Tràn lan thuốc giả

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) liên tục đình chỉ lưu hành hàng loạt thuốc chữa bệnh giả. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo tình trạng thuốc giả, không đạt chất lượng ngày càng nở rộ, gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Interpol cảnh báo Việt Nam và các nước châu Á đang là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm sản xuất, buôn bán thuốc giả lộng hành.
Tràn lan thuốc giả

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) liên tục đình chỉ lưu hành hàng loạt thuốc chữa bệnh giả. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo tình trạng thuốc giả, không đạt chất lượng ngày càng nở rộ, gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Interpol cảnh báo Việt Nam và các nước châu Á đang là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm sản xuất, buôn bán thuốc giả lộng hành.

  • Nhan nhản thuốc kém chất lượng

Cục Quản lý dược vừa đình chỉ lưu hành thuốc viên bao phim Delevon-5, số lô ZVI1 4101, hạn dùng 17-3-2013, số đăng ký VN-5832-08 do Công ty ATOZ Pharmaceuticals Pvt.Ltd (Ấn Độ) sản xuất, Công ty CP Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng nhập khẩu. Lý do thu hồi là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu hàm lượng. Một cán bộ quản lý dược (Sở Y tế TPHCM) cho biết: “Tháng nào cũng nhận được vài ba quyết định như vậy. Chưa kể Sở Y tế các địa phương phát hiện, đình chỉ nhiều loại thuốc kém chất lượng khác”.

Người dân lo sợ những rủi ro khi mua phải thuốc giả (ảnh minh họa). Ảnh: Tg.Lâm

Người dân lo sợ những rủi ro khi mua phải thuốc giả (ảnh minh họa). Ảnh: Tg.Lâm

Trước đó, Cục Quản lý dược cũng vừa có thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc thuốc viên nén bao phim Fixedine, lô sản xuất 7211021, hạn dùng 06-2013, số đăng ký: VN-8660-04 do Công ty Strides Arcolab Limited (Ấn Độ) sản xuất, Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm Trung ương II (Codupha) nhập khẩu, do không đạt tiêu chuẩn về chỉ tiêu độ hòa tan. Hay như Cục Quản lý dược cũng vừa có quyết định đình chỉ lưu hành trên toàn quốc và yêu cầu các đơn vị liên quan thu hồi thuốc CP 200 (thuốc chống nhiễm khuẩn), lô sản xuất: RK02, ngày sản xuất: 16-2-2010; HD: 15-2-2012, SĐK:VN-5129-10, Công ty Celogen Pharma Pvt., Ltd. (Ấn Độ) sản xuất, Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn nhập khẩu cũng do không đạt tiêu chuẩn hòa tan…

Những thông tin đình chỉ, thu hồi như trên đã trở nên quen thuộc với giới kinh doanh dược phẩm trong nước. Nhờ công tác quản lý, thanh kiểm tra, kiểm nghiệm siết chặt hơn nên đã phát hiện được nhiều loại thuốc kém chất lượng hơn.

Theo Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm TPHCM, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận không dưới 50 sản phẩm thuốc các loại có chất lượng không đảm bảo. Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định đình chỉ lưu hành, rút số đăng ký cả trăm loại thuốc khác nhau. Còn theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, trong số hơn 31.000 mẫu thuốc được kiểm tra gần đây, đã phát hiện 1.051 mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. “Chủ yếu vẫn là thuốc không đủ độ hòa tan, không đủ định lượng, nhiễm vi sinh…”, một lãnh đạo Phân viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương tại TPHCM cho biết.

  • Khó kiểm soát thuốc giả

Chưa hết lo lắng sau những cảnh báo của Cơ quan Kiểm soát thuốc - thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) về những biến chứng mà Viagra có thể gây ra thì đầu tháng 12 này, PC 46 Công an TP Hà Nội đã bắt giữ tới 400 hộp Viagra giả, một loại thuốc hỗ trợ cường dương, đang bán rất chạy trên thị trường. Mặc dù thuốc Viagra bị làm giả không còn là thông tin mới nhưng theo các chuyên gia, tình trạng buôn bán thuốc ngày càng phức tạp với số lượng lớn.

