Trải thảm khôn khéo

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 22-5, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất lập Tổ công tác đặc biệt và đề án thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đón làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam sau dịch Covid-19. Theo nhiều chuyên gia, đây là quyết định nhanh chóng, kịp thời, đầy tâm huyết nhằm phục hồi kinh tế và phát triển đất nước của Chính phủ.

Cũng theo các chuyên gia, có lẽ không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt này, bởi việc thu hút vốn FDI thời gian qua còn không ít tồn tại và chưa đạt được hiệu quả nhiều mặt như chúng ta mong muốn. 

Tình trạng để “lọt lưới” các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra. Mà hậu quả là các vụ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống người dân… Hiện tượng chuyển giá của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới mặc dù đã được các cơ quan chức năng nỗ lực ngăn chặn nhưng vẫn chưa có gì đảm bảo không còn. Đặc biệt, kỳ vọng thu hút được các doanh nghiệp công nghệ cao để qua đó giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội hợp tác, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành nhà sản xuất sản phẩm phụ trợ cho họ tuy đã đạt được một số thành công nhưng vẫn còn rất ít ỏi. Rồi tình trạng địa phương nào cũng muốn trải thảm thu hút đầu tư đã để lại nhiều hậu quả tiêu cực. Đó là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong giảm giá cho thuê mặt bằng, đất đai. 

Nguy hiểm hơn nữa là tình trạng khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên khắp nơi nhưng tỷ lệ lấp đầy không cao, tài nguyên đất bị lãng phí. Trong khi đó nhiều địa phương vẫn tiếp tục đua nhau làm dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất. Nguồn lực bị phân tán nên rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất được hình thành nhưng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tới chưa hoàn thiện. Hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đầy đủ, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất chưa hình thành được vành đai cây xanh cách ly theo các quy định về bảo vệ môi trường mà để cho người dân sống áp sát ngay tường rào. Hậu quả là chất lượng sống của người dân trong khu vực chưa được đảm bảo.

Chưa hết, nhiều doanh nghiệp Việt còn kêu nhiều về tình trạng “bên trọng, bên khinh” của một số địa phương trong việc thu hút đầu tư giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp FDI. Kiến nghị của doanh nghiệp trong nước chưa được giải quyết kịp thời như kiến nghị của doanh nghiệp FDI. Nhiều quy định của các bộ ngành vẫn chưa tạo được sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp FDI.

Trong nước còn nhiều bất cập là thế. Nhìn ra thế giới, nhiều nước cũng đang tích cực chuẩn bị trải thảm đón các nhà đầu tư lớn sau đại dịch Covid-19 như Ấn Độ, Indonesia… Làm sao khắc phục được những tồn tại trong thu hút đầu tư nói chung và thu hút đầu tư FDI nói riêng trong bối cảnh như vậy? Tất nhiên, đi tìm câu trả lời này không đơn giản, nhưng đây là việc mà các chuyên gia, cán bộ trong tổ công tác nêu trên phải làm cho được. Bởi nếu không, kỳ vọng nền kinh tế có bước bật dậy mạnh mẽ sau dịch Covid-19 sẽ khó có cơ hội thành công như mong muốn. 

Giữa các chuyên gia, các nhà quản lý và các địa phương hãy ngồi lại đánh giá hoạt động đầu tư thời gian qua, để từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư trong thời gian tới. Tốt nhất, phải đưa ra được các tiêu chí kêu gọi đầu tư cụ thể cũng như có sự phân vai thu hút đầu tư hợp lý giữa các địa phương. Chúng ta trải thảm đón đầu tư nhưng phải khôn khéo. Nhất định không để lọt các nhà đầu tư mang công nghệ lạc hậu, có toan tính chuyển giá… vào.

Và cũng phải nói thêm, thu hút đầu tư FDI là rất quan trọng, nhưng thu hút đầu tư trong nước cũng quan trọng không kém. Dịch Covid-19 đẩy nhiều người dân và doanh nghiệp Việt vào tình thế khó khăn nhưng khách quan, nguồn lực trong nước vẫn còn rất lớn. Vấn đề, Nhà nước phải có chính sách thu hút đầu tư đủ sức hấp dẫn. Vì suy cho cùng, đóng vai trò quyết định trong sự phát triển kinh tế bền vững của một đất nước chính là doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp FDI đến được thì cũng… đi được.

Tin cùng chuyên mục