Trách nhiệm đặc biệt

Sau cuộc gặp ngày 20-8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg, đại diện phong trào Fridays for Future (Ngày thứ sáu vì tương lai), đã nhất trí rằng tình trạng Trái đất ấm dần lên hiện đang là một thách thức toàn cầu. Vì vậy, các nước công nghiệp hóa cần phải có “trách nhiệm đặc biệt” trong việc giải quyết các vấn đề khí hậu và tình trạng nóng lên trên toàn cầu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AP
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AP

Trong khi đó, phát biểu tại họp báo sau cuộc gặp kéo dài 90 phút với Thủ tướng Merkel, Greta Thunberg kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới cùng hành động và coi vấn đề khí hậu hiện nay là một cuộc khủng hoảng. Các chủ đề chính tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Merkel và các nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi lần này là những ưu tiên về chính sách khí hậu trong bối cảnh Đức đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), nhất là mục tiêu về khí hậu của EU vào năm 2050. Chính phủ Đức cũng đang đặt mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ít nhất 40% vào năm 2020 so với mức khí thải năm 1990 và ít nhất 55% vào năm 2030. Bên cạnh đó, Berlin cũng hy vọng đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Tuy nhiên, quốc gia đầu tiên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) cam kết thực hiện mục tiêu đưa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính về mức 0 vào năm 2050 là Anh, cũng là quốc gia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hiệp quốc vào tháng 11-2021 sau khi sự kiện này trong năm nay bị hoãn do dịch bệnh. Nhằm hướng tới mục tiêu không còn khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, ngày 19-8 Chính phủ Anh cũng khẳng định sẽ thúc đẩy việc luật hóa các mục tiêu về chất lượng không khí, giảm chất thải, đa dạng sinh học và nước sạch như một phần trong các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường và tái thiết nền kinh tế. 

Mới đây, EU vừa thông qua đề xuất cho một “thỏa thuận xanh”, được thiết kế để giảm khí thải nhà kính vào khí quyển mà không gây tổn hại cho nền kinh tế và phúc lợi của người dân. Các nhà lãnh đạo EU cũng đã đồng ý về quy mô của quỹ phục hồi kinh tế sau Covid-19 và cam kết sẽ chi 30% kinh phí phục hồi cho chương trình nghị sự về khí hậu. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo The Guardian mới đây, nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg cho rằng các chính trị gia châu Âu vẫn chưa công nhận đầy đủ quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu. Theo Greta Thunberg, kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ EUR của EU hậu Covid-19 là không đủ để giải quyết vấn đề hiện tại, chứ đừng nói gì đến chuẩn bị cho môi trường tương lai. Các chính phủ châu Âu tiếp tục phủ nhận và phớt lờ sự thật thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp khí hậu, và cuộc khủng hoảng khí hậu chưa bao giờ được coi là khủng hoảng cho đến tận bây giờ. Bằng chứng là, không có gì thay đổi trên thế giới kể từ lần đầu tiên Greta Thunberg tự mình thực hiện cuộc bãi khóa về khí hậu ở trường học cách đây 2 năm. Trong thời gian này, cộng đồng thế giới đã không thực hiện các biện pháp cần thiết để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, vẫn có hơn 80 tỷ tấn carbon dioxide đã được thải ra trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục