TPHCM ứng dụng công nghệ Lidar: Dự báo điểm giao thông bị ngập nước

ảnh
TPHCM ứng dụng công nghệ Lidar: Dự báo điểm giao thông bị ngập nước

Cơn mưa sáng 13-4 đã khiến hàng trăm con đường trên địa bàn TPHCM bị ngập nặng, hàng ngàn phương tiện tham gia giao thông bị tắt máy, tình trạng giao thông bị hỗn loạn, tê liệt. Điều đáng nói là người dân hoàn toàn có thể chủ động tránh được tình trạng trên nếu TP ứng dụng công nghệ dự báo các tuyến đường bị ngập nước, kẹt xe. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi nhanh với ông Phan Minh Tân (ảnh), Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.

- Phóng viên: Theo ông, liệu có hay không công nghệ dự báo được các điểm ngập nước để giúp người dân chủ động phòng tránh tình huống kẹt xe do đường bị ngập sâu?

TPHCM ứng dụng công nghệ Lidar: Dự báo điểm giao thông bị ngập nước ảnh 1

Ông PHAN MINH TÂN: Thật ra có nhiều biện pháp để giúp người dân có thể phòng tránh tình huống kẹt xe do đường bị ngập bởi trời mưa hay thủy triều. Thế nhưng để có thể chỉ ra chính xác từng điểm ngập, mức độ ngập, thời gian bị ngập, thì nhất thiết phải xây dựng mô hình địa hình thành phố theo không gian 3 chiều. Từ đó, khi nhập dữ liệu lượng mưa hay mực nước thủy triều dâng thì hệ thống phần mềm đã được lập trình sẽ tính toán để chỉ chính xác từng điểm ngập cụ thể. Có như vậy thì những thông tin dự báo, thông báo trước đến từng người dân mới thực sự hiệu quả.

- Thành phố có dự định ứng dụng công nghệ này để phục vụ cho công tác dự báo điểm ngập?

Hiện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã và đang xúc tiến để xây dựng mô hình 3 chiều địa hình thành phố. Để làm được điều này phải sử dụng công nghệ Lidar. Đây là một loại công nghệ viễn thám mới, thiết bị được gắn với một loại máy bay thích hợp, khi máy bay bay, thiết bị sẽ quét lên bề mặt của địa hình trên mặt đất bằng tia laser và ghi nhận mọi dữ liệu thông tin trong mọi điều kiện về thời tiết kể cả ban đêm hoặc có mây che phủ. Thậm chí, nó còn quét xuyên qua được cả bề mặt tán cây xuống mặt đất, đảm bảo xác định chính xác về độ cao bề mặt địa hình.

Cơ chế hoạt động của thiết bị công nghệ này là trung bình mỗi mét vuông máy xác định 2 điểm độ cao. Mỗi điểm đều xác định 3 chiều. Sau đó, các thông tin thu thập được sẽ được chuyển vào hệ thống xử lý để xây dựng mô hình có thể xảy ra với các điểm ngập được dự báo và cuối cùng kết quả này được chuyển vào bộ phận lưu trữ. Dự kiến dự án ứng dụng công nghệ Lidar xây dựng mô hình 3 chiều bản đồ địa hình thành phố sẽ xác định khoảng 3 tỷ điểm độ cao trên tổng diện tích hơn 2.000km2. Trên cơ sở các điểm độ cao được xác định thì được đưa vào xử lý và xây dựng bản đồ 3 chiều.

TPHCM ứng dụng công nghệ Lidar: Dự báo điểm giao thông bị ngập nước ảnh 2

Bản đồ địa hình ba chiều của TP Bắc Ninh đã được xây dựng bằng công nghệ Lidar.

- Công nghệ này có vẻ rất thiết thực mà sao đến bây giờ mới xúc tiến thực hiện? Khi nào người dân TP mới có thể tiếp cận được những tiện ích của công nghệ này?

Ngày 8-4 vừa qua UBND TPHCM mới phê duyệt cho triển khai đề án này với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành các thủ tục cần thiết để tổ chức đấu thầu triển khai dự án. Tôi nghĩ, khâu chậm nhất là tổ chức đấu thầu và phê duyệt đấu thầu.

Còn với việc tổ chức bay, chụp hình và nhập dữ liệu xử lý chỉ mất khoảng 3 tháng. Vì thế chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh công tác tổ chức đấu thầu. Tôi cam đoan là đến cuối năm 2009, người dân sẽ được thông tin trước các điểm giao thông bị ngập nước trong trường hợp trời mưa hoặc thủy triều dâng. Từ đó, người dân chủ động chọn hướng di chuyển sao cho phù hợp, tránh được cảnh đường ngập nước, xe tắt máy và kẹt xe kéo dài…

- Nhưng bước tiếp theo nữa mà chúng tôi cho là rất quan trọng: làm cách nào để những thông tin dự báo trên có thể đến được với người dân nhanh nhất, cụ thể nhất?

Theo tôi, trước hết người dân có thể tiếp cận thông tin này thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí… Mặt khác, sau khi dự án đã hoàn tất, sở sẽ chuyển giao cho Trung tâm Thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất để khai thác và sử dụng.

Các đơn vị thụ hưởng khác liên quan như các sở, ban, ngành sẽ kết nối để khai thác, sử dụng. Thông tin của dự án cũng sẽ được công bố trên website của thành phố khi có đủ điều kiện về nhân lực, hạ tầng và khung pháp lý. Như vậy, việc để người dân có thể tiếp cận với tính tiện dụng của công nghệ này là hoàn toàn không khó.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục