Sự kiện Tập đoàn sữa Fonterra buộc phải đóng cửa nhà máy vì sự giận dữ lên đến đỉnh điểm của những người biểu tình ở Sri Lanka ngày 23-8 lại một lần nữa khiến dư luận thế giới phải chú ý. Câu chuyện Fonterra và sữa nhiễm khuẩn vốn dĩ là câu chuyện cũ nhưng điều gây ngạc nhiên là làn sóng phản đối Fonterra ở Sri Lanka lại mạnh mẽ hơn những nơi khác.
Theo Bloomberg, quyết định trên được đưa ra sau khi kết quả giám định của Chính phủ Sri Lanka cho thấy các mẫu sữa mang nhãn hiệu Anchor của tập đoàn này tồn dư chất DCD (Dicyandiamide). Chất này được phun vào cỏ cho bò ăn, giúp tăng sản lượng nông nghiệp.
Phản bác lại, Fonterra và trang web của Chính phủ New Zealand khẳng định kết quả giám định mẫu sữa của Chính phủ Sri Lanka là không chính xác. Chính thái độ phản bác của Fonterra trước quyết định của Tòa án Sri Lanka đã thổi bùng sự giận dữ của nhiều gia đình đang có con nhỏ từng sử dụng sản phẩm sữa của tập đoàn này. Hậu quả là hàng trăm người dân đã bao vây và đe dọa nhân viên nhà máy Fonterra.
Lý lẽ của Fonterra tại Sri Lanka làm dư luận thế giới nghi ngờ về tính trung thực của tập đoàn này bởi đây không phải là lần đầu bị dính bê bối. Nghi án Tập đoàn Fonterra bưng bít thông tin sữa nhiễm khuẩn sau khi phát hiện lô hàng có vấn đề vào tháng 5-2012 do Chính phủ New Zealand công bố càng khiến dư luận thêm bức xúc. Thông tin này xuất hiện sau thông báo Fonterra đã phát hiện một khuẩn Clostridium Botulinum trong sản phẩm hồi tháng 3, nhưng tiếp tục xét nghiệm cho đến tháng 7 mà không thông báo gì cho các cơ quan chức năng.
Cho đến nay, các sản phẩm sữa bột, nước giải khát nhiễm khuẩn của Fonterra đã bị thu hồi hàng loạt ở Trung Quốc, Nga và nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương. Sau đó, Nga, Belarus, Trung Quốc, Kazakhstan còn ngừng nhập khẩu và lưu thông các sản phẩm sữa do hãng sản xuất cho thấy các quốc gia trên đều đồng loạt có những phản ứng mạnh mẽ trước thái độ giấu giếm của Fonterra trước nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu trẻ em trên thế giới. Sức ép này khiến một lãnh đạo của Tập đoàn Fonterra đã từ chức vì vụ bê bối không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của hãng sữa nổi tiếng thế giới này mà còn với cả danh tiếng xanh, sạch của ngành thực phẩm New Zealand.
Trong nước, Fonterra cũng hứng chịu không ít sự chỉ trích, nhất là từ phía nông dân, những người đã cung cấp sản phẩm sữa cho Fonterra. Họ cáo buộc Fonterra đã hạ giá thu mua sữa nhưng đồng thời buộc họ phải cam kết dòng sữa cung cấp cho tập đoàn phải là sữa sạch. Những nông dân vẫn thực hiện đúng các quy trình nhưng khi qua quy trình chế biến của nhà máy Fonterra, sữa sạch lại biến thành sữa bẩn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp bò sữa của nước này.
Báo chí thế giới miêu tả Fonterra đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng thật sự bởi sự thiếu trung thực của một tập đoàn xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới, là điều khó có thể chấp nhận được. Phản ứng của hàng loạt quốc gia trên thế giới và nguy cơ tẩy chay Fonterra là điều tất nhiên sẽ phải xảy ra. Vấn đề là liệu Chính phủ New Zealand, các công ty nước này có thể cam kết giảm các nguy cơ nhiễm bẩn thực phẩm để phục hồi danh tiếng hay không?
AN NHIÊN