Vấn đề & sự kiện

Trái tim dũng cảm

Hưng Nguyên
Trái tim dũng cảm ảnh 1

Beckham (giữa) cùng đồng đội trên sân tập.

Trên sân tập hôm 4-6, McClaren vẫn còn khiến những cặp mắt chung quanh thắc mắc về đội hình dự kiến cho trận vòng loại với Estonia. Crouch hay Smith trên hàng tiền đạo? Bridge hay Shorey ở vị trí hậu vệ trái? Cùng lúc đó, đột ngột xuất hiện một tin đồn rất đáng chú ý khác nữa: Kieron Dyer đá hậu vệ phải? Một bình luận gia gạo cội ở Tallinn phải thốt lên rằng, ông ta sững sờ mất một lúc trước khi kết luận rằng hãy cứ mạnh dạn đưa Dyer vào chỗ ấy.

Estonia chưa ghi nổi một bàn trong toàn bộ 6 trận vòng loại Euro 2008 từ đầu đến nay. Họ đã thẳng thắn tuyên bố rằng ưu tiên của cuộc đối đầu với đội tuyển Anh kỳ này là tránh thủng lưới. “Một trong những điểm mạnh nhất của đội tuyển Anh là các đường chuyền, các quả tạt từ 2 cánh”, HLV Jelle Goes nói, “Nếu dồn lên cao, họ có thể rót các đường chuyền hoàn hảo ra sau hàng hậu vệ và khi ấy, chúng tôi chắc chắn gặp rắc rối”.

Vậy là... hiểu rồi! Đội tuyển Anh sẽ phải làm thế nào câu được Estonia dâng cao đội hình để lục lọi khoảng trống cho các mũi tấn công khoét vào. Với một viễn ảnh như thế, người ta tự hỏi liệu có cần thiết phải đưa một tảng đá chắc chắn như Jamie Carragher vào vị trí hậu vệ phải, hay là thay bằng một cầu thủ tấn công thì có tốt hơn không. Ở hành lang này, điểm mạnh lớn nhất của Beckham là các quả tạt bóng cắm vào trung lộ, các tình huống cố định chứ không phải dắt bóng đột phá dọc biên. Cần có một cầu thủ bổ sung được những cái Becks không mạnh. Và thế là cái tên Kieron Dyer, tiền vệ tấn công của Newcastle, bỗng được nhắc tới.

Dyer được nhắc tới trong buổi tập hôm 4-6, khi những cặp mắt chung quanh vẫn còn thắc mắc về đội hình dự kiến cho trận cầu với Estonia. Crouch hay Smith đá cặp với Michael Owen trên hàng tiền đạo? Bridge hay Shorey cho vị trí hậu vệ trái? Đó là tiêu điểm của giới hâm mộ trong những ngày này, cho nên họ không khỏi cảm thấy đột ngột với cái tin Dyer có thể đá hậu vệ phải. Nhưng đây là một giải pháp khả thi.

o0o

Ở Newcastle, tân HLV Allardyce đang thực sự nghiêm túc với ý đồ xếp Dyer làm hậu vệ tấn công. Ở trận đấu với Luxembourg vào tháng 9-1999, Kieron Dyer lần đầu tiên khoác áo đội tuyển Anh cũng với vai trò hậu vệ phải và trong những lần mạnh dạn cầm bóng dâng lên, anh đã tìm được một quả 11m và tạo dựng một bàn khác cho Alan Shearer. Nhanh nhẹn, khéo léo, đa năng, lối chơi của Dyer khác hẳn nhiều cầu thủ còn lại trong đội và đó chính là những phẩm chất cần thiết để đục phá những lũy thành tại Tallinn.

Do những lần vô kỷ luật, chấn thương, bệnh tật... Dyer mới có 31 lần khoác áo đội tuyển. Ngót 8 năm mà mới có từng ấy lần thì quả là sự nghiệp quốc tế của anh khá dập dềnh. Tuy nhiên, một khi Dyer vui vẻ nhận vai trò hậu vệ cánh ở Newcastle thì quả là anh đã trưởng thành rất nhiều so với khi thẳng thừng từ chối yêu cầu đá cánh phải của cựu HLV Bobby Robson. Lẽ dĩ nhiên, một cầu thủ tấn công như Dyer thì khó mà phòng thủ như một hậu vệ thực thụ, và tuổi 28 như anh cũng khó mà tiếp thu nhanh chóng được nhiều cái mới, nhưng ở Tallinn thì điều đó không thành vấn đề.

McClaren có sử dụng Dyer ở vai trò hậu vệ phải không? Nếu ông ta chưa hoàn toàn tin tưởng, nếu chỉ đưa Dyer vào sân từ ghế dự bị khi cần giải quyết sự bế tắc về tỷ số thì cũng là chuyện thường tình. Nhưng theo giới bình luận, trận đấu với đối thủ bé nhỏ Estonia lại là trận quan trọng nhất trong sự nghiệp non trẻ của McClaren trên chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Anh. Họ vạch ra rằng sự nghiệp đó đã đi qua 2 cuộc thử nghiệm thất bại.

Chiến thuật 3-5-2 ở trận thua Croatia chỉ là một... “tối kiến”, chiến thuật 4-3-3 cũng là một cái chết non, và bây giờ, ông ta đành quay lại với hàng tiền vệ y chang thời Eriksson. McClaren không có gì mới và bây giờ không thắng Estonia là gần như chắc chắn bị sa thải, đằng nào cũng vậy. Thế thì dũng cảm thêm một chút, tự làm mới mình thêm một chút bằng cách đưa Dyer vào sân từ đầu liệu không đáng hay sao!

o0o

Sự mạnh dạn - tất nhiên là mạnh dạn với kết quả tốt - chính là cái còn thiếu ở đội tuyển Anh và hình như đó là một di sản chưa dứt đi được từ thời Eriksson. Thậm chí cái di sản ấy còn có vẻ như đang... phình ra thêm. McClaren thừa kế một đội bóng bầm dập bởi muôn vàn lời chỉ trích sau World Cup 2006 và chiến dịch vòng loại hiện thời chỉ làm trầm trọng thêm sự bấp bênh của họ trong chiếc áo đội tuyển quốc gia. Đương nhiên, chiếc ghế của McClaren cũng lung lay. Đa số giới mộ điệu cũng như giới truyền thông không muốn ông ta làm HLV trưởng ngay từ đầu. Và sau đó, qua mỗi trận cầu thất vọng, lại có thêm một tỷ lệ muốn McClaren phải ra đi.

Cho nên, nếu đổi mới với Dyer và nếu thắng ở Tallinn thì thắng lợi này cũng chưa chắc chấm dứt được sự căng thẳng bấy lâu nay. Thực tế, chỉ là một sự khởi đầu. Có thắng được trận này rồi, McClaren và các học trò của mình vẫn còn phải thắng 3 trận kế tiếp để nắm chắc quyền chủ động định đoạt số phận của mình trước khi bước vào 2 lượt trận sau cùng. Ba trận kế tiếp Estonia đều diễn ra trên sân nhà và sẽ mang một áp lực khác nữa. Lampard đã bị nhiều khán giả Wembley la chộ trong trận giao hữu với Brazil, cứ hỏi anh ta thì biết cảm giác như thế nào!


Hưng Nguyên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục