Tuy nhiên, quá trình phát triển nhà ở tại thành phố vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Trong 10 năm (2009 - 2019), dân số toàn TPHCM đã tăng hơn 1,8 triệu người, diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng từ 16,6 m²/người (năm 2009) lên 20,1 m²/người (năm 2019). Dự báo 10 năm tới (2021 - 2030), TPHCM sẽ tăng thêm 2 triệu người. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở và khắc phục những hạn chế trong phát triển nhà ở 10 năm qua, TPHCM sẽ triển khai thực hiện đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, tổng diện tích sàn nhà ở của thành phố đạt 237,3 triệu m² sàn, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,5 m²/người (quy mô dân số dự kiến vào cuối năm 2025 là 10,1 triệu người).
Đến năm 2030, tổng diện tích sàn nhà ở của thành phố đạt được 295 triệu m² sàn, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 26,5 m²/người (quy mô dân số dự kiến vào cuối năm 2030 là 11,1 triệu người). TPHCM cũng đề đưa ra hướng phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, đa dạng hình thức đầu tư nhằm huy động các nguồn lực xã hội.
Về phát triển nhà ở thương mại, TPHCM khuyến khích chủ đầu tư áp dụng các loại công nghệ mới trong thi công và sử dụng các loại vật liệu xây dựng thích hợp. Cơ quan chức năng giúp giải quyết các khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư trong việc cung cấp chỉ tiêu quy hoạch, phê duyệt hoặc thỏa thuận tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở. Tổ chức nghiên cứu, thiết kế và áp dụng các loại nhà ở thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể tái sử dụng, tái cơ cấu hoặc tái chế các nguồn tài nguyên đã sử dụng.
TPHCM cũng sẽ ban hành các cơ chế tăng cường hợp tác quốc tế; thu hút, hỗ trợ tài chính nhằm tăng tính khả thi, đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và bổ sung vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP của thành phố.
Về nhà ở xã hội, tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê. Rà soát, bố trí quỹ đất 20% đất ở trong các dự án nhà ở thương mại trên 10ha, để thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội cho thành phố; xác định vị trí và ưu tiên sử dụng các quỹ đất Nhà nước trực tiếp quản lý do các doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng sản xuất tại các quận huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp, quỹ đất do các cơ quan nhà nước hiện đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước.
TPHCM trực tiếp đầu tư xây dựng hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện xây dựng theo hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất. TPHCM ưu tiên bố trí vốn ngân sách, tạo quỹ đất sạch tại các khu vực ngoại thành dọc các trục giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến metro, các tuyến vành đai để thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Bố trí vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước, để giải quyết cho các hộ gia đình đặc biệt khó khăn về nhà ở, không thể thuê nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư xây dựng.
Cùng với đó, để phát triển nhà ở riêng lẻ do dân tự xây, TPHCM sẽ tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản thủ tục trong việc cấp phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cung cấp thông tin quy hoạch đối với nhà ở riêng lẻ để người dân thuận lợi trong việc đầu tư xây dựng mới, cải thiện nhà ở theo nhu cầu và khả năng.
Theo đánh giá của các chuyên gia quy hoạch đô thị, kế hoạch phát triển nhà ở của TPHCM trong giai đoạn tới rất cụ thể với các giải pháp khả thi và phù hợp cho từng đối tượng. Với cách làm này, TPHCM sẽ đạt được mục tiêu đảm bảo nhà ở cho người dân thành phố.