Phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM “Nâng chất ngang tầm quốc tế” (Báo SGGP ngày 9-9-2013) là kết quả của quá trình chuyển dịch cơ cấu với hàng loạt chính sách đã đi vào cuộc sống. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cộng đồng doanh nghiệp và góp chung vào tốc độ phát triển của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn.
Tăng hiệu quả ứng dụng công nghệ mới
Theo Sở Công thương TPHCM, mặc dù trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhưng tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP vẫn ổn định, chuyển dịch tích cực. Cụ thể, năm 2001, 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 54,9%, đến năm 2006 chiếm 54,5%, năm 2011 chiếm 55,8% và năm 2012 chiếm 57,3% về tỷ trọng công nghiệp TP.
Đáng chú ý, các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố đều đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp khá qua các năm như: năm 2011, ngành cơ khí tăng 13,3%, ngành điện tử - công nghệ thông tin tăng 4,5%, ngành hóa chất - cao su - nhựa tăng 8,6%, ngành chế biến lương thực thực phẩm tăng 8,5% so với cùng kỳ; tính chung 4 ngành tăng 9,6% so với năm 2010. Qua năm 2012, 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 8,2% so với năm 2011, cao hơn mức tăng toàn ngành (tăng 5,4%). Trong đó, các nhóm ngành sản xuất thiết bị điện, điện tử và linh kiện công nghệ thông tin thuộc nhóm ngành tăng trưởng nhanh nhất của TP. Nhiều công nghệ mới, tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất công nghiệp. Tương tự, các ngành công nghệ kỹ thuật cao cũng bắt đầu tăng trưởng mạnh. Tính đến năm 2012, doanh thu từ ngành công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 86.000 tỷ đồng, tăng 63% so năm 2011, trong đó doanh thu từ công nghiệp phần mềm ước đạt 8.000 tỷ đồng, doanh thu từ công nghiệp phần cứng ước đạt 78.000 tỷ đồng (tăng 90% so năm trước). Điển hình trong đóng góp chủ yếu vào tăng doanh thu của công nghiệp phần cứng là doanh thu từ nhà máy của Công ty Intel Việt Nam (tính đến hết tháng 10-2012, doanh thu của nhà máy Intel Việt Nam đạt trên 1,4 tỷ USD, tương đương 28.112 tỷ đồng). Tại khu công nghệ cao, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao tăng mạnh qua các năm: đạt 53,8 triệu USD (năm 2007), 131 triệu USD (năm 2008), 259 triệu USD (năm 2009), 500 triệu USD (năm 2010) và 1.000 triệu USD (năm 2011).
Đối với ngành dệt may và da giày sử dụng nhiều lao động, mang lại giá trị xuất khẩu, đang được củng cố và phát triển theo hướng tăng tỷ trọng giá trị gia tăng trong sản phẩm, chuyển dịch sang hướng công nghiệp thiết kế, tạo mẫu, công nghiệp thời trang và các dòng sản phẩm cao cấp theo phân khúc thị trường. Các nhà máy dệt may, da giày có hình thức gia công giản đơn, sử dụng lao động giản đơn chiếm tỷ trọng lớn, đã được chuyển dịch về các địa phương có lợi thế về lao động phổ thông. Cơ sở vật chất hiện hữu tại TP đã được doanh nghiệp trong ngành đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển dịch sang hướng công nghiệp thiết kế, tạo mẫu và công nghiệp thời trang.
Đưa chính sách vào cuộc sống
Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Khoa cho biết, để kết quả chuyển dịch đạt hiệu quả, đặc biệt 4 ngành công nghiệp trọng yếu, lãnh đạo TP đã chủ động đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong tổ chức thực hiện, phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường. Đơn cử như: hỗ trợ lãi suất cho các dự án thông qua chương trình kích cầu đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại và đầu tư; xây dựng thương hiệu; chỉ đạo các ngân hàng phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp tại từng quận, huyện...
Bên cạnh đó, liên tục trong những năm qua, thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu nhằm tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa. Riêng trong năm 2012, thành phố phê duyệt mới 34 dự án tham gia chương trình kích cầu thông qua đầu tư, với tổng mức đầu tư 1.808,083 tỷ đồng, số vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 920,425 tỷ đồng. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vay tín dụng tại các ngân hàng thương mại, TP đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố phối hợp với các ngân hàng thương mại và quận huyện tổ chức rà soát, nắm bắt danh sách các doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp khó khăn, triển khai các biện pháp hỗ trợ như: ký các bản cam kết, các hợp đồng tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tập trung rà soát dư nợ các khoản vay cũ, điều chỉnh giảm lãi suất nhằm giúp các doanh nghiệp tập trung vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, ngành công thương thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp do ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Qua đó, ngành công thương thành phố đã kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp, đã duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh và nhanh chóng phục hồi tăng trưởng; song song với lập dự án đầu tư, cung cấp thông tin quy hoạch ngành nghề, nguồn cung cấp lao động, nguyên vật liệu... Ngoài ra, ngành công thương còn triển khai các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy phát triển trước và trong quá trình chuyển dịch như: quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp; chương trình hỗ trợ đánh giá thực trạng công nghệ và thực hiện đổi mới công nghệ; chương trình phát triển nguồn nhân lực nghề cho các ngành công nghiệp trọng yếu đến năm 2015...
“Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả trong những năm qua nhờ vào sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp thành phố, thông qua việc chủ động đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm để tăng cường năng lực cạnh tranh”, ông Lê Văn Khoa khẳng định.
LẠC PHONG - THẢO TIÊN