Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các sở, ngành chức năng là tập trung xây dựng và triển khai Đề án Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” nhằm khép kín quy trình “từ trang trại đến bàn ăn”, đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
401 điểm công bố kinh doanh sản phẩm an toàn
Trong 3 năm gần đây, Sở Công thương TPHCM đã kiên trì xây dựng Dự án Mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của mọi tầng lớp người dân trên địa bàn thành phố. Song song với quá trình xây dựng dự án, sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng khảo sát và đánh giá điều kiện ATTP tại một số chợ trên địa bàn theo bộ tiêu chí của mô hình. Trên cơ sở khảo sát, Sở Công thương đã trình và được UBND TPHCM chấp thuận cho phép tổ chức thí điểm Mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP tại chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại một điểm bán trong chuỗi các điểm bán thực phẩm an toàn của Saigon Co.op. Ảnh: VIÊN VIÊN
Một trong những nội dung quan trọng của việc triển khai dự án này là sở đang tiến hành thực hiện Quyết định số 4199 của UBND TP về phê duyệt Đề án Quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo. Theo kế hoạch, đến ngày 10-12 tới, Sở Công thương sẽ chính thức vận hành Đề án nhằm cung ứng nguồn thịt heo an toàn cho người dân thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, giai đoạn 2016-2020, thông qua việc ban hành Quyết định 26 về ban hành quy chế cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn.
Trên thực tế, để triển khai được chuỗi thực phẩm an toàn (TPAT), Ban Quản lý đề án đã tham mưu cho UBND TPHCM gửi cho 22 tỉnh, thành góp ý Bản ký kết phối hợp thực hiện đề án xây dựng Mô hình quản lý thực phẩm theo “chuỗi TPAT”. Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức triển khai đến các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia chuỗi, các điểm kinh doanh có bán sản phẩm trong chuỗi, sản phẩm đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, sản phẩm sản xuất tại các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP các tiêu chí về điều kiện để được cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn tại các điểm sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, theo số liệu tổng hợp, TPHCM hiện có 401 điểm đăng ký công bố kinh doanh sản phẩm an toàn, gồm hệ thống siêu thị Co.opmart, hệ thống siêu thị và cửa hàng của Tổng Công ty thương mại Sài Gòn, hệ thống cửa hàng của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, hệ thống cửa hàng của Công ty Vissan, hệ thống siêu thị Big C, Lotte Mart, điểm kinh doanh thuộc Công ty An Hạ và các cơ sở kinh doanh khác…
Công tác đảm bảo ATTP luôn được các cấp lãnh đạo của thành phố quan tâm, chỉ đạo sát sao về tổ chức, nhân sự cho các cơ quan tham mưu về ATTP. Điều này đã thể hiện qua việc ban hành hàng loạt công văn, kế hoạch chỉ đạo để triển khai kịp thời các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố. Cụ thể, UBND TPHCM đã bàn hành 33 văn bản, Ban chỉ đạo ban hành 30 văn bản, Ban quản lý đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” ban hành 8 văn bản, Sở Y tế ban hành 18 văn bản, Sở Công thương ban hành 16 văn bản, Sở NN-PTNT ban hành 8 văn bản cùng nhiều văn bản triển khai của các chi cục chuyên ngành.
Sớm phân bổ kinh phí cho ATTP
Theo Ban chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM (viết tắt BCĐ), việc triển khai, thực hiện các chương trình, đề án đã giúp TPHCM hình thành được các mô hình tốt như quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, chương trình phối hợp với các tỉnh giám sát ATTP theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, hình thành các chương trình gắn kết thu mua, xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn đến các siêu thị, cửa hàng kinh doanh, xây dựng chợ truyền thống đạt tiêu chí ATTP… Kết quả trên cũng thể hiện qua tình hình ngộ độc thực phẩm đã được kiểm soát và kéo giảm, đạt mục tiêu chương trình quốc gia về ATTP. Đặc biệt, nhiều năm liền TPHCM không có tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo BCĐ vẫn còn nhiều tồn tại và khó khăn trong công tác đảm bảo ATTP. Hiện các văn bản pháp quy của các đơn vị về ATTP còn bất cập, chưa hoàn thiện, đồng bộ, do đó chưa đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu quản lý, gây khó khăn cho công tác quản lý ATTP. Ngay trong BCĐ liên ngành cũng chưa phát huy được hiệu quả cao nhất do chỉ họp định kỳ, không giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh. Thiếu đầu mối có đủ thẩm quyền quản lý xuyên suốt công tác ATTP trên địa bàn thành phố. Ngành y tế chịu trách nhiệm trước UBND TP về công tác đảm bảo ATTP nhưng việc thực hiện công tác này lại được phân công cho 3 sở với các đơn vị trực thuộc sở đảm nhiệm.
Về kinh phí, hiện nay địa phương chưa nhận phân bổ kinh phí và hướng dẫn sử dụng kinh phí cho các dự án đảm bảo ATTP tại địa phương từ các cơ quan trung ương. Điều này đã gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động trên địa bàn quản lý. Kinh phí đầu tư cho hoạt động ATTP cũng rất thấp so với các nước trong khu vực và liên tục bị cắt giảm. Một khó khăn khác, đến nay vẫn chưa có quy định kinh doanh riêng đối với mặt hàng hóa chất, phụ gia dùng trong công nghiệp với các chất phụ gia dùng trong thực phẩm. Chưa có quy định chặt chẽ trong quản lý các chất, phụ gia thực phẩm như kiến thức chuyên ngành cho người sản xuất, kinh doanh và cũng chưa có quy định cụ thể về đối tượng được mua, sử dụng các chất phụ gia. Lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP còn quá mỏng, chủ yếu tập trung ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh, không có ở tuyến quận, huyện. Ở phường, xã thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm trong khi tại các tuyến này quản lý số lượng rất lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, cơ sở thức ăn đường phố với nhiều nguy cơ gây mất ATTP…
Để công tác ATTP đạt hiệu quả, BCĐ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đánh giá lại 5 năm thực hiện Luật ATTP để đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện khách quan, thực tiễn. Các cơ quan Trung ương sớm phân bổ kinh phí và hướng dẫn sử dụng kinh phí cho các dự án tại địa phương. UBND TPHCM đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định hiện hành thuộc phạm vi phân cômg quản lý, đồng thời kiến nghị cho phép thành phố sử dụng toàn bộ nguồn tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP để đầu tư lại cho công tác quản lý. Cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các tỉnh trong công tác kiểm tra, kiểm soát ATTP nhằm kiểm soát chất lượng từ gốc.
Bộ Công thương cần có quy định riêng đối với mặt hàng hóa chất, phụ gia dùng trong công nghiệp với các hóa chất, phụ gia dùng trong thực phẩm. Bộ Y tế có quy định về kiến thức chuyên ngành cho người sản xuất, kinh doanh phụ gia. Ban hành các tiêu chuẩn về điều kiện kinh doanh với kinh doanh thực phẩm, hóa chất, phụ gia thực phẩm tại các chợ.
Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ cho cơ sở nuôi trồng tập trung về giá thuê đất, thuế, vốn… Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất trong các lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mô hình liên kết giữa nông hộ với DN và các đối tác kinh tế khác trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh trong việc phối hợp quản lý, đẩy nhanh tốc độ phát triển thực hành sản xuất tốt theo Quyết định 01/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành có các giải pháp quản lý tốt quá trình nuôi trồng đến sản xuất để các cơ sở có đủ điều kiện tham gia vào chuỗi và phối hợp chặt chẽ với TPHCM để thực hiện chuỗi TPAT.
HẢI HÀ