Trăn trở quản lý, khai thác di sản văn hóa

Toàn cầu hóa hiện đang là xu thế tất yếu, một vấn đề lớn trong sự phát triển của nhân loại. Ở lĩnh vực văn hóa, xu thế toàn cầu hóa thể hiện rất rõ trong quá trình giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, trong mối quan hệ đa chiều về văn hóa ngày càng mạnh mẽ của các quốc gia trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, di sản văn hóa Việt Nam chịu nhiều tác động cả bên trong lẫn bên ngoài trong quá trình hội nhập với nền văn hóa thế giới, là một thách thức lớn đối với các nước đang phát triển trong vấn đề phát triển kinh tế bên cạnh việc bảo tồn văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc. 
Trăn trở quản lý, khai thác di sản văn hóa ảnh 1 Du khách tham quan Hội trường Thống Nhất - một trong 20 di tích được trùng tu, tôn tạo, tu sửa ở TPHCM                           Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
 Nhiều bất cập 

Di sản văn hóa dân tộc sẽ là nguồn tài nguyên vô giá cho phát triển du lịch. Để trở thành nguồn tài nguyên thực sự thì bản thân nó phải có những giá trị riêng biệt và để có được giá trị này, không thể không nhắc đến vai trò của bảo tồn. Nói như vậy để có thể thấy được chuỗi giá trị liên hoàn, có quan hệ mật thiết giữa bảo tồn di sản và việc kết hợp phát triển du lịch từ di sản văn hóa. Tại TPHCM, nguồn tài nguyên di sản vẫn còn rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên cho đến nay cơ quan quản lý cụ thể là Sở VH-TT TPHCM vẫn chưa có một quy hoạch tổng thể đối với các cụm di tích tương đồng về giá trị và kế hoạch dài hạn về tu bổ di tích trên địa bàn TP. Tiến độ lập hồ sơ các di tích còn khá chậm, việc vận động xếp hạng di tích còn hạn chế, nhất là với các cơ sở tôn giáo và công trình sở hữu tư nhân. Ngoài ra, việc tu bổ, tôn tạo các công trình di tích vì nhiều nguyên nhân vẫn còn chậm và kéo dài. 

Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích TPHCM, cho biết, trong tổng số 172 di tích đã xếp hạng của TP, chỉ có khoảng 40 công trình, di tích là thực sự được du khách trong nước và quốc tế quan tâm, có nhu cầu tham quan du lịch và nằm trong tour của các công ty du lịch, lữ hành. Dù được đánh giá là nhiều tiềm năng, nhưng công tác quản lý, đào tạo con người cho hoạt động di sản văn hóa vẫn đang là câu chuyện dài nhiều trăn trở. GS-TS Trần Ngọc Thêm nhận định: “Về du lịch thì TPHCM và Hà Nội đều làm tốt, nhưng các dịch vụ du lịch văn hóa thì chưa tốt. Xét về mối tương quan giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cụ thể là giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch, thì cả công tác quản lý lẫn khai thác đều bộc lộ yếu kém, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có tầm nhìn xa hơn nữa. Mà nguyên nhân sâu xa chính là ở nhân tố con người, thiếu đầu tư cho nhân lực. Đó là chưa kể, ở nhiều địa phương, chính các đơn vị du lịch lữ hành là nguyên nhân góp phần làm mai một, thậm chí phá hỏng di sản. Một số công ty du lịch ở Quảng Ninh, đưa khách tham quan Hạ Long còn bố trí ăn uống tại các hang động, rồi làm sàn ca hát cả trong đấy. Cơ quan quản lý ý kiến thì bảo rằng đã trót ký hợp đồng như thế”. 
Trăn trở quản lý, khai thác di sản văn hóa ảnh 2 Du khách tham quan Hội trường Thống Nhất - một trong 20 di tích được trùng tu, tôn tạo, tu sửa ở TPHCM                           Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
 TS Phan Anh Tú, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, Đại học KHXH-NV TPHCM, cho rằng, để làm tốt công tác quản lý di sản, mọi thành quả đều xuất phát ở đào tạo chuyên môn và quản lý từ con người. Tuy nhiên, công tác đào tạo trong quản lý di sản hiện nay có tính chuyên sâu về lý thuyết mà thiếu thực tiễn, thiếu ứng dụng. 
Khai thác song hành với bảo tồn 
Theo Th.S Hà Thị Thùy Dương, Học viện Chính trị khu vực IV, du lịch có quan hệ mật thiết với văn hóa, với di sản văn hóa đến mức người ta đưa ra khái niệm mới là du lịch văn hóa, trong đó bao hàm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch lễ hội. Để hệ thống di tích, di sản phát huy được giá trị phục vụ cho hoạt động du lịch thì bản thân di tích phải chứa đựng những giá trị và phải được bảo tồn. Một điều dễ thấy nhất, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam khi được UNESCO công nhận thì trở thành những điểm đến du lịch rất hấp dẫn, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước, mang lại doanh thu rất lớn. Có thể kể đến Di sản văn hóa thế giới cố đô Huế đón khoảng 1,9 triệu lượt khách mỗi năm, thu gần 140 tỷ đồng tiền vé; di sản phố cổ Hội An đón 1,5 triệu lượt khách/năm, thu tiền vé 80 tỷ đồng... Rõ ràng, nếu chúng ta bảo tồn tốt các di sản văn hóa thì đây sẽ là nguồn lực rất lớn thúc đẩy du lịch phát triển. Và ngược lại, nếu chỉ chăm chăm vào việc khai thác mà không chú trọng bảo tồn di sản văn hóa sẽ tạo ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí gây hậu quả khôn lường. 

