TPP và điểm vướng bất ngờ

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn (Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp - CITES), từ năm 2008 đến tháng 8-2015, cả nước đã phát hiện và xử lý trên 5.700 vụ vi phạm pháp luật đối với động vật hoang dã (ĐVHD), với hơn 4.800 cá thể nguy cấp, quý hiếm.

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn (Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp - CITES), từ năm 2008 đến tháng 8-2015, cả nước đã phát hiện và xử lý trên 5.700 vụ vi phạm pháp luật đối với động vật hoang dã (ĐVHD), với hơn 4.800 cá thể nguy cấp, quý hiếm.

Nhưng con số này được cho là có khoảng cách rất xa so với thực tế. Trong khi đó, mặc dù đã có trên 40 văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp vấn đề này; trong đó có 5 luật, 19 nghị định, 10 thông tư… song vẫn còn nhiều hành vi nguy hiểm chưa được pháp luật Việt Nam điều chỉnh (như tàng trữ, chế biến các bộ phận cơ thể, sản phẩm ĐVHD), chưa có sự thống nhất trong chính sách xử lý giữa ĐVHD có trong danh mục và chưa có trong danh mục; hình phạt còn nhẹ, chưa đảm bảo răn đe. Hiện cũng tồn tại quá nhiều văn bản quy định về danh mục ĐVHD, có thể dẫn đến sai lầm trong quá trình áp dụng. Quan trọng hơn, năng lực thực thi của cán bộ hành pháp còn hạn chế; các cơ quan chức năng chưa phối hợp trong chia sẻ thông tin, cũng như trong hoạt động điều tra, bắt giữ, xử lý kịp thời. Cần nói thêm, Việt Nam có hơn 4.600km đường biên giới với các nước Lào, Campuchia và đặc biệt là Trung Quốc; là địa điểm trung chuyển lý tưởng của các “con đường” ngà voi, sừng tê giác và các loài hoang dã khác.

Không chỉ tăng cường năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế để thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường một cách hiệu quả hơn; đặc biệt là ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ ĐVHD, xâm hại đa dạng sinh học; đồng thời kiểm soát chặt chẽ các dạng ô nhiễm môi trường - đó là khuyến nghị của Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Susan Sutton tại cuộc hội thảo thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được tổ chức tại Hà Nội ngày 8-4.

TPP đã dành riêng một chương (chương 20) để quy định về hệ thống thể chế, quá trình thực hiện và giải quyết tranh chấp về môi trường. Đối chiếu các quy định này với thực tế trong nước, TS Heidi Stockhaus (chuyên gia quốc tế) cho biết, những nhiệm vụ trước mắt đặt ra cho Việt Nam là lựa chọn đại diện cho Ủy ban Môi trường (phục vụ việc thực hiện TPP), xác định đầu mối hợp tác và thực hiện, xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác, chỉ định đơn vị chịu trách nhiệm và xây dựng các quy tắc cho quy trình đệ trình công cộng; đảm bảo tuân thủ các cam kết về môi trường... Đặc biệt, ủy ban này còn có trách nhiệm tổng hợp danh sách các hội thẩm viên để giải quyết các tranh chấp phát sinh (bao gồm cả tranh chấp giữa các quốc gia thành viên; tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia thành viên).

Trong một diễn biến khác, cách đây không lâu, bà Hoàng Bích Thủy, Quản lý Chương trình Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD, cung cấp thông tin: Là một thành viên đã tham gia CITES được hơn 20 năm (từ năm 1994), song Việt Nam là một trong những điển hình… chưa tốt! Nhiều tổ chức quốc tế còn cho rằng Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển và buôn bán trái phép mẫu vật của các loài nguy cấp, quý hiếm lớn nhất trên thế giới, mà nguyên nhân quan trọng nhất là sự lỏng lẻo trong quản lý của các cơ quan chức năng.

Còn nhớ và đau xót vì dịch Ebola bùng phát năm 2014 ước đã làm thiệt hại hơn 30 tỷ USD; dịch SARS cũng đã gây tổn thất tương đương; HIV/AIDS “ngốn” của nhân loại 10 tỷ USD mỗi năm. Điểm chung của các đại dịch này là đều do lây nhiễm bệnh tật từ ĐVHD sang con người. Chấn chỉnh tình hình thực thi CITES là một trong những nhiệm vụ đầy thách thức cho Việt Nam trong quá trình thực thi TPP; đồng thời cũng là việc làm hết sức quan trọng để chủ động phòng tránh những thất thoát khổng lồ cho nền kinh tế và sức khỏe của người dân.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục