Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, người lao động ở các nước đang phát triển đã đua nhau ra hải ngoại tìm việc làm với mong ước giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn. Với nhiều người, điều này giúp họ nâng cao tay nghề, cưu mang gia đình ở quê hương… Nhưng với một số người khác thì lại là nỗi tủi nhục.
Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số lao động giúp việc nhà trên thế giới khoảng 52,6 triệu người. Nhưng do nhiều nước không thể thống kê triệt để nên số liệu thực tế có thể là 100 triệu người. Họ chiếm từ 4% đến 10% lao động ở các nước đang phát triển và 2,5% ở các nước phát triển.
Các “ô sin” ở nước ngoài thường bị trả lương rẻ mạt, chẳng hơn trong nước là bao, nhưng lại dễ trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành. Để bảo vệ quyền lợi của hàng triệu “ô sin” trên thế giới, tháng 6 vừa qua, tại Hội nghị quốc tế về việc làm ở Geneva (Thụy Sĩ), 183 nước thành viên của ILO đã thông qua một công ước lịch sử về lao động giúp việc nhà.
Mặc dù thế, nhiều người giúp việc nhà của một số quốc gia vẫn đang sống “kiếp nô lệ”. Điển hình là Campuchia và Indonesia. Hai nước này có đông công dân ra nước ngoài giúp việc nhà. Từ năm 2009 đến nay, 50.000 người Capuchia đã nhập cảnh Malaysia theo diện “xuất khẩu ô sin”. Các tổ chức nhân quyền thường xuyên báo động về các vụ bóc lột và ngược đãi “ô sin” và phơi bày ra ánh sáng những hoạt động xuất khẩu lao động bất hợp pháp như lạm dụng bé gái vị thành niên.
Các “ô sin”, thường là nữ giới, đã bị chủ đánh đập dã man, thậm chí bị làm nhục. Khi đặt chân lên đất Malaysia, họ hoàn toàn lệ thuộc vào người chủ: bị tịch thu hộ chiếu, phải làm việc bất kể giờ giấc. Trước hiện trạng đó, ngày 15-10, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ký lệnh cấm tạm thời công dân nước này sang Malaysia làm nghề giúp việc nhà.
Hồi tháng 6-2009, sau việc nữ chủ nhân Malaysia bị kết tội vì đã đánh đập và dội nước sôi lên người giúp việc Indonesia, chính quyền Indonesia cũng ra lệnh cấm tương tự. Trước khi có quyết định này, mỗi tháng có khoảng 4.000 người Indonesia được tuyển dụng đến Malaysia để đáp ứng nhu cầu 50.000 “ô sin” của nước này mỗi năm. Sau khi nguồn cung từ Indonesia bị mất, chính quyền Malaysia phải tìm kiếm nguồn cung từ các nước khác do nhu cầu “ô sin” quá lớn.
Gần đây, Indonesia cũng đưa ra phán quyết tương tự với Saudi Arabia. Vì giữa tháng 6-2011, một “ô sin” người Indonesia tên Ruyati Binti Sapubi, 54 tuổi, đã bị chính quyền Saudi Arabia chặt đầu sau khi thừa nhận tội giết ông chủ vì bị buộc làm việc như nô lệ mà không được trả lương. Thế nhưng, trước đó không lâu, một bà chủ Saudi Arabia, bị kết tội hành hạ nữ giúp việc Indonesia lại được trắng án sau khi có đơn kháng cáo. Vụ việc này đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ ở Indonesia.
Tuy nhiên, để tình trạng đau lòng này xảy ra không thể không nhắc đến việc thiếu trách nhiệm của các trung tâm giới thiệu việc làm. Khi đã giúp người lao động bước chân đến xứ người với giấc mơ đổi đời thì cũng phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, tính mạng và phẩm giá cho họ, chú trọng giúp họ có được nghề nghiệp ổn định hoặc nâng cao tay nghề.
Bất cứ ai cũng sẽ hạnh phúc hơn khi có việc làm và cuộc sống ổn định ngay chính trên quê hương mình. Nhưng nếu vì mưu sinh mà phải bươn chải ở nước ngoài, họ rất cần được bảo vệ. Quyết định của Chính phủ Campuchia, và của Chính phủ Indonesia trước đó, thể hiện trách nhiệm đối với công dân, không để giấc mơ xuất ngoại tìm việc làm trở thành cơn ác mộng.
THANH HẢI