng cao chất lượng ngang tầm quốc tế và góp phần bình ổn thị trường.
Thu hút nhiều dự án công nghệ mới
Theo Sở Công thương TPHCM, bình quân 2 năm 2011-2012, ngành công nghiệp cơ khí trên địa bàn đạt mức tăng trưởng 13,4%, tuy thấp hơn giai đoạn 2006 - 2010 nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của công nghiệp thành phố. Do đó, tỷ trọng ngành cơ khí giữ vững được xu hướng tăng cao dần từ 15,3% (năm 2005) lên 17,1% (năm 2012) trong cơ cấu ngành công nghiệp thành phố.
Đáng chú ý, cơ khí được xác định là một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu, có vai trò lớn (chiếm 20% - 21% giá trị gia tăng trong công nghiệp) trong kinh tế nói chung và công nghiệp TP nói riêng. Trong đó, ngành cơ khí chế tạo đang thu hút được những dự án đầu tư lớn sử dụng thiết bị, công nghệ mới như: cơ khí tự động CNC, NC... kết hợp với phần mềm điều khiển, thiết kế, tính toán tự động: PLC, Simetic, SAP... ứng dụng trong sản xuất, chế tạo.
Đặc biệt, trong lĩnh vực cơ khí khuôn mẫu, các công nghệ tiên tiến gồm: công nghệ đúc mẫu chảy, công nghệ nhựa Furan… đã được ứng dụng phổ biến để sản xuất thay thế hàng nhập khẩu. Sản phẩm làm ra có chất lượng ổn định, giá thành khoảng 50% - 70% sản phẩm nhập khẩu cùng loại cung cấp cho các ngành chế biến thực phẩm, xay xát, bào chế dược phẩm...
Tương tự, ở ngành công nghiệp hóa chất, trong giai đoạn 2011 - 2012, giá trị sản xuất ngành hóa chất tăng 8,8%, thấp hơn bình quân giai đoạn 2006 - 2010 (đạt 14,3%/năm) do những khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ trọng ngành hóa chất trong công nghiệp thành phố vẫn tiếp tục tăng từ 18,1% (năm 2005) lên 20% (năm 2012) nhờ có tốc độ tăng trưởng cao hơn toàn ngành công nghiệp. Chiếm khoảng 39% - 45% sản lượng cả nước, công nghiệp hóa chất thành phố đã và đang phát triển theo hướng bảo vệ môi sinh, môi trường và nâng cao giá trị gia tăng.
Thiết bị, công nghệ mới (tháp sấy phun công suất lớn, tẩy quang học, đóng gói tự động,…) trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm như: bột giặt, chất tẩy rửa, kem dưỡng da, nước xả vải… không ngừng được đầu tư cải tiến và được đánh giá ngang hàng với các nước trong khu vực. Nhiều sản phẩm mới như sơn chống thấm; sơn tàu biển, giàn khoan; sơn chịu nhiệt, ắc quy khô, bột giặt có chứa chất tẩy natri tripolyphôtphát, chất tẩy quang học, enzym…) đã được nghiên cứu và sản xuất. Các sản phẩm săm lốp xe máy, ô tô không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu.
Tạo nguồn hàng, ổn định kinh tế
Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Văn Lai cho biết, 2 trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP là công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin và chế biến lương thực tinh, thực phẩm cũng đang có nhưng chuyển biến đáng kể.
Cụ thể, tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn nhưng ngành điện tử - công nghệ thông tin thành phố chiếm lĩnh trên 27% thị trường cả nước. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 4,6%/năm trong 2 năm 2011 - 2012, thấp hơn giai đoạn 2006 - 2010 (tăng 13,2%/năm), thấp hơn toàn ngành (tăng 8,06%), tỷ trọng ngành điện tử - công nghệ thông tin đạt 3,6% (năm 2012), thấp hơn mức 3,9% của năm 2010 nhưng vẫn cao hơn mức tỷ trọng 3,5% đạt được trong năm 2005.
Với sự chuẩn bị về hạ tầng, Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao thành phố đã thu hút được nhiều dự án lớn của các tập đoàn quốc tế như Intel, Nidec... sản xuất sản phẩm bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử. Ngoài ra, TP còn thu hút được nhiều dự án sản xuất, gia công phần mềm, sản xuất sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời thay thế năng lượng điện (pin năng lượng mặt trời, thiết bị chiếu sáng, thiết bị gia dụng…) lắp đặt trong các tòa nhà thông minh nhằm hưởng ứng chủ trương tiết kiệm năng lượng.
Đối với ngành công nghiệp chế biến tinh lương thực, thực phẩm - một trong những ngành công nghiệp chủ lực, chiếm hơn 22% giá trị sản xuất trước đây phần lớn là gia công, sơ chế sản phẩm. Tuy nhiên, từ năm 2006, thành phố đã định hướng phát triển ngành theo hướng đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, sản xuất sản phẩm tinh chế, chất lượng cao, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng lớn. Do đó, tốc độ tăng trưởng sản xuất có xu hướng chậm dần: giai đoạn (2006 - 2010) đạt 8,9%/năm và 2 năm gần đây tăng bình quân 8,5%; tỷ trọng cũng có xu hướng giảm dần và được giữ vững ở mức 16% - 16,5% trong cơ cấu công nghiệp thành phố.
“Trong đầu tư, thành phố cũng đã hạn chế cấp phép các dự án đầu tư theo chiều rộng; khuyến khích các dự án đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị và ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm chế biến sâu, chế biến tinh, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất để đa dạng hóa mặt hàng, tăng sản lượng, phẩm chất và giảm giá thành sản phẩm. Qua đó, nhiều dây chuyền công nghệ tự động được đưa vào sản xuất, cho ra đời các sản phẩm chất lượng cao, giá thành phù hợp”, ông Nguyễn Văn Lai phân tích. Trên thực tế, các thương hiệu Việt dần chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu như Vinamilk, Kinh Đô, Phạm Nguyên, Hanco, Bia Saigon, Vocarimex, Tường An, Vissan, Ba Huân, Huỳnh Gia Huynh Đệ…
Ngoài sự phát triển của ngành, 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói trên của TP còn góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn hàng, bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định đời sống của nhân dân.
LẠC PHONG - THẢO TIÊN