Để thực hiện tâm nguyện của đời mình, ở tuổi 62, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã một mình thực hiện chuyến hành trình xuyên Việt để ký họa chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Đến nay, bà đã vẽ được 288 bức chân dung mẹ VNAH sau khi đi qua 24 tỉnh, thành. Sau triển lãm “Hành trình nét thời gian” vào tháng 7 vừa qua tại Hà Nội, bà đang chuẩn bị để giới thiệu các tác phẩm ký họa chân dung mẹ VNAH tại TPHCM.
Những chuyến đi đời người
Chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam, 140 tác phẩm tiêu biểu trong 288 bức ký họa sẽ được triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ TPHCM (số 202 Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) khai mạc vào sáng 18-10. |
Việc thực hiện ký họa chân dung các bà mẹ VNAH trên khắp cả nước thực ra đã là tâm nguyện từ nhiều năm trước của nữ họa sĩ. Bề bộn công tác ở Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, bao lo toan của cuộc sống cứ cuốn lấy bà, nên mãi đến nay, qua 45 năm cầm cọ, bà mới có cơ hội thực hiện ý định của mình.
“Năm 2003, tôi nói ý định về dự án “Hành trình nét thời gian” ghi lại chân dung của các vị tướng về hưu và đồng đội, các mẹ VNAH trong cả nước với ông nhà tôi (cố NSND Phạm Khắc), ông ấy rất vui và hết lòng ủng hộ”, họa sĩ Ái Việt kể. Mãn tang ông, bà bắt tay thực hiện dự án của mình và chọn ký họa chân dung mẹ VNAH để bắt đầu.
Là một chiến sĩ, nghệ sĩ và trải qua chiến tranh, bà thấu hiểu sự mất mát, đau thương do chiến tranh đem lại và càng trân trọng sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng vĩ đại của các bà mẹ Việt Nam.
Bà tâm sự: “Các mẹ VNAH là hình ảnh của sự hy sinh và tinh thần bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Chồng hy sinh, mẹ lại gạt nước mắt tiễn con ra trận. Với tôi, mỗi người mẹ VNAH là một thần tượng. Tôi quyết phải lưu giữ lại hình ảnh của tất cả mẹ VNAH cho các thế hệ sau”. Những người mẹ VNAH trong ký họa của họa sĩ Đặng Ái Việt mỗi người một vẻ, nhưng trên tất cả, đó là hình ảnh những người mẹ mạnh mẽ, cứng cỏi can trường... trong từng ánh mắt, gương mặt.
Chạy đua với thời gian
Bà chia dự án của mình thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 19-2 đến 19-8-2010, vẽ chân dung các mẹ VNAH ở 24 tỉnh thành từ Đồng Nai ra Bắc. Giai đoạn 2 từ 25-8-2010 đến tháng 2-2011, bà sẽ vẽ các mẹ VNAH ở khu vực TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn 3 bắt đầu khoảng tháng 3-2011, bà trở ra Bắc để vẽ nốt các mẹ ở một số tỉnh và dự kiến tháng 9-2011, dự án sẽ hoàn tất tại TPHCM.
Họa sĩ Ái Việt thường nói với mọi người bà là người hạnh phúc. “Tôi là người được trực tiếp ngắm nhìn, trò chuyện, ôm hôn nhiều mẹ VNAH nhất và tôi đúc kết một điều: vẽ về các mẹ VNAH rất khó. Mẹ nào cũng đầy các nếp nhăn. Nỗi đau nào của mẹ cũng quá lớn và sâu. Không biết bao lần tôi vừa vẽ vừa khóc”, bà chia sẻ. Quyển “Nhật ký hành trình” bà dùng để ghi lại những chặng đường đi qua, nay đã sang cuốn thứ 4.
Những ngày đầu tháng 10 này, họa sĩ đang tất bật hoàn tất những bức chân dung của các mẹ VNAH tại 11 quận huyện TPHCM. Hiện bà đã thực hiện được 44 chân dung (trong tổng số 186 mẹ VNAH còn sống tại 23 quận huyện của TPHCM). Đầu tháng 11 tới, bà sẽ xuôi về Cà Mau tiếp tục cuộc hành trình của mình.
“Tôi muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa cho những người đã khuất. Tôi thấy thời gian trôi quá nhanh. Tôi chỉ sợ mình đến trễ quá, thành ra tôi đang chạy đua với thời gian. Tôi sẽ đi hết 63 tỉnh thành và vẽ hết các bà mẹ VNAH”, nữ họa sĩ khẳng định.
MINH AN