LTS: Doc Bernie Duff là cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Ông quyết định chọn Việt Nam làm nơi định cư mới của mình từ năm 2006 và đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện góp phần xoa dịu nỗi đau da cam tại Việt Nam. Nhân dịp Quốc khánh 2-9, ông đã gửi tới Báo Sài Gòn Giải Phóng những dòng tâm sự từ đáy lòng…
Tháng 4-2005, tôi nhìn ra bên ngoài cửa sổ máy bay trên bầu trời Hà Nội. Tôi đang làm gì ở đây sau từng ấy năm, sau những nơi chốn tôi đã đi, hạ cánh xuống thủ đô của cựu thù? Dưới đó, tôi nhìn thấy những người nông dân mặc quần áo lam lũ và đội những chiếc mũ mà tôi còn nhớ rất rõ từ cuộc chiến năm xưa.
Sống lưng tôi ớn lạnh cho đến khi nghe thấy giọng nói của Hải, cô bé 15 tuổi được nhận làm con nuôi đi theo đoàn cựu chiến binh Việt Nam trở về quê hương. Cô bé vui sướng nhảy tưng tưng khi nghĩ tới cảnh được gặp lại gia đình, bạn bè thầy cô ở ngôi làng nhỏ gần Hà Nội. Giọng cô bé kéo tôi trở về hiện tại và theo một nghĩa nào đó, giúp tôi chữa lành vết thương bằng cách vừa nhen nhóm trong cuộc đời tôi với chuyến đi 21 ngày này.
Trở về sau chuyến đi Việt Nam, tôi thay đổi suy nghĩ và tôi cần thêm, thêm rất nhiều cách chữa trị này. Có thể nói, tôi đã cảm nhận được chút hương vị từ “vẻ đẹp tiềm ẩn” của Việt Nam. Sau khi bán toàn bộ tài sản ở Mỹ, tôi quyết định sang Việt Nam sinh sống.
Ban đầu, tôi làm việc với một nhóm “trẻ kém may mắn” như người dân địa phương ở Trà Vinh gọi chúng. Thực tế, chúng là những đứa trẻ Campuchia kiếm sống bằng cách nhặt nhạnh, bới tìm nhựa trong các đống rác. Rồi chúng bán lại nhựa cho một điểm thu mua ve chai tại địa phương và kiếm được trung bình 17.000 đồng mỗi ngày, đủ cho một bữa ăn. Như hình dung của mọi người, chúng rất gầy yếu. Chúng phải đối mặt với mọi vấn đề sức khỏe trong thế giới đầy ruồi muỗi, vi khuẩn hàng ngày.
Tại đây, tôi có dịp làm việc với Bảo Anh (sau này là vợ tôi). Cô đã làm việc với nhóm trẻ này được vài năm và giúp tôi hiểu được nền văn hóa cũng như những thách thức đang còn phía trước đối với những đứa trẻ dễ thương này. Hành trình của tôi bắt đầu từ nơi ấy, Trà Vinh.
Tháng 3-2008, Bảo Anh và tôi thực hiện nhiệm vụ quan trọng là tổ chức đi bộ từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Mục đích là mang mọi người xích lại gần nhau, tâm điểm là những hoàn cảnh khó khăn của các nạn nhân chất độc da cam. Chúng tôi muốn cho thế giới thấy những gì Việt Nam trải qua hàng ngày và muốn cho người dân Việt Nam thấy những gì họ chưa được biết diễn ra tại các vùng nông thôn của đất nước mình. Không còn nghi ngờ gì nữa, hành trình này đã mở ra mọi sự kiện trong cuộc đời tôi.
Chúng tôi đã đi dọc con đường và nhận được sự giúp đỡ của đông đảo người dân tại những nơi đi qua như TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Mỹ Lai, Vinh, Đồng Hới cũng như rất nhiều thị trấn nhỏ và làng mạc dọc theo quốc lộ 1. Với tôi, thật là tuyệt vời khi được gặp nhiều người và, theo nhiều cách, cùng chia sẻ các nền văn hóa mỗi khi gặp gỡ.
Trong tâm trí và trái tim tôi, tình yêu tôi dành cho đất nước và con người Việt Nam dường như tăng dần theo mỗi bước chân. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi người dân ở những thôn nhỏ chạy theo đoàn, tay cầm tờ báo có hình chúng tôi và dẫn chúng tôi tới chỗ có nạn nhân chất độc da cam. Đã nhiều lần, tim chúng tôi như vỡ ra từng mảnh.
Chúng tôi đã gặp những hoàn cảnh khủng khiếp và những nỗi đau tột cùng. Nhưng họ vẫn tiếp chúng tôi với nụ cười sâu sắc và chân thành. Chúng tôi được chào đón bằng những cái ôm và niềm hạnh phúc. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần, họ không bao giờ chỉ thẳng vào tôi với ý đổ lỗi rằng tôi chính là kẻ mang tai họa dioxin vào cuộc sống của họ (với tư cách là một cựu chiến binh Mỹ). Phần lớn những người ở nông thôn nhận rất ít sự trợ giúp. Nhiều người trong số họ biết rất ít về chất độc da cam. Với họ, mỗi ngày sống là một thử thách và không còn thời gian để cố xác định nguyên nhân tình trạng của mình, ít nhất, để tìm hiểu ai phải chịu trách nhiệm về chuyện này.
Những con người đơn giản với các vấn đề không hề đơn giản và những câu chuyện đau lòng. Chuyện thì nhiều lắm nhưng người dân vẫn giữ vững tinh thần và tràn đầy yêu thương. Chúng tôi nhận ra mảnh đất này tuy nghèo vật chất nhưng lại chan chứa tình cảm. Những nạn nhân thường cưu mang lẫn nhau. Khi một người không còn gạo, những người khác liền chia sẻ trái cây hay rau củ. Đường chúng tôi đi thật sự là con đường từ trái tim đến tâm hồn. Đó là cảm hứng cho tôi và tôi chắc chắn, cho cả mỗi người đã tham gia vào hành trình.
Lúc này đây, tôi tự hào nói với các bạn tôi rằng tại chốn này, ngay tại Việt Nam, tôi đã tìm thấy mái nhà của mình. Tôi rất vinh dự được sống trong tình thương yêu của mọi người quanh tôi. Điều đó thật thú vị. Khi tôi hỏi đám trẻ, những người nghèo nhất trong số những người nghèo, rằng chúng muốn làm gì khi lớn lên? Câu trả lời tôi luôn nhận được là: “Cháu muốn làm việc vì những người nghèo ở châu Phi và đưa họ đến sống ở nơi tốt đẹp hơn”. Cảm ơn, Việt Nam! Cảm ơn đã dạy tôi phải sống như thế nào.
Doc Bernie Duff
HÀ TRANG (dịch)