TPHCM: Sụp lún - hậu quả nhìn từ khai thác và sử dụng nước ngầm

Gần 88.500 đồng hồ nước gắn nhưng dân không sử dụng
TPHCM: Sụp lún - hậu quả nhìn từ khai thác và sử dụng nước ngầm

Như thông tin mới đây của Báo SGGP, thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (TN-MT) cho biết, nhiều khu vực tại TPHCM tiếp tục diễn ra hiện tượng sụp lún mặt đất. Chuyển từ nơi này sang nơi khác và khu vực bị sụp lún lớn nhất với mức sụp lún đo được là 28mm.

Sụp lún nghiêm trọng

Trong đó, diện tích vùng lún nhanh (hơn 15mm/năm) là 356ha, vùng lún tương đối nhanh (10mm - 15mm/năm) là 2.441ha và vùng lún trung bình (5mm - 10mm/năm) là 4.397ha. So sánh với giai đoạn 1996-2012, Sở TN-MT nhận thấy khu vực quận 8, 12 và huyện Bình Chánh vẫn tiếp tục lún. Khu vực các quận 5, 10, 11 và Tân Bình không còn xuất hiện vùng lún, nhưng đổi lại, khu vực Nhà Bè và Bình Chánh xuất hiện nhiều vùng lún mới.

Dù đã có nước máy, nhưng cơ sở sản xuất tọa lạc trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân vẫn khai thác nước ngầm. Người dân cho rằng, mỗi ngày cơ sở này khai thác sử dụng cả trăm mét khối nước giếng.

Hiện tại, chỉ có 2 trạm quan trắc lún mặt đất cho toàn bộ thành phố (TP). Vì thế, các chuyên gia cho rằng, số liệu quan trắc vẫn còn thiếu và rời rạc, chưa phản ánh hết được mức độ cũng như phát hiện đầy đủ các khu vực bị lún. Do vậy, Sở TN-MT đã đề xuất UBND TP một đề án đầu tư hệ thống quan trắc, trong đó giai đoạn 2017-2018 sẽ đầu tư 6 trạm quan trắc chủ động về lún mặt đất, giai đoạn 2019-2020 sẽ tăng lên 11 trạm và đến 2021 có thể tăng lên 25 trạm.

Cũng liên quan đến vấn đề sụp lún mặt đất, Sở TN-MT TPHCM đã thuê Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam khảo sát và lập bản đồ phân vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất. Đơn vị này cho biết, mực nước ngầm tại TP hạ thấp đã tạo thành phễu lan rộng. Mực nước ngầm ở Hóc Môn giảm xuống -21m, Bình Chánh xuống -29m… Đặc biệt, mực nước ngầm quận 12 đã hạ xuống -35m, kéo theo hiện tượng sụp lún mặt đất, biến dạng công trình… Trên cơ sở khảo sát và tính toán mô hình, Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam đã đề xuất vùng cấm khai thác nước dưới đất ở các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11 và một phần huyện Nhà Bè. Diện tích vùng cấm là 195km2, bằng 10% diện tích phân bố của các tầng chứa nước.

Ngành cấp nước TP nỗ lực phát triển mạng cấp nước nhưng hàng trăm ngàn hộ dân không sử dụng nước máy mà vẫn khai thác nước giếng sử dụng.

Theo lý giải của đơn vị khảo sát, đây là vùng mực nước hạ rất thấp, nguy cơ lún mặt đất xảy ra mạnh hơn các vùng khác, nhất là gần ranh mặn và có một bãi rác lớn. Các khu vực còn lại, cần có quy định hạn chế và xây dựng lộ trình cấm khai thác nước ngầm. Tuy vậy, nhiều chuyên gia tham gia “bắt mạch” cho đô thị TPHCM đều có chung nhận xét: Không chỉ khai thác nước ngầm vô tội vạ mà chính quá trình đô thị hóa, bê tông hóa bề mặt khiến giảm khả năng thẩm thấu nước mưa vào nước ngầm cũng là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lún và biến dạng mặt đất.

Gần 88.500 đồng hồ nước gắn nhưng dân không sử dụng

Báo cáo mới nhất của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, hiện nay tỷ lệ người dân đã được ngành cấp nước gắn đồng hồ nhưng không sử dụng nước (chỉ số kim đồng hồ bằng O) là rất lớn, gần 88.500 cái (chiếm tỷ lệ 7% trên tổng số đồng hồ được lắp đặt). Ngoài ra, số đồng hồ sử dụng từ 1 đến 3m3 mỗi tháng chiếm tỷ lệ đến 10% trên tổng số đồng hồ được lắp đặt, nghĩa là gần 123 ngàn cái. “Chỉ số đồng hồ sử dụng nước từ 1-3m3 thường là người dân sử dụng 2 nguồn nước song song là nước máy và nước giếng khoan”, đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn nhận định.

Theo kết quả giám sát chất lượng nước ngầm (nguồn nước giếng tự khai thác) tại các hộ dân TPHCM của Trung tâm Y tế Dự phòng, hầu hết các nguồn nước giếng đều không đạt theo tiêu chuẩn về nước dùng cho sinh hoạt (Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế) ở các chỉ tiêu pH, sắt và có khoảng 50% mẫu nước không đạt chỉ tiêu amoniac. Ảnh hưởng của một số chỉ tiêu chất lượng nước không đạt đến sinh hoạt của người dân, có thể thấy:

* pH: Chỉ số đánh giá mức độ a xit hoặc kiềm của nguồn nước, hầu hết các mẫu nước ngầm đều có chỉ số pH thấp mang tính axit, với nguồn nước có tính axit khi uống vào sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến một số cơ quan nội tạng, ngoài ra với tính axit nhẹ sẽ gây ăn mòn các thiết bị sử dụng.

* Hàm lượng sắt cao (dân gian thường gọi nước nhiễm phèn): nồng độ thay đổi tùy theo khu vực khảo sát nhưng hầu hết đều vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế, với hàm lượng sắt cao sẽ gây ra hiện tượng ố vàng và đóng cặn trong các thiết bị, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt của người dân.

* Với độ amoniac cao: khoảng 50% mẫu có nồng độ vượt giới hạn cho phép, với nguồn nước bị nhiễm amoniac chứng tỏ nước đã bị ô nhiễm hữu cơ và để lâu sẽ chuyển hóa thành nitrit, nitrat đây là những chất có khả năng gây ung thư cho cơ thể con người.

Trong khi đó, nước sạch được sản xuất từ các nhà máy nước thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn được xử lý theo một quy trình công nghệ hoàn chỉnh, được kiểm tra nghiêm ngặt để loại bỏ các thành phần ô nhiễm như cặn lơ lửng, độ đục, vi sinh vật… và được châm chlorine để kiểm soát tái nhiễm khuẩn. Trong quá trình cung cấp đến người dân, nước sạch tiếp tục được các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, an toàn cho sức khỏe của người sử dụng, đảm bảo đạt quy chuẩn do Bộ Y tế quy định. Do vậy, việc sử dụng nước sạch có đủ cơ sở để tin tưởng chất lượng hơn sử dụng nước giếng tự khai thác.

Đinh Gia Anh

Tin cùng chuyên mục