Một đại lý thuốc tây có chất lượng tốt tại Cần Giờ (TPHCM). Ảnh: MAI HẢI

Một đại lý thuốc tây có chất lượng tốt tại Cần Giờ (TPHCM). Ảnh: MAI HẢI

Cách nay chưa lâu, nhiều chị em phụ nữ đã đến BV Phụ sản Đại học Y Dược TPHCM than thở vì đã dùng thuốc tránh thai khẩn cấp Postinor nhưng vẫn mang thai. Sự thật tưởng như đùa này đã được các bác sĩ chuyên khoa cảnh báo là do một số chị em dùng phải thuốc Postinor giả.

“Nhiều người có tâm lý e ngại nên không mua thuốc Postinor ở nhà thuốc, mà chỉ nghe loáng thoáng rồi mua ngoài đường, mua trôi nổi nên vớ phải thuốc giả, thuốc nhái”, BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Sinh BV Phụ sản Y-Dược TPHCM (cơ sở 4) cho biết.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo thuốc trị bệnh sốt rét đang bị làm giả tràn lan. Theo WHO, có 68% thuốc trị sốt rét ở các nước Lào, Việt Nam, Campuchia được phát hiện là giả và kém chất lượng. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia dược phẩm, nhiều loại thuốc phổ biến và đắt tiền khác cũng thường bị làm giả, từ thuốc kháng sinh, cảm cúm đến trị ung thư. Điển hình như Sở Y tế tỉnh Bình Dương phát hiện thuốc Ampicilline 500mg giả đóng viên nang, một đầu màu đỏ, một đầu màu trắng, trên vỉ thuốc hình tháp không có phản ứng định tính Ampicilline. Hay tháng 7 vừa qua, Sở Y tế tỉnh An Giang đình chỉ lưu hành và thu hồi nhiều lô thuốc đông y giả chứa tân dược Paracetamol và Dexamethason để tiêu hủy.

Tại cuộc họp trong khuôn khổ Đại hội đồng Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) lần thứ 80 đầu tháng 11 vừa qua tại Hà Nội, bà Aline Plancon, Trưởng bộ phận Phòng chống tội phạm dược phẩm và làm giả các sản phẩm y tế, cho biết, châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang là thị trường béo bở của các loại thuốc giả. Trong đó, đáng chú ý có rất nhiều thuốc chống ung thư do giá loại thuốc này cao. Hơn nữa, các loại thuốc làm giả chủ yếu là ăn theo các loại đã có thương hiệu mạnh trên thị trường…

Theo thống kê của Bộ Y tế, bình quân mỗi năm một người dân nước ta bỏ ra gần 17 USD cho việc sử dụng thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, một phần không nhỏ trong số tiền này đã trở nên vô dụng, có hại cho sức khỏe vì mua phải thuốc kém chất lượng. PGS-TS Trương Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, cho biết thuốc giả không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, mà còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống bệnh nhân. Trong rất nhiều trường hợp, thuốc giả gây ra tác hại như phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng cũng như làm bệnh nhân dễ kháng thuốc.

Tuy nhiên, trong khi thủ đoạn sản xuất, kinh doanh thuốc giả ngày càng tinh vi, phức tạp thì năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm của các cơ quan quản lý còn hạn chế nên khó phát hiện vi phạm. Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, để hạn chế thuốc dỏm, thuốc giả, cần nâng cao tính chủ động phòng chống của doanh nghiệp có sản phẩm; nâng cao năng lực kiểm nghiệm của các trung tâm, viện kiểm nghiệm ở trung ương lẫn địa phương. Tăng tần suất thanh kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm của các cơ quan quản lý dược phẩm, tăng chế tài xử phạt để răn đe. 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục