Ngành công chính TPHCM từ bao lâu nay đã hiểu rõ cơ sở hạ tầng, vật chất là một bài toán khó, là một trở ngại lớn, thậm chí là khó khăn lớn nhất đối với hoạt động xe buýt. Trong bất kỳ nghiên cứu, khảo sát quy hoạch luồng tuyến buýt nào, ngành công chính TP cũng xác định rõ điều kiện tiên quyết là phải dành thêm đất làm bến, trạm trung chuyển và bãi hậu cần cho hoạt động VTHKCC.
Ngay từ cách đây 2 năm, Sở GTVT và Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC đã làm việc với các quận huyện xoay quanh nội dung dành quỹ đất cho các bến bãi vận tải theo Quyết định 101/QĐ-TTg ngày 22-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển GTVT TP đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Thế nhưng đó chỉ mới là bước thống nhất về chủ trương mà chưa xác định được chính xác vị trí các bến bãi.
Cũng có một khó khăn khác, đó là việc đầu tư các bến bãi, dĩ nhiên cần phải giải được bài toán kinh phí đầu tư, cũng như việc đầu tư đó phải mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động vận tải. Đơn giản không phải không có khả năng mà là vị trí đất các quận huyện chấp thuận dành cho vận tải lại không phù hợp với việc xây dựng các trạm trung chuyển lớn đủ sức tạo ra sự hấp dẫn người dân, đủ sức tạo ra liên kết và hỗ trợ phục vụ giữa các tuyến buýt với nhau. Trên thực tế, đây chính là nguyên nhân phát sinh số lượng tuyến quá nhiều trên cùng một hành lang phục vụ, từ đó làm tăng hệ số tuyến và phân tán hành khách, hệ quả là làm giảm hiệu quả khai thác của tuyến và mạng lưới tuyến.
Cho đến giờ, chỉ mới có một vài vị trí đã được thống nhất với các quận huyện. Có thể nhắc đến bãi trung chuyển tại Công viên Đầm Sen, bãi trung chuyển tại Ngã ba Giồng thuộc huyện Hóc Môn, bãi xe Phú Xuân tại huyện Nhà Bè. Ngoài ra, ngành công chính cũng đang xúc tiến mở rộng Bến xe buýt Củ Chi và mở rộng ga hành khách xe buýt quận 8, bãi xe buýt tại Công viên 23 Tháng 9.
HUY KHÁNH