Từ TP Tân An, đi theo con đường tỉnh 827 khoảng hơn 3km là tới “vương quốc” thanh long của huyện Châu Thành. Hai bên đường, nhìn những căn nhà ngói đỏ tươi của người dân ẩn nấp trong ruộng thanh long ai cũng thấy vui mắt.
Nhưng ấn tượng hơn hết là những nhà kho thanh long to đùng, nằm chình ình dọc hai bên đường. Theo tìm hiểu, trên địa bàn huyện Châu Thành, hiện có trên 100 nhà kho, cơ sở thu mua thanh long lớn nhỏ. Trong số này, cái nhỏ nhất ước tính cũng rộng khoảng 500m2, còn có nhà kho rộng đến vài ngàn mét vuông.
Những kho hàng, cơ sở thu mua thanh long tập trung nhiều nhất ở thị trấn Tầm Vu, xã Hiệp Thạnh (21 cơ sở, nhà kho); ở xã Dương Xuân Hội và xã Long Trì (14 cơ sở, nhà kho); xã An Lục Long (13 cơ sở, nhà kho)... Ước tính, mỗi một nhà kho lớn nhỏ, kinh phí xây dựng cũng tốn từ hàng trăm triệu đến 2-3 tỷ đồng.
Nhiều nhà kho thanh long ngang nhiên “mọc” lên dọc theo đường tỉnh 827. Ảnh: KIẾN VĂN
Hoành tráng là vậy, nhưng điều đáng nói là những nhà kho, cơ sở thu mua thanh long này “mọc” lên trên đất sản xuất nông nghiệp, đất ở, dọc hai bên đường tỉnh 827 từ nhiều năm, tồn tại như một lời thách thức vì hầu hết là xây dựng tự phát.
Ông Nguyễn Văn Thình, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, thừa nhận: “Hiện nay, có nhiều nhà kho, cơ sở thu mua thanh long xây dựng trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện mà không có quy hoạch. Hiện huyện đã cho rà soát, kiểm tra cụ thể, sau đó sẽ có hướng xử lý cho phù hợp…”.
Theo thống kê, toàn huyện Châu Thành có 10.688ha đất nông nghiệp, trong số này có hơn 8.000ha đã trồng thanh long. Sắp tới, huyện chủ trương chỉ giữ lại khoảng 1.000ha đất để nuôi tôm, số còn lại tiếp tục khuyến khích người dân bỏ lúa chuyển sang trồng thanh long.
Cũng chính từ tốc độ phát triển nhanh diện tích trồng thanh long, mà mấy năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động đầu tư xây dựng nhà kho, lập cơ sở thu mua, bảo quản, sơ chế thanh long… Thế nhưng, vấn đề bất cập là một thời gian dài, huyện và tỉnh chưa tính đến việc quy hoạch vùng đất cho xây dựng nhà kho, cơ sở thu mua thanh long. Từ đó dẫn đến tình trạng người dân, doanh nghiệp tự phát xây dựng trái phép.
Theo lời ông Nguyễn Văn Thình, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành thì đến cuối năm 2016, huyện mới có quy hoạch này, điều đó cho thấy, quy hoạch không theo kịp sự phát triển của thực tế.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa điểm quy hoạch xây dựng nhà kho thường nằm cặp theo các tuyến đường và mỗi xã có chỉ tiêu xây dựng kho cụ thể (trong 13 xã, thị trấn của huyện, chỉ có 2 xã Thuận Mỹ và Thanh Vĩnh Đông không nằm trong vùng quy hoạch này). UBND huyện Châu Thành cho biết, qua rà soát, kiểm tra, nếu cơ sở, nhà kho nào nằm trong quy hoạch sẽ yêu cầu làm đầy đủ thủ tục và cho tồn tại; còn đối với những trường hợp nằm ngoài quy hoạch có thể tiến hành buộc tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu.
Ông Phan Duy Nhân, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Long An, cho biết: “Qua kiểm tra địa bàn huyện Châu Thành, có 107 nhà kho, cơ sở thu mua thanh long. Trong đó có 51 nhà kho do doanh nghiệp và người dân tự xây, số còn lại là dân dùng nhà ở để làm nhà kho, cơ sở thu mua... Tất cả nhà kho, cơ sở này đều xây dựng trái phép, vi phạm trên lĩnh vực đất đai, vi phạm trên lĩnh vực xây dựng”.
Theo ông Phan Duy Nhân, trên tinh thần Chỉ thị 12/CT-UBND ngày 28-6-2017 của UBND tỉnh Long An (về tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh), trường hợp xây dựng nào không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… sẽ giao địa phương xử lý, yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu. Trường hợp nào phù hợp thì xử phạt, sau đó hướng dẫn cho làm thủ tục để hợp thức hóa. Trong 51 nhà kho này, có 17 nhà kho phù hợp với quy hoạch nên cho tiến hành làm các thủ tục để hợp thức hóa.
Hiện nay, không chỉ huyện Châu Thành, mà toàn tỉnh Long An hiện nay có gần 7.000 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, tồn tại lâu ngày mà vẫn chưa được xử lý…