Trái tim người lính…

Trái tim người lính…

Nhắc đến Đại tá Đoàn Hoài Trung (ảnh) (Trưởng đại diện Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội nhân dân Việt Nam tại TPHCM) nhiều người trong giới văn nghệ sĩ và báo chí Việt Nam nói chung và tại TPHCM nói riêng đều biết đến anh là một sĩ quan quân đội đức độ, một nhà báo năng nổ nhiệt tình, một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa, một nhà văn giàu lòng nhân ái, đạo diễn truyền hình và hơn hết anh còn là một thủ trưởng hết mực thương yêu lính...

Nhà báo của lính…

Có thể nói, Đoàn Hoài Trung là tấm gương hết sức phong phú và đa dạng. Anh không bao giờ ngại khó, ngại khổ mà chỉ ngại không đủ thời gian để làm việc và thực hiện bao dự định trong tương lai. Chính vì thế mọi người trìu mến gọi anh là “người đàn ông của công việc” và ví anh như “cánh chim không mỏi”. Đoàn Hoài Trung sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha mẹ anh đều là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Cha anh là đại tá quân đội quê ở Phú Yên, mẹ anh là cô gái xứ Huế nết na đi theo cách mạng. Anh trai anh cũng là một đại tá quân đội. Anh từng trải qua những ngày tuổi thơ dữ dội trên đất Bắc, phải sống xa cha mẹ đi sơ tán. Vừa đến tuổi trưởng thành anh đã thi vào đại học quân sự, được điểm cao, anh được cử đi học tại Cộng hòa Séc. Sau khi tốt nghiệp bằng đỏ tuyệt đối với chuyên ngành kỹ sư điện tử hàng không ở nước ngoài, anh trở về công tác tại Tiểu đoàn Thông tin-Ra đa của Sư đoàn Không quân 370 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam hiện nay).

Những tưởng suốt đời đi theo con đường kỹ thuật, nhưng từ năm 2002, anh bất ngờ rẽ sang con đường làm báo khi đang là thiếu tá, Trợ lý thông tin Sư đoàn 370. Giải thích về “bước ngoặt” này trong đời mình, anh vui vẻ cho biết: “Tôi chuyển sang nghề báo như một cơ duyên. Lúc đó, Báo Phòng không-Không quân mới thành lập nên thiếu phóng viên, thấy tôi có năng khiếu viết báo nên cấp trên cử tôi sang làm báo. Không ngờ, sang lĩnh vực mới này, tôi cảm thấy rất yêu nghề, từ đó với kiến thức quân sự sẵn có, tôi lao vào viết báo với tất cả niềm đam mê mãnh liệt…”. Là người lính tuyên truyền về người lính nên anh viết báo bằng chính nhịp đập của trái tim mình. Vì thế những bài viết của anh được đông đảo cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng Phòng không-Không quân đón đọc và khen ngợi.

Để rộng đường tuyên truyền về người lính trên các lĩnh vực và ở các quân chủng, binh chủng trong quân đội, từ năm 2005, anh chuyển sang làm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, từ đây, bước chân anh tung hoành ngang dọc khắp các thao trường, biên cương, hải đảo… Chẳng thế mà đi đến đâu, hễ nhắc đến tên anh, các cán bộ, chiến sĩ đều biết và trìu mến gọi anh là nhà báo của lính! Còn anh thì thừa nhận: “Niềm đam mê cháy bỏng nhất của tôi là khắc họa hình ảnh người lính trong từng bài báo, tấm ảnh và cả thơ văn, phim ảnh… Anh nhận thức rất rõ: khi tư tưởng người lính thông suốt thì việc gì khó đến mấy cũng hoàn thành, còn khi tư tưởng không thông thì “vác bình tông cũng không nổi”, vì thế anh luôn có những bài viết ca ngợi, khích lệ động viên tinh thần người lính, tuyên truyền mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội để người lính hiểu rõ và thông suốt.