Việt Nam có một kho tàng di sản văn hóa rất lớn với gần 40.000 di sản vật thể, 60.000 di sản phi vật thể, với gần 8.000 lễ hội, trong đó có hơn 3.000 lễ hội dân gian, thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Đây là nguồn tài nguyên vô giá. Trong số đó có nhiều di sản văn hóa thế giới và nhiều di tích đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Phát triển du lịch kết hợp hoạt động bảo tồn, tôn tạo di sản vừa phát huy giá trị di sản, vừa tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, người dân được hưởng lợi nhiều hơn thông qua việc tham gia dịch vụ du lịch, ngành nghề thủ công truyền thống quanh khu vực di sản. Nhiều địa phương còn tận dụng thế mạnh di sản để quảng bá du lịch như: Năm du lịch Hạ Long, Quảng Nam, Festival Huế, Festival hoa Đà Lạt, Đêm rằm phố cổ Hội An… nhờ đó, du khách vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp kiến trúc của di sản, nay họ còn được thưởng thức các giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống của địa phương. 

Ở góc độ khác, TS Phạm Thị Thu Nga, Đại học Huflit, lo lắng khi nêu thực trạng: Thực tế bộc lộ bất cập khi nhiều địa phương, người dân chưa nhận thức đầy đủ và đúng mức về di sản. Một số nơi, di sản hàng ngày hàng giờ bị đe dọa, xâm hại, xuống cấp, thiếu đầu tư tôn tạo hoặc có nơi tôn tạo nhưng không chú ý đến yếu tố bảo tồn. “Điển hình là việc tôn tạo chùa Trấn Quốc Hà Nội, người ta cho xây dựng một tháp cao lớn ngay trong khuôn viên chùa đã làm cảnh quan biến đổi, giá trị nguyên gốc của di tích không còn. Cũng không ít địa phương, di tích sau khi được xếp hạng vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng hoang hóa, không có kế hoạch bảo tồn để hỗ trợ phát triển mà để lãng phí hoặc khai thác bừa bãi. Di tích núi Tam Thanh và núi nàng Tô Thị, Lạng Sơn - vốn được xếp hạng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia nhưng lại được giao cho một công ty tư nhân xây dựng các công trình khai thác du lịch, xây dựng một số công trình trái với tính chất di tích như xây nhà hàng, bãi đỗ xe, làm ảnh hưởng cảnh quan di tích, vi phạm Luật Di sản văn hóa”, TS Thu Nga bày tỏ.
 Theo Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích TPHCM, vừa qua TPHCM có hơn 20 di tích được trùng tu, tôn tạo, tu sửa cấp thiết: Mộ và đền thờ ông Phan Công Hớn, Bảo tàng Mỹ thuật, đình Bình Hòa (mộ và đền thờ ông Phạm Văn Chí), Hội quán Nhị Phủ, đình Nam Chơn, lăng Võ Di Nguy, Hội trường Thống Nhất, đền thờ Hùng Vương (trong khuôn viên Thảo Cầm viên), đình Xuân Hòa, Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn, địa đạo Phú Thọ Hòa, Nhà truyền thống cách mạng người Hoa, Cột cờ Thủ Ngữ, quán Nhan Hương, mộ và đền thờ Phan Chu Trinh, đình Tăng Phú, đình Nhơn Hòa, đình Bình Quới Tây, đình Phú Nhuận, chùa Giác Viên. Tổng kinh phí đầu tư 95,9 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước là 79,5 tỷ đồng (chiếm 82,9%), nguồn xã hội hóa 16,4 tỷ đồng (17,1%), phần nào giải quyết được cơ bản tình trạng di tích xuống cấp nặng, tránh nguy cơ đổ sập. 

Tin cùng chuyên mục