Không chỉ tuyên truyền về người lính đương thời, anh còn là một cây viết đầy tài năng viết về những vị tướng lĩnh tài ba, những Anh hùng lực lượng vũ trang lập nhiều chiến công vang dội như: Trung tướng Lê Nam Phong, Thượng tướng Phùng Thế Tài, anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Hồng Nhị, Lâm Văn Lích… nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho lớp trẻ. Nhiều bài viết của anh về các liệt sĩ đã là cơ sở để Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như liệt sĩ Hà Văn Nọa, liệt sĩ Vũ Quang Chương… Trong cuộc đời làm báo của mình, kỷ niệm mà anh nhớ nhất là lần gặp gỡ và trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua chuyến đi này, anh đã viết nhiều bài báo, cuốn sách và chụp cả trăm tấm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó nổi bật nhất là ký sự Điện Biên - Bản anh hùng ca vang mãi muôn đời và cuốn sách ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim tôi. Trong “kho tàng” tác phẩm của Đoàn Hoài Trung, đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ được anh khắc họa sắc nét nhất. Lý giải về điều này, anh cho biết: “Tôi say mê viết về Điện Biên là vì như Bác Hồ nhận xét, đây là “một mốc son chói lọi bằng vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam” và là một chiến thắng vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với riêng tôi còn ấp ủ một tình cảm thiêng liêng ngay tại chiến trường Điện Biên này, chính cha mẹ và người thân của tôi đã từng cầm súng chiến đấu đánh đuổi thực dân Pháp nên tôi đã viết bằng cảm xúc dâng trào từ trái tim và bằng tất cả niềm tri ân sâu sắc nhất…”.

Người nghệ sĩ tài hoa

Không chỉ là nhà báo rất đỗi gần gũi thân thương của lính, Đoàn Hoài Trung còn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh đầy chất lính. Từ tháng 7-2006 đến nay, anh được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh chiến sĩ thuộc Hội Nhiếp ảnh TPHCM. Với tâm hồn nghệ sĩ, anh lại lên rừng xuống biển cùng đồng đội cho ra đời hàng ngàn tấm ảnh khắc họa hình ảnh người lính trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời bình. Bước chân anh và đồng đội in dấu từ các đơn vị quân đội đến Nhà giàn DK chênh vênh giữa biển khơi và quần đảo Trường Sa hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió, tác phẩm nào của anh cũng đầy ắp chất lính, góp phần tô thắm thêm phẩm chất rạng ngời của anh bộ đội Cụ Hồ. CLB Nhiếp ảnh chiến sĩ do anh làm chủ nhiệm đã cho ra mắt cuốn sách ảnh thời sự - nghệ thuật mang tên Quê hương và đồng đội gồm 99 tác phẩm của 45 hội viên, trong đó có 27 tác phẩm đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời tựa cuốn sách.

Không chỉ viết báo, viết văn, chụp ảnh, đạo diễn phim truyền hình, anh còn làm thơ tình, nhiều bài đã được các nhạc sĩ phổ thành những bài ca đậm chất lính. Nhiều tác phẩm của anh đoạt giải thưởng văn chương như: Tiểu thuyết Ngọt ngào vị đắng được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Thanh niên; các tập ký sự như: Thắng B52 trên bầu trời Hà Nội được giải thưởng Nhà nước; Về cội nguồn được giải thưởng Bộ Quốc phòng; Âm vang bản hùng ca 30-4 được giải thưởng của Tổng cục Chính trị… cùng nhiều tác phẩm in chung khác như: Trận tuyến mới, Thơ trẻ, Mây trắng bay, Tháng chạp 1972… Với những cống hiến hết mình cho nghệ thuật, từ nhiều năm qua anh đã được công nhận là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam…

 Với trái tim người lính, đến nay anh vẫn đang ấp ủ nhiều dự định mới trong tương lai như sẽ ra mắt cuốn tiểu thuyết song ngữ Ngọt ngào vị đắng vào tháng 10-2016 và xuất bản cuốn sách ảnh Tiếp bước miền Đông gian lao mà anh dũng tháng 11-2016, kịch bản phim 30 tập Miền hoa nắng về cuộc sống phi công quân sự Việt Nam...

